Xóa bỏ thuế khoán, hết thời doanh thu khủng nhưng nộp thuế vài trăm nghìn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hiện nay, cả nước có gần 2 triệu hộ, cá nhân kinh doanh đang nộp thuế theo phương thức khoán, với trung bình số thuế nộp chỉ 672 nghìn đồng/tháng (dữ liệu tháng 3/2025).

Phần lớn các hộ kinh doanh đang nộp thuế khoán

Theo số liệu của Cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến hết tháng 3/2025, số lượng hộ, cá nhân kinh doanh đã nộp Tờ khai thuế theo hình thức khoán là 1.975.373 hộ, trong khi theo hình thức kê khai chỉ có 6.142 hộ.

Cơ quan Thuế cho biết, tổng thu NSNN từ hộ, cá nhân kinh doanh 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 8.695 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, mức thuế khoán bình quân tháng 3/2025 là 672,3 nghìn đồng/tháng/hộ, cá nhân; còn với hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai bình quân là 4,6 triệu đồng/tháng/hộ, cá nhân.

Nhiều cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh có doanh thu khủng từ thương mại điện tử

Nhiều cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh có doanh thu khủng từ thương mại điện tử

Theo đánh giá của Cục Thuế, kết quả quản lý thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vẫn chưa đạt được yêu cầu đặt ra.

Việc một thời gian dài chúng ta áp dụng chính sách thuế khoán là phù hợp, bởi nó đã đạt được yêu cầu mục đích rất nhân văn của Nhà nước, đó là khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ phát triển.

Các chuyên gia cho rằng, ưu điểm của phương pháp thuế khoán là đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với quy mô quản lý nhỏ của nhiều hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, phương pháp khoán cũng bộc lộ nhiều nhược điểm như: Không khuyến khích tính minh bạch trong kê khai doanh thu, hộ kinh doanh có thể khai báo thấp hơn doanh thu thực tế nhằm giảm mức thuế phải nộp;

Đồng thời, gây khó khăn cho cơ quan thuế trong công tác quản lý và giám sát doanh thu thực tế, dẫn đến nguy cơ thất thu ngân sách nhà nước; Tạo ra sự thiếu công bằng giữa các hộ kinh doanh khi có trường hợp hộ kinh doanh có doanh thu thực tế cao nhưng vẫn nộp thuế ít hơn so với hộ khác…

Cục Thuế cho rằng, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự đóng góp của rất nhiều hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã đặt ra cho cơ quan quản lý thuế thách thức về cơ chế giám sát và môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch giữa các thành phần kinh tế.

Bỏ thuế khoán từ năm 2027

Tại Nghị quyết 68 vừa được Bộ Chính trị ban hành, một trong những nội dung quan trọng là hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.

Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về kinh doanh cá thể; thu hẹp tối đa sự chênh lệch, tạo mọi điều kiện thuận lợi về tổ chức quản trị và chế độ tài chính, kế toán để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; Đẩy mạnh số hoá, minh bạch hoá, đơn giản hoá, dễ tuân thủ, dễ thực hiện đối với chế độ kế toán, thuế, bảo hiểm... để khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Đặc biệt, Bộ Chính trị đặt mục tiêu xoá bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026.

Tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ đã yêu cầu từ ngày 1/6 tới, các hộ kinh doanh thuộc các nhóm ngành nghề như: ăn uống, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bán lẻ… có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối máy tính tiền. Như vậy, các hộ kinh doanh nêu trên sẽ chính thức không còn nộp thuế khoán.

Cùng với đó, Dự án Luật Quản lý thuế (thay thế) cũng đã đưa ra lộ trình dự kiến mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử máy tính tiền. Cụ thể: Từ 01/06/2025, hộ và cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên sẽ bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối trực tiếp với cơ quan thuế.

Quy định này dự kiến sẽ áp dụng với các hộ và cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 800 triệu đồng/năm trở lên bắt đầu từ 1/1/2017 và từ 01/01/2028, tiếp tục mở rộng đến toàn bộ các hộ, cá nhân kinh doanh.

Phó Cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn cho biết, việc xóa bỏ thuế khoán ra yêu cầu phải thay đổi phương pháp quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, theo đó, phải quản lý thuế dựa trên dữ liệu bigData.

Việc rà soát doanh thu mua vào so với doanh thu khoán, cơ quan thuế cần có sự phối hợp chặt chẽ với trung gian vận chuyển hàng hóa và tham chiếu doanh thu của các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ phụ trợ khác…

Theo đó có thể quan sát được những yếu tố ẩn phía sau doanh thu thực, từ đó đưa ra giải pháp quản lý thuế cụ thể đến từng lĩnh vực kinh doanh, nhất là kinh doanh dịch vụ và kinh doanh trên nền tảng số - hiện được nhìn nhận là những đối tượng ẩn thuế khá lớn.

Để tăng cường triển khai các giải pháp quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, Cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế các cấp hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn quản lý.

Đồng thời, phối hợp với các Ban nghiệp vụ của Cục Thuế để làm sạch cơ sở dữ liệu mã số thuế cá nhân và đưa vào sử dụng ngay.