Vượt qua khủng hoảng, khó khăn vì dịch bệnh covid-19: Hỗ trợ nghệ sĩ, người làm du lịch cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày 18-6, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã có văn bản gửi Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, đội ngũ nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật biểu diễn gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Động thái này được hiểu như một sự quan tâm, động viên kịp thời các lực lượng nòng cốt của ngành văn hóa, du lịch. Tuy nhiên, đây mới chỉ là góc hẹp của vấn đề lớn…
Đội ngũ hướng dẫn viên có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành du lịch

Đội ngũ hướng dẫn viên có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành du lịch

Đề xuất hỗ trợ diễn viên, hướng dẫn viên du lịch

Văn bản tập trung vào 2 lực lượng chính là đội ngũ nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật biểu diễn và hướng dẫn viên du lịch. Bởi lẽ, từ đầu năm 2020 đến nay họ gần như không thể hoạt động do đại dịch Covid-19, không được tổ chức sự kiện, tập trung đông người... Dịch bệnh xảy ra, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và du lịch đã và đang phải chịu thiệt hại đầu tiên và nặng nề nhất so với các ngành nghề khác. Song vì nhiều lý do khách quan, cho tới nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể nào.

Trong văn bản, Bộ VH-TT&DL cũng kiến nghị khá rõ ràng: “Bổ sung vào mục II dự thảo Nghị quyết đối tượng và nội dung hỗ trợ: “Hỗ trợ đội ngũ nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật hạng IV, diễn viên hạng IV, họa sĩ hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (đây là nhóm nghệ sĩ có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng). Mức hỗ trợ là 1.800.000đ/người/tháng, hỗ trợ trong 3 tháng và được chi trả một lần”.

Nói về lý do đề xuất này, Bộ VH-TT&DL cho biết, lao động nghệ thuật biểu diễn là loại lao động đặc thù, đội ngũ nghệ sĩ phải có năng khiếu, tài năng và phải được đào tạo bằng nhiều hình thức (kèm cặp, tại chỗ, đào tạo qua các cơ sở đào tạo nghệ thuật...) và phải đào tạo từ lúc nhỏ (từ 7-8 tuổi), thời gian đào tạo kéo dài và chỉ đạt đến trình độ đào tạo trung cấp, cao đẳng là ra nghề. Thời gian hoạt động biểu diễn nghệ thuật của nghệ sĩ rất ngắn, bình quân khoảng từ 15 đến 20 năm, đến độ tuổi từ 30 đến 40 (đối với nữ) và 40 đến 45 (đối với nam) khả năng biểu diễn của nghệ sĩ bị suy giảm, không thể đáp ứng được đòi hỏi về chuyên môn của nghề nghệ thuật biểu diễn.

Thực tế theo thang bảng lương Nhà nước, mặc dù có tài năng, năng khiếu, được đào tạo công phu nhưng khi được tuyển dụng vào viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập, đội ngũ nghệ sĩ được xếp lương như đối với các ngành nghề khác (xếp lương theo trình độ đào tạo, lên lương theo niên hạn, trung bình 2 năm nâng 1 bậc lương đối với hạng IV, mức lương khởi điểm hệ số 1,86 x mức lương cơ sở 1.490.000 đồng) thì đối tượng viên chức là nghệ sĩ hiện nay không thể đi hết các bậc lương trong ngạch khi tuổi nghề ngắn.

Hiện nay, cả nước có 100 đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật của lực lượng vũ trang) với hơn 2.000 viên chức là nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV, đối tượng này đang khó khăn không thể đảm bảo cuộc sống do đại dịch Covid-19 xảy ra, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn tạm ngừng.

Ai cũng biết, văn bản đề xuất của Bộ VH-TT&DL có sớm được hiện thực hóa đi chăng nữa thì cũng chỉ là giải pháp “động viên tinh thần” người lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn nữa mà các công ty du lịch nói chung cũng như toàn ngành du lịch muốn là làm sao bảo toàn lực lượng. Sự hao hụt về mặt nhân sự do số lượng lao động không nhỏ phải nghỉ việc hoặc chuyển nghề đã buộc các đơn vị phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ cả về tư duy và phương pháp quản lý để giải quyết vấn đề này.

