Vũ Cao: Tác giả “Núi đôi” đã ra đi
(ANTĐ) - Nhà thơ Vũ Cao tên thật là Vũ Hữu Chỉnh, sinh ngày 18-2-1922 tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957.
Nhà thơ Vũ Cao |
Ông sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống văn hóa. Nhà thơ Vũ Cao là anh ruột của nhà văn Vũ Ngọc Bình và nhà văn Vũ Tứ Nam. Ông từng nhiều năm hoạt động văn học, báo chí trong quân đội, là phóng viên báo Vệ quốc quân, báo Quân đội nhân dân, biên tập viên, Phó Tổng biên tập rồi Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội từ năm 1967 đến năm 1980, là Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội. Ông mang quân hàm Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tác phẩm đã xuất bản: Sớm nay (thơ, 1962); Đèo trúc (thơ, 1973); Núi đôi (thơ, 1990); Truyện một người bị bắt (truyện ngắn, 1958); Những người cùng làng (truyện ngắn, 1959); Em bé bên bờ sông Lai Vu (truyện thiếu nhi, 1960); Anh em anh chàng Lược (truyện thiếu nhi, 1965); Từ một trận địa (truyện ngắn, 1983).
Ông lấy bút danh là Vũ Cao từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, chuyện lấy bút danh cũng ngẫu nhiên, ông kể lại: “Hồi ở Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp, bà con nơi đơn vị thấy tôi cao lêu đêu, gọi luôn là anh “Cao” thế là thành tên”. Và từ đó nhà thơ Vũ Cao đã đi vào đời sống văn học với nhiều tác phẩm còn trường tồn trong cuộc sống.
Vũ Cao đã là Tổng biên tập của Tạp chí Văn nghệ Quân đội gần 20 năm và đã để lại nhiều dấu ấn trên bước đường trưởng thành của tờ báo. Qua phố Lý Nam Đế ở nhà số 4, dưới bóng cây già nhưng không u tịch, nhìn mảnh sân yên tĩnh ta vẫn nhớ bóng dáng của Vũ Cao.
Nơi đây ông đã cùng các thế hệ nhà văn, nhà thơ quân đội xây dựng cầu nối văn hóa giữa trong và ngoài quân đội, giữa trong nước và ngoài nước. Hàng ngày đến cơ quan, ngày chưa nghỉ hưu, ông vẫn đi chiếc xe đạp cũ, cách đây ít năm, tuy gần 80 tuổi ông vẫn đạp xe đến phố cũ và đã có lần tôi gặp ông ngồi trên thảm cỏ của công viên nơi có tượng đồng Lênin bên đường Trần Phú.
Ông tâm sự với người chữa xe, nhìn xa xăm và nhìn dòng người, xe cộ trên đường Trần Phú, chắc ông đang nghĩ về một thời oanh liệt.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ những người lính trẻ chúng tôi đều được phát hai chiếc huy hiệu về Điện Biên và chiếc quân hiệu, chúng tôi nâng niu giữ gìn cẩn trọng, nhất là ngôi sao vàng trên quân hiệu, chúng tôi nhắc nhở nhau theo câu thơ của Vũ Cao.
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Chính đó là âm hưởng của câu thơ, là ngọn đèn dẫn dắt chúng tôi tiếp bước trong quân đội, trong đấu tranh hơn 50 năm qua. Nhiều thế hệ mặc áo lính cũng từ đây lớn lên và đã được trang bị những câu thơ trong Núi đôi về những mối tình của người lính, nó đã để lại hình ảnh gần gũi đẹp đẽ trong tâm hồn họ.
Thương tiếc nhà thơ Vũ Cao, xin thắp một nén nhang kính viếng ông, những người của một thời hào hùng và gian khổ vẫn nhớ tới ông, những người lính vẫn cùng nhịp bước với ông và luôn mong rằng trên đường đi tới trong thời đổi mới vẫn có nhiều người nhớ tới ông, làm theo ông giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ gìn chân dung “Anh bộ đội Cụ Hồ”.
Nguyễn Văn Vĩnh
(Đại tá - cựu chiến binh)