Vòi bạch tuộc vươn xa

ANTĐ - Chẳng ai có thể nghĩ rằng chiếc vòi nguy hiểm của con bạch tuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lại có thể vươn tới Đức, nền kinh tế quyền lực nhất khu vực.

Khu vực đồng euro vẫn chưa thoát khỏi “căn bệnh” nợ công

Những chỉ số kinh tế vĩ mô mới nhất cho thấy hậu quả cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã bắt đầu ảnh hưởng tới Đức. Kim ngạch xuất khẩu, trụ cột chính của nền kinh tế Đức, đã sụt giảm 3,4% trong tháng 9 vừa qua. Một số doanh nghiệp lớn của Đức bắt đầu rục rịch sa thải nhân viên. Ngay cả ngành công nghiệp sản xuất ô tô cũng có dấu hiệu “hụt hơi”, trong khi các nhà sản xuất buộc phải bán tống bán tháo sản phẩm để duy trì doanh số bán hàng và thực hiện chính sách thất nghiệp bán phần. 

Phải nói rằng nước Đức đã rất cảnh giác. Trước nguy cơ suy thoái, nền kinh tế hùng mạnh nhất Eurozone đã quyết liệt chống trả, đồng thời nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng trong 3 quý vừa qua. Tuy nhiên, các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắp châu Âu cùng tăng trưởng toàn cầu suy giảm đã ảnh hưởng tới nhu cầu hàng hóa từ Đức, cũng như bào mòn niềm tin kinh doanh, tiêu dùng. Cuối cùng thì Đức cũng đã tỏ ra đuối sức trước sự sụt giảm về nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu. 

Đây quả là một tín hiệu rất xấu với châu Âu bởi theo ông C. Beauchamp, chuyên gia phân tích của Hãng IG, thị trường vẫn có thể sống sót với những thông tin ảm đạm đến từ hầu hết các quốc gia trong khu vực. Nhưng sự thất vọng xuất phát từ trụ cột hàng đầu của khối có lẽ là quá sức chịu đựng đối với các nhà đầu tư. Trong khi đó ai cũng biết sự phục hồi của Eurozone phụ thuộc vào sức mạnh của Đức, cường quốc kinh tế không chỉ tạo ra tăng trưởng mà còn hỗ trợ cho cả mục tiêu giải cứu khu vực.

Trên thực tế thì kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng euro nổ ra, Đức luôn là thành viên quyền lực bậc nhất trong các quyết định giải cứu. Hầu như cả châu Âu đều nhìn về Berlin (Đức) và Paris (Pháp) với niềm hy vọng có thể giúp lục địa già thoát khỏi cơn hoạn nạn. Nhưng sự trượt dài của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), mà bằng chứng là tốc độ tăng trưởng của khu vực giảm mạnh nhất trong 40 tháng qua, đã đè bẹp cả người khổng lồ Đức.

Có lẽ giờ đây châu Âu phải nhìn lại chiến lược đối phó với khủng hoảng nợ công của mình. Trở lại với Hy Lạp, nơi bùng phát đầu tiên của cơn lốc nợ công. Khi gia nhập Eurozone, Hy Lạp tận hưởng niềm vui khi được hưởng những khoản vay lãi suất thấp và dòng vốn khổng lồ đổ vào. Nhưng dòng tiền này đã dẫn tới lạm phát và khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bất ngờ nổ ra, Hy Lạp mới chợt tỉnh ra rằng họ đã “cưỡi trên lưng hổ”. 

Khác với Mỹ, khi xử lý vấn đề ổn định thị trường tài chính, các nước EU không sử dụng chính sách tài chính mở rộng, ngược lại còn thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Vì quy định không được để tỉ lệ lạm phát vượt quá 2%, các nước thành viên EU không được vay thêm tiền dù rơi vào khủng hoảng như Hy Lạp. Để giải quyết “núi nợ”, Hy Lạp chỉ có cách là cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Hệ quả là thất nghiệp tăng cao và các vấn đề xã hội bùng phát.