- ĐBQH: Phải đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh
- ĐBQH: 'Trong ngành y, người mới nhận nhiệm vụ vô cùng bối rối vì đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai'
- ĐBQH: Có hiện tượng dùng 'xã hội đen' đe dọa người tham gia đấu giá đất, khiến họ sợ hãi bỏ cuộc
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (KSNDTC) Lê Minh Trí bày tỏ vui mừng khi đất nước kiểm soát được đại dịch COVID-19 và kinh tế - xã hội dần phục hồi với nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn đó những điều đáng lo ngại do ảnh hưởng của đại dịch là rất lớn, cùng với những bất ổn của tình hình thế giới, xung đột địa chính trị ảnh hưởng đến tình hình trong nước.
Đại biểu cho biết, hiện nay người dân và doanh nghiệp rất khó khăn. Giá cả tăng cao nhưng lương người lao động không tăng, thậm chí giảm hoặc có tăng nhưng không đáng kể. Doanh nghiệp phải chịu chi phí đầu vào cao để phục hồi sản xuất kinh doanh. Trước tình hình đó, đại biểu đánh giá cao chính sách miễn giảm thuế là một quyết sách đúng, kịp thời để góp phần kiềm chế giá cả, lạm phát cũng như hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp.
Để chính sách này tiếp tục phát huy hiệu quả, đại biểu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu đánh giá bổ sung việc miễn giảm thuế sâu hơn không chỉ 2% và kéo dài thời gian áp dụng không chỉ trong năm 2022, mà có thể hai năm hoặc dài hơn.
Đại biểu cũng nhấn mạnh chọn những khu vực, lĩnh vực, đối tượng bị tác động nặng nề nhất để hỗ trợ. Đại biểu nêu rõ, lựa chọn đúng đối tượng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế hỗ trợ sẽ phục hồi nhanh để thúc đẩy, dẫn dắt chung nền kinh tế.
Đại biểu nhấn mạnh, không hỗ trợ cào bằng mà có chọn lọc, ưu tiên để đảm bảo hợp lý. Lựa chọn khu vực, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất và hiệu quả, có khả năng phục hồi nhanh và có vai trò quan trọng của nền kinh tế. Đồng thời, hàng năm có đánh giá điều chỉnh phù hợp.
Để những quyết sách đúng đắn nhanh chóng đi vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp và người dân được tiếp cận, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị có phương án, kế hoạch phân công triển khai đồng bộ từ các bộ, ngành có liên quan đến UBND các tỉnh, thành phố; cần có tiến độ cụ thể, có đánh giá hàng tháng, quý. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội cần có biện pháp giám sát hiệu quả thực kết quả thực hiện, không để triển khai chậm.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí phát biểu thảo luận |
Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết chống trốn thuế, chống chuyển giá; đồng thời có chủ trương chỉ đạo tăng cường cuộc đấu tranh chống hàng gian, hàng giả, buôn lậu. Đây là vấn đề không mới, chúng ta đã làm nhưng chưa hiệu quả.
Mặt khác, theo Đại biểu, cần ban hành bổ sung kịp thời các quy định của pháp luật trong từng lĩnh vực, tạo hành lang pháp lý vừa đảm bảo bịt lỗ hổng trong quản lý vừa tạo điều kiện cho sự phát triển, phục vụ nhân dân được tốt hơn vừa đảm bảo cho người thực hiện nhiệm vụ được an tâm.
Trước thực tế một số vụ án trong ngành y tế dẫn đến việc tổ chức đấu thầu đấu giá, mua sắm thuốc men, sinh phẩm và trang thiết bị y tế đang bị đình trệ, việc thực hiện hợp tác kinh doanh, đầu tư các trang thiết bị y tế thế hệ mới từ nguồn lực của xã hội cũng dừng lại.
Đại biểu cho rằng, đây là chủ trương đúng nhưng cách làm có sơ hở, có sai. Sai thì sửa nhưng cần phải tiếp tục làm bởi nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ nhân dân trong khám, chữa bệnh.
Viện trưởng VKSNDTC kiến nghị Quốc hội và Chính phủ nên chỉ đạo các cơ quan có liên quan, các ngành có liên quan ban hành nhanh văn bản hướng dẫn để tháo gỡ ngay những vấn đề bất ổn trong lĩnh vực này.
Trong đó, kiến nghị Quốc hội nên xem xét điều chỉnh một số điều khoản trong BLHS 2015 sửa đổi. Điều 219BLHS 2015 về Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định, người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 -dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Điều luật quy định rất nghiêm khắc, đảm bảo tính răn đe nhưng cũng có thể tạo rủi ro cao cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ trong quản lý tài sản Nhà nước. Trước kia, hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại từ 100 triệu trở lên mới xử lý hình sự, nhưng theo Điều 219, chỉ cần vô ý hoặc kiểm soát lỏng lẻo cấp dưới gây thất thoát từ 100 triệu đồng đã có thể bị phạt tù tới 5 năm là rất nặng. Do đó, Viện trưởng VKSNDTC kiến nghị cần sớm rà soát, tháo gỡ nhanh những vướng mắc trên.