20 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO

Xác định vai trò quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 29-11, Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL phối hợp UBND tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị - Hội thảo - Thực hành di sản kỷ niệm 20 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (2003-2023), đánh giá hiệu quả thực hiện công ước đối với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Đánh dấu hội nhập, xác định vai trò quốc tế

Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua năm 2003 (Công ước 2003). Ngày 5/9/2005, Việt Nam chính thức tham gia và đã trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước quốc tế quan trọng này, đánh dấu sự hội nhập, xác định vai trò quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể với UNESCO và các nước trên thế giới.

Công ước quy định nhiều nội dung như: xác định các biểu hiện văn hóa là di sản văn hóa phi vật thể, phân loại di sản văn hóa phi vật thể, vai trò, sự tham gia của cộng đồng chủ thể và các quốc gia vào hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, các Danh sách và việc ghi danh di sản vào các Danh sách, các báo cáo, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở cấp quốc gia và quốc tế, hợp tác và hỗ trợ quốc tế, quỹ quốc tế bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể….

Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL phối hợp UBND tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị - Hội thảo - Thực hành di sản kỷ niệm 20 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (2003-2023) tại Nam Định

Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL phối hợp UBND tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị - Hội thảo - Thực hành di sản kỷ niệm 20 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (2003-2023) tại Nam Định

Theo Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết, sau 18 năm tham gia Công ước, Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được Ủy ban ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Tính đến nay, Việt Nam đã có gần 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê. 500 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, trong đó có 131 Nghệ nhân nhân dân và 1.750 Nghệ nhân ưu tú.

Một trong những sự kiện nổi bật đánh giá về công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, đó là tháng 12/2017, Hát Xoan Phú Thọ trở thành di sản đầu tiên được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và sau đó ghi danh vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã và đang đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực, trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; góp phần vào nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của UNESCO và Công ước 2003, cũng như tự cường mạnh mẽ trong việc đóng góp vào bảo vệ sự đa dạng văn hóa và phát triển bền vững di sản văn hóa phi vật thể trên thế giới.

Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cũng khẳng định, với nỗ lực không ngừng, trách nhiệm và tình yêu di sản văn hóa phi vật thể; thông qua tăng cường thực hiện và hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa, Việt Nam cam kết mạnh mẽ việc thực hiện Công ước 2003 của UNESCO; đồng thời đã và đang đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.

Chấn chỉnh lệch lạc, biến tướng còn nhiều khó khăn

Đại diện Sở VHTTDL Nam Định cho biết, từ năm 2021, Nam Định đã phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Định đến năm 2030”. Đề án đã đi sâu nghiên cứu, phân tích, đánh giá các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ và phát huy di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh Nam Định, trong đó tập trung vào hai trung tâm thực hành sinh hoạt Tín ngưỡng thờ Mẫu là quần thể di tích Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), di tích Phủ Quảng Cung (xã Yên Đồng, huyện Ý Yên) và một số địa phương khác.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, hiện việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu cũng vướng phải một số khó khăn, ví như, các chủ thể nắm giữ và thực hành di sản, được coi là báu vật sống thì phần lớn đã cao tuổi, sức khỏe yếu nên việc tư liệu hóa, truyền dạy gặp nhiều khó khăn. Việc vinh danh các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong lĩnh vực chưa kịp thời. Chưa xây dựng chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và những nghệ nhân truyền dạy. Công tác tuyên truyền, giời thiệu và quảng bá di sản văn hóa phi vật thể còn hạn chế; chưa có sự kết nối giữa các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh cũng như trong khu vực để tạo thành các sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hầu Sau 18 năm tham gia Công ước, Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được Ủy ban ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp (ảnh minh họa)
Sau 18 năm tham gia Công ước, Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được Ủy ban ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp (ảnh minh họa)

Đặc biệt, sau khi di sản được UNESCO ghi danh, trên phạm vi cả nước nhiều cơ quan đơn vị đã phối hợp với các tổ chức cộng đồng tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học và “diễn xướng hầu đồng”. Tuy nhiên, cũng còn một số cơ quan đơn vị không có chức năng quản lý, nghiên cứu về di sản văn hóa cũng đứng ra tổ chức các hoạt động “liên hoan hầu đồng” hoặc phát các bằng chứng nhận, bằng vinh danh cho tổ chức, cá nhân không đúng thẩm quyền và không theo quy định. Thậm chí do chưa hiểu hết bản sắc của di sản nên một số cá nhân có một số biểu hiện lệch lạc như đưa nghi lễ ra ngoài không gian thiêng.

Còn theo đại diện Sở VHTTDL tỉnh Lạng Sơn, tại địa phương này, việc quản lý cũng đang gặp những khó khăn như: Chưa nhận diện đúng về giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, việc triển khai những hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản theo tinh thần Công ước Bảo vệ Di sản phi vật thể của UNESCO vẫn còn thiếu đồng bộ, thống nhất trong tư duy, nhận thức, hành động của các tổ chức, cá nhân …gây ra những băn khoăn lo ngại về sự biến tướng có thể đang tồn tại trong hầu đồng - nghi thức văn hóa hạt nhân của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

“UNESCO không vinh danh tín ngưỡng, vinh danh dưới góc độ tôn giáo hay tâm linh mà vinh danh dưới góc độ văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu đó là tri thức dân gian, ngôn ngữ truyền khẩu, nghệ thuật tạo hình, trang trí, âm nhạc, ứng xử, giao tiếp với công chúng…Đó chính là ghi nhận những sáng tạo văn hóa của cộng đồng đã không ngừng được tiếp nối và được bảo vệ, giữ gìn cho đến ngày nay. Tuy nhiên trái ngược với tinh thần này, một bộ phận không nhỏ các tổ chức, cá nhân trong đó có thanh đồng nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt dẫn đến làm lệch lạc, “méo mó” giá trị văn hóa đặc trưng của tín ngưỡng này”- Đại diện Sở VHTTDL tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.

Việc nhận diện, xử lý các hành vi biến tướng, lệch chuẩn trong thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ là rất khó khăn. Các hiện mê tín dị đoan và tín ngưỡng gắn bó hữu cơ với nhau, khó có thể tách rời để nhận diện, xác định rõ thế nào là mê tín, thế nào là tín ngưỡng và ở mức độ, cấp độ nào sẽ trở thành mê tín dị đoan. Do vậy việc phòng chống và xử lý các hình thức mê tín di đoan còn gặp nhiều lúng túng, vướng mắc, chưa đồng nhất ngay cả với các nhà quản lý và các nhà khoa học.

Trong số 06 Công ước về văn hóa của UNESCO, đến nay Việt Nam đã tham gia 04 Công ước. Việc tham gia các Công ước của UNESCO về văn hóa không chỉ thể hiện tinh thần hòa nhập của Việt Nam cùng bảo vệ, gìn giữ các giá trị văn hóa cho hiện tại và tương lai, phục vụ phát triển du lịch bền vững, mà còn hướng đến mục tiêu chung cao cả của UNESCO là “góp phần duy trì hòa bình và an ninh trên cơ sở thắt chặt sự hợp tác giữa các dân tộc thông qua giáo dục, khoa học và văn hóa, vì mục đích tôn trọng trên phạm vi toàn cầu công lý, luật pháp, các quyền con người và quyền tự do cơ bản đối với mọi người.