Vĩnh biệt nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, tác giả của "Ai đã đặt tên cho dòng sông" đã qua đời vào ngày 24/7, hưởng thọ 86 tuổi, sau khi vợ ông - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ mất hồi đầu tháng.

Chị Hoàng Dạ Thư, con gái cả của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cho biết, sau đám tang của cha, gia đình sẽ đưa di hài nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và bà Lâm Thị Mỹ Dạ (vợ ông, mất cách đây 18 ngày) ra Huế - nơi gắn bó với hai người lúc sinh thời.

Gia đình sẽ tổ chức lễ tưởng nhớ nhà văn vào ngày 30-31/7 tại Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế (phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế).

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 9/9/1937, tại thành phố Huế, quê gốc ở làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, sau đó học thêm bằng Cử nhân Triết ở Đại học Văn khoa Huế. Ông dạy ở trường chuyên Quốc học Huế giai đoạn 1960-1966. Năm 1978, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Ông từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên - Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt. Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

Hoàng Phủ Ngọc Tường là tác giả của các tập bút ký nổi tiếng như: "Rất nhiều ánh lửa", "Ngọn núi ảo ảnh", "Rượu hồng đào chưa uống đã say", "Miền cỏ thơm"... Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" (viết ở Huế năm 1981) đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn phổ thông. Tác phẩm thể hiện phong cách tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường, đã được đưa vào đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2019.

Năm 1989, ông bị tai biến, từ đó liệt nửa người phải ngồi xe lăn. Dù sinh hoạt bất tiện, ông vẫn giữ tinh thần tốt, viết nhiều bút ký, các bài nghiên cứu trên tạp chí.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử nhận định: "Bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một cuộc đi tìm cội nguồn, một sự phát hiện bề dày văn hóa và lịch sử của các điều kiện đời sống. Văn anh giàu những tư liệu lấy từ sử sách tri thức khoa học và huyền thoại kí ức cá nhân lóe lên những ánh sáng bất ngờ. Cái mới của Hoàng Phủ Ngọc Tường là khám phá bình diện văn hóa với tư liệu lịch sử phong phú và một tâm hồn Huế nồng nàn".