Đồng thời, Bộ VH-TT&DL đề nghị bổ sung vào mục II dự thảo Nghị quyết đối tượng và nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ người lao động là hướng dẫn viên du lịch bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mức hỗ trợ là 1.800.000đ/người/tháng, hỗ trợ trong 3 tháng và được chi trả một lần. Lý do theo đề xuất là đối tượng này đã bị mất việc làm do hoạt động du lịch bị đình trệ từ khi bùng phát dịch bệnh đầu năm 2020 đến nay. Các chính sách hỗ trợ người lao động đã được ban hành chưa chỉ rõ đối tượng hướng dẫn viên du lịch nên họ chưa được hưởng bất kỳ sự hỗ trợ nào từ Chính phủ.

Theo thống kê, tổng số lượng hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ trên toàn quốc hiện nay là hơn 26.721 người, trong đó có 16.965 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 8.743 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 1.013 hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Bộ VH-TT&DL xác định, đội ngũ hướng dẫn viên này có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành du lịch, mang lại lợi ích cho nền kinh tế của đất nước suốt thời gian qua.

Ngành du lịch đâu chỉ có hướng dẫn viên

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp du lịch, văn bản này đưa ra đề xuất rất cụ thể đối tượng được thụ hưởng ở lĩnh vực biểu diễn nhưng còn khá mơ hồ đối với lĩnh vực du lịch. Cụ thể, du lịch là một chuỗi cung ứng gồm cả hướng dẫn viên du lịch, nhân viên kinh doanh, vận tải, nhà hàng, cơ sở lưu trú... Nếu nói hỗ trợ ngành du lịch vượt qua đại dịch mà chỉ có mỗi hướng dẫn viên thì dù có đúng nhưng vẫn là chưa đủ.

Ông Nguyễn Tuấn Linh - Giám đốc Công ty du lịch Mr Linh’s Adventures cho biết, việc hỗ trợ này là cần thiết dù hơi muộn. Hướng dẫn viên hầu hết là cộng tác cùng các doanh nghiệp và không cố định, nếu có làm cố định cho một doanh nghiệp thì sau 2 năm du lịch “đóng băng” bởi Covid-19 thì nay họ cũng “rơi rụng” gần hết. Đề xuất hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng/người dù ít nhưng cũng là nguồn động viên cần thiết để họ có thể tiếp tục yêu nghề và bám trụ. Ông Nguyễn Tuấn Linh cũng cho rằng, ngoài hỗ trợ về tiền, Bộ VH-TT&DL cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ để nhân sự ngành du lịch được tiếp cận với vaccine sớm nhất có thể. Để khi dịch bệnh được khống chế, lực lượng này ngay lập tức có thể phục hồi và hoạt động bình ổn.

Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Công ty du lịch Mr Linh’s Adventures là doanh nghiệp chỉ đón khách quốc tế. Chính vì thế, cũng là doanh nghiệp phải chịu thiệt hại đầu tiên và lâu nhất. Từ 30-4-2021, doanh nghiệp này đã phải đóng cửa vì không thể trụ thêm được nữa. Vì thế, Bộ VH-TT&DL muốn cứu ngành du lịch thì cần cứu các doanh nghiệp trước tiên và chính các doanh nghiệp sẽ cứu lực lượng lao động của họ.

Cũng nói thêm, bản chất của du lịch là mỗi chuỗi cung ứng, thiếu khâu nào cũng không thể hoạt động được chứ không chỉ có mỗi hướng dẫn viên. Ông Nguyễn Tuấn Linh đưa ra dẫn chứng: “Chúng tôi cần được cứu bằng cách giãn nợ, hoãn thuế, giảm thuế để tránh tình cảnh rơi vào danh sách nợ xấu... Hiện tại, chúng tôi vẫn phải gồng mình để giữ gìn thương hiệu, động viên nhân viên bằng cách 1 tuần đi làm 2 ngày, nhận 30% lương. Đối với các đối tác quốc tế, vẫn phải giữ liên lạc thường xuyên”.

Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, hầu hết các doanh nghiệp đều khẳng định, cần có hỗ trợ doanh nghiệp bởi khi doanh nghiệp phục hồi thì người lao động mới có việc làm. Trong 3 tháng, người lao động được hỗ trợ 5,4 triệu đồng. Số tiền đó chỉ như muối bỏ bể khi suốt gần 2 năm qua ngành du lịch coi như mất việc và rơi vào khủng hoảng. Nếu 3 tháng được hỗ trợ, đến tháng thứ tư, dịch vẫn chưa hết thì họ biết làm gì tiếp theo?

Biện pháp nào để bảo toàn lực lượng?

Ai cũng biết, văn bản đề xuất của Bộ VH-TT&DL có sớm được hiện thực hóa đi chăng nữa thì cũng chỉ là giải pháp “động viên tinh thần” người lao động làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn nữa mà các công ty du lịch nói chung cũng như toàn ngành du lịch muốn là làm sao bảo toàn lực lượng. Sự hao hụt về mặt nhân sự do số lượng lao động không nhỏ phải nghỉ việc hoặc chuyển nghề đã buộc các đơn vị phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ cả về tư duy và phương pháp quản lý để giải quyết vấn đề này.

Theo Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, cả nước có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể lực lượng lao động ở những mảng công việc có liên quan. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng nhân viên nghỉ việc tại các công ty du lịch ngày một tăng. Qua khảo sát có tới 18% số doanh nghiệp đã phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho từ 50-80% nhân viên nghỉ việc; 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với lao động bị mất việc làm.

Sở Du lịch Hà Nội cũng cho biết, số lao động tạm thời nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển chiếm khoảng 50-90%. Các công việc mà nhân lực du lịch mất việc buộc phải chuyển đổi là: lái xe công nghệ, tư vấn bất động sản, bảo hiểm, bán hàng qua mạng... Nhiều khách sạn trên địa bàn Hà Nội mất hơn 50% nhân viên, hoặc họ buộc phải cho nhân viên nghỉ việc vì kinh doanh không hiệu quả.

Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Flamingo Redtour cho rằng, đối với các dịch vụ du lịch thì yếu tố con người được đặt rất cao. Công việc phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, nếu không sẽ “vấp”. Ngay cả trước thời điểm có dịch bệnh, các doanh nghiệp cũng thường xuyên thiếu lao động chất lượng cao. Trong suốt thời gian qua, Việt Nam luôn là điểm sáng về phòng chống dịch bệnh. Tới đây khi dịch Covid-19 được kiềm chế, các loại hình dịch vụ được mở lại, khách quốc tế quay lại mà chúng ta không có sự chuẩn bị thì mức độ ảnh hưởng sẽ rất lớn.

Ông Nguyễn Công Hoan cũng chia sẻ thêm, chính vì lý do đó, Flamingo Redtour luôn phải nỗ lực duy trì các lực lượng nòng cốt như điều hành, hướng dẫn viên và bộ phận sale. Bên cạnh đó là thường xuyên cung cấp thông tin cho các hoạt động online và người lao động làm việc online, tổ chức các sinh hoạt chuyên đề để sẵn sàng các kịch bản cho ngày trở lại. Những việc này giúp nhân viên dù không đến văn phòng vẫn ý thức được công việc.

NSND Lan Hương: Sự động viên là cần thiết để các nghệ sĩ trẻ không bỏ nghề

Nếu có được sự hỗ trợ này thì tốt quá. Hiện nay, nhiều diễn viên trẻ ở nhà hát có cuộc sống rất khó khăn. Các em phải thuê nhà, mưu sinh rồi mới làm nghề, họ cứ âm thầm theo đuổi đam mê của mình thôi. Các diễn viên hạng IV là những em mới làm nghệ thuật, chưa có nhiều kinh nghiệm và cuộc sống vất vả. Có em phải bán hàng online, kinh doanh thêm.

Nếu nhận làm phim ngoài thì cũng rất cực, cát-sê chỉ độ 100 nghìn/ngày, cả tuần cũng chỉ vài lần diễn nên đừng nhìn bề ngoài mà nghĩ họ có điều kiện. Đến bản thân tôi giờ nghĩ lại cũng không hiểu mình đã vượt qua những vất vả thế nào để sống với nghề. Tôi sau khi nghỉ hưu được mời về Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn, được trả 500 nghìn/đêm diễn. Còn các diễn viên trẻ, mới vào nghề thì thấp hơn nhiều, nhưng cũng ít được diễn lắm, nhất là mùa dịch này. Thế nên sự động viên của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là cần thiết để các em thắp sáng ngọn lửa nghệ thuật. Sân khấu mà không có lớp trẻ là sân khấu bị tê liệt.

NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam: Gói hỗ trợ tạo điểm tựa rất lớn đối với chúng tôi

Sau cuộc họp giữa lãnh đạo các nhà hát và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lãnh đạo bộ đã nắm bắt được tình hình cũng như những khó khăn mà các nghệ sĩ, các nhà hát phải đối mặt trong đại dịch. Rất nhanh sau đó, Bộ đã có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ (diễn viên, đạo diễn hạng IV), tức là những người vừa ra trường với hệ số lương rất thấp. Động thái này khiến những người đứng đầu các nhà hát rất cảm kích, tạo ra động lực tinh thần to lớn để vượt qua khó khăn lúc này.

Khi văn bản được ban hành, có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, văn bản này chưa công bằng với các nghệ sĩ. Hay có ý kiến còn cho rằng, nghệ sĩ thiếu gì tiền. Tôi cũng phải nói cho rõ là khán giả mới chỉ nhìn vào các nghệ sĩ nổi tiếng, thu nhập đã ổn định. Còn các nghệ sĩ của nghệ thuật truyền thống, các loại hình mang tính đặc thù như xiếc, múa, opera, ballet... đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nghệ sĩ đã phải “tay năm tay mười” để tồn tại và duy trì với nghề bằng cách bán hàng online, về quê tăng gia trồng rau sạch rồi đem lên thành phố bán, có nghệ sĩ về quê làm thợ mộc… Ai cũng muốn tiếp tục gắn bó với nghề nhưng vì lương bậc IV quá thấp, không đủ chi tiêu trong tháng. Có nghệ sĩ đã bỏ nghề do không chịu được cuộc sống khó khăn.

Trong giai đoạn này, các nghệ sĩ trẻ cần đặc biệt được quan tâm. Do vậy, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ưu tiên các nghệ sĩ trẻ trước là hợp lý. Dù gói hỗ trợ chỉ 1,8 triệu đồng/người/tháng, nhưng đó là sự động viên về tinh thần, tạo điểm tựa để các bạn trẻ gắn bó với nghề.

Nghệ sĩ Tuấn Hiệp, diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam: Một miếng khi đói bằng một gói khi no

Tôi công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam từ năm 2014, là diễn viên biên chế với hệ số lương 1,86, mức lương rất thấp dành cho các diễn viên hệ trung cấp mới ra trường. Dịch Covid-19 khiến các đơn vị nghệ thuật buộc phải đóng cửa, đời sống nghệ sĩ rất khó khăn. Ở làn sóng thứ 4 của đại dịch, tôi nghỉ ở nhà 2 tháng và không có bất cứ nguồn thu nào. Khó khăn quá, tôi đành xoay sang làm sale cho ngân hàng với mức lương hạn hẹp. Nhưng dù sao có vẫn còn hơn không. Bạn bè tôi ở các đơn vị nghệ thuật truyền thống khác đã phải nghỉ việc. Nói thật, nhiều lúc tôi cũng cảm thấy chán nản, muốn bỏ việc mà lại không đành vì còn yêu nghề quá. Nghe thông tin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị gói hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ, tôi rất vui vì Bộ quan tâm đến các nghệ sĩ. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, sự hỗ trợ lúc này là rất cần thiết và kịp thời để các diễn viên trẻ không nói lời từ biệt, các đơn vị nghệ thuật sẽ thiếu đi lực lượng kế cận. Các diễn viên trẻ là người nắm giữ hầu hết các vai diễn quan trọng trong các tác phẩm sân khấu, vai trò của họ không ai có thể phủ nhận. Do vậy, tôi cho rằng, lúc này các đơn vị nghệ thuật và lãnh đạo Bộ cần bàn bạc và tìm ra nhiều cách níu giữ các nghệ sĩ trẻ bên cạnh gói hỗ trợ đang chờ phê duyệt.

Thanh Xuân (ghi)