Người nợ thuế có thể được “gỡ” lệnh tạm hoãn xuất cảnh ngay tại sân bay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với giải pháp kết nối dữ liệu lớn giữa Cục Thuế và Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an), người nộp thuế có thể được gỡ bỏ lệnh tạm hoãn xuất cảnh ngay khi thực hiện nộp số tiền thuế đang nợ.

Hơn 61.000 lượt người nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh

Cục Thuế cho biết, những năm gần đây, ngành Thuế đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người nộp thuế (NNT) là cá nhân, doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Trong quá trình thực hiện, ngành Thuế đã triển khai nhiều kênh thông tin như ứng dụng eTax Mobile, tin nhắn SMS, cảnh báo trên phương tiện truyền thông, giúp NNT biết sớm thông tin tạm hoãn xuất cảnh đã tự giác và chủ động thực hiện đi nộp các khoản thuế nợ kéo dài để được gỡ bỏ hạn chế xuất cảnh.

Thống kê đến nay, cơ quan thuế các cấp đã phát hành trên 61.000 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tổng số tiền thuế nợ lên tới trên 83.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng nhóm NNT đã bỏ địa chỉ kinh doanh là trên 36.000 NNT với tổng số tiền là 13.407 tỷ đồng.

Nhờ đó, cơ quan thuế đã thực hiện thu hồi cho NSNN được gần 5.000 tỷ đồng, trong đó có 256 tỷ đồng từ nhóm NNT bỏ địa chỉ kinh doanh.

Nhiều cá nhân không biết mình bị tạm hoãn xuất cảnh do không nhận được thông báo của cơ quan thuế

Nhiều cá nhân không biết mình bị tạm hoãn xuất cảnh do không nhận được thông báo của cơ quan thuế

Tuy nhiên, theo Cục Thuế, thực tiễn áp dụng cũng đã phát sinh những hạn chế nhất định, bởi việc thực hiện biện pháp “Thông báo tạm hoãn xuất cảnh” theo phương thức hành chính truyền thống như hiện nay (thông báo bằng công văn gửi trực tiếp hoặc chuyển phát nhanh…).

Theo đó, biện pháp này sẽ bị hạn chế về thời gian xử lý, thiếu tính đồng bộ trong công tác quản lý và có thể phát sinh chi phí hành chính, từ đó cũng sẽ tạo khó khăn nhất định trong quá trình rà soát dữ liệu liên quan đến nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân.

Trên thực tế, đã phát sinh rất nhiều trường hợp NNT do không nhận được các thông báo tạm hoãn xuất cảnh dẫn đến trường hợp khi ra đến sân bay mới biết mình bị tạm hoãn xuất cảnh. Điều này gây tổn hại chi phí và ảnh hưởng lớn đến công việc, hoạt động kinh doanh của NNT.

Được gỡ tạm hoãn xuất cảnh ngay sau khi nộp thuế

Nhận thức được những khó khăn trên và trong bối cảnh chuyển đổi số đang được đẩy mạnh trên toàn hệ thống chính trị, Cục Thuế đã chủ động phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) triển khai đồng thời việc kết nối dữ liệu lớn (Big Data) kết hợp giải pháp kỹ thuật về NNT với việc xây dựng Quy chế phối hợp trao đổi thông tin điện tử giữa Cơ quan Thuế và Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh.

Trải qua 3 đợt vận hành thí điểm với những tham gia góp ý từ phía các chuyên gia nghiệp vụ và công nghệ thông tin của Cục Thuế và Cục Quản lý xuất nhập cảnh, đến nay hai cơ quan đã thống nhất nội dung kỹ thuật, phương án truyền dữ liệu lớn, cơ chế bảo mật và quy trình xử lý nghiệp vụ.

Đến đầu tháng 5/2025, toàn bộ hệ thống hạ tầng điện tử đã sẵn sàng vận hành khi Quy chế phối hợp công tác được hai cơ quan ký kết, dự báo ngay trong trung tuần tháng 5 này.

Việc triển khai hệ thống mới giúp thủ tục gỡ bỏ tạm hoãn xuất cảnh sẽ được cập nhật gần như ngay lập tức sau khi NNT hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách, tạo thuận lợi trong việc xuất cảnh vì mục đích cá nhân hoặc công việc.

Đồng thời, điều này cũng nâng cao ý thức tuân thủ nghĩa vụ thuế, nhất là đối với các cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xuyên biên giới.

Quy chế trao đổi, cung cấp thông tin tạm hoãn xuất cảnh bằng phương thức điện tử gồm 10 điều, quy định cụ thể về phạm vi, nguyên tắc, đối tượng, đầu mối trao đổi, tần suất truyền dữ liệu, quy trình xử lý sự cố và cơ chế đối soát thông tin với 05 yêu cầu cốt lõi:

Thứ nhất, thông tin truyền - nhận phải đảm bảo an toàn, bảo mật và liên tục;

Thứ hai, thông tin, dữ liệu trao đổi giữa hai cơ quan là thông tin chính thức, chỉ phục vụ công tác nghiệp vụ theo quy định pháp luật, đúng mục đích nghiệp vụ và không được cung cấp cho bên thứ ba nếu chưa có sự đồng ý của bên cung cấp.

Thứ ba, các thông tin được trao đổi qua phương thức điện tử không trao đổi song song qua các phương thức khác (trừ trường hợp không thực hiện được thì thực hiện bằng các hình thức quy định tại Thông tư 79/2020/TT-BCA);

Thứ tư, tần suất truyền dữ liệu theo thời gian thực;

Thứ năm, cơ chế đối soát được triển khai hai giai đoạn: ban đầu là thủ công qua email (trong 3 tháng đầu), sau đó nâng cấp thành hệ thống đối soát điện tử qua đường truyền giữa hai cơ quan.