Vị thế và uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với những nỗ lực, quyết tâm cao độ, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đối nội và đối ngoại đáng tự hào, không ngừng nâng cao tiềm lực đất nước để có được một vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao

Việt Nam tới nay đã thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ với 190 quốc gia trên tổng số 193 quốc gia độc lập là thành viên của Liên hợp quốc và được công nhận trên toàn thế giới. Cột mốc đáng nhớ này đạt được khi Việt Nam và Quần đảo Cook ở Nam Thái Bình Dương ký Thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ vào ngày 26-4-2022.

Việt Nam đã đạt được những thành tựu đối nội và đối ngoại đáng tự hào, không ngừng nâng cao tiềm lực đất nước để có được một vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay

Việt Nam đã đạt được những thành tựu đối nội và đối ngoại đáng tự hào, không ngừng nâng cao tiềm lực đất nước để có được một vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay

Việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức ở cấp Đại sứ với tuyệt đại đa số các quốc gia thành viên Liên hợp quốc là một minh chứng cho thấy, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam đã khẳng định được vai trò và vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên trường quốc tế. Với sự tham gia chủ động, tích cực như vậy, cộng đồng quốc tế ngày càng tin tưởng vào khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại tổ chức, các thể chế đa phương khu vực cũng như toàn cầu.

Những thành tựu về đối ngoại hôm nay là một trong những thành tựu nổi bật mà Việt Nam đạt được sau hơn 35 năm Đổi mới được khởi nguồn từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986). Trong những thành tựu đối ngoại đó, có những dấu mốc quan trọng như khôi phục quan hệ ngoại giao với Trung Quốc năm 1991 và bình thường hóa quan hệ và thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ năm 1995, gia nhập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1999, tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 và hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới với việc ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định hợp tác đầu tư mang lại lợi ích thiết thực, sự thịnh vượng cho đất nước.

Việt Nam trong quan hệ đối ngoại và tiến trình hội nhập luôn nỗ lực để trở thành bạn, đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Từ một nước bị cấm vận, bao vây cô lập, Việt Nam tới nay đã có quan hệ ngoại giao với 190 trên tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện; quan hệ hợp tác, đối tác với nhiều tổ chức lớn, uy tín trên thế giới.

Một trong những thành tựu đối ngoại để lại dấu ấn đậm nét là Việt Nam hai lần được tín nhiệm bầu với đa số phiếu gần tuyệt đối mà Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc - cơ quan quan trọng và quyền lực nhất của tổ chức lớn nhất thế giới với 193 thành viên là những quốc gia độc lập - trong 2 nhiệm kỳ 2008 - 2009 và 2020 - 2021. Việc giành được tín nhiệm rất cao, đồng thời đảm đương thành công trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an trong cả hai nhiệm kỳ minh chứng cho vị thế quốc tế mới của Việt Nam và niềm tin của cộng đồng quốc tế vào chính sách đối ngoại của Việt Nam, cũng như đóng góp có hiệu quả cùng năng lực điều hành của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Việt Nam trước Đổi mới năm 1986 từng bị coi là quốc gia phụ thuộc lớn vào viện trợ nước ngoài, nhưng cách nhìn nhận này của thế giới về Việt Nam dần hoàn toàn thay đổi. Hiện Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế khu vực là một điểm sáng kinh tế khu vực và thế giới với tốc độ tăng trưởng cao nhiều năm để từ một quốc gia đang phát triển thu nhập thấp trở thành quốc gia có thu nhập ASEAN, là một trong những quốc gia có mức thu nhập trung bình trên thế giới.

Có thể khẳng định những thành tựu đối ngoại có được hôm nay sau hơn 35 năm Đổi mới đã góp phần không ngừng nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên thế giới. Thế và lực của đất nước ta không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.

Chưa bao giờ có cơ đồ như ngày nay

Những thành tựu đối ngoại quan trọng đạt được ngoài đường lối đối ngoại đúng đắn “độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, quan hệ với tất cả các nước”, còn là sức mạnh nội tại, tiềm lực và sức mạnh kinh tế không ngừng được nâng cao của Việt Nam suốt hơn 35 năm Đổi mới. Từ Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người chỉ hơn 100 USD trong giai đoạn mới thực hiện cải cách theo công cuộc Đổi mới, nay đã tăng lên khoảng 3.500 USD/người, mức sống của người dân Việt Nam được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ đói nghèo liên tục giảm, công bằng xã hội ngày càng được đảm bảo.

Trong suốt hơn 35 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991 - 1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016 - 2019 đạt mức bình quân 6,8%. Mặc dù từ năm 2020, cũng như nền kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất, là điểm sáng kinh tế của khu vực và thế giới.

Quy mô, trình độ nền kinh tế nước ta không ngừng được nâng cao, nếu như năm 1989 mới đạt 6,3 tỷ USD/năm thì đến năm 2020 đã đạt khoảng 268,4 tỷ USD/năm. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, năm 1985 bình quân thu nhập đầu người mới đạt 159 USD/năm thì nay đã đạt khoảng 3.500 USD/năm.

Những nỗ lực Đổi mới trong 35 năm qua đã giúp cho môi trường đầu tư của Việt Nam liên tục được cải thiện, nhờ đó đã thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Bất chấp những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, Việt Nam vẫn thu hút được 31,15 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2021, tăng 9,2% so với năm 2020 vốn ghi nhận đầu tư vào Việt Nam đạt mức kỷ lục 28,5 tỷ USD.

Việt Nam vẫn là một điểm đến tin cậy, an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài, giới kinh doanh quốc tế. Việt Nam đã hình thành các vùng kinh tế trọng điểm để làm động lực cho phát triển kinh tế vùng, miền và cả nước; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển, đồng thời hình thành các vùng chuyên môn hóa cây trồng, vật nuôi gắn với chế biến công nghiệp... Tựu chung, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đều có bước phát triển mạnh mẽ.

Qua hơn 35 năm, từ chỗ thiếu ăn, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản, như cà phê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ... luôn duy trì ở mức cao. Các mặt hàng xuất khẩu khác cũng có bước tiến lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khiến hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2021 vẫn đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%, đạt mức kỷ lục 336,25 tỷ USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng đã đưa Việt Nam xếp thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu, đứng thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế.

Điều xem là thành tựu quan trọng là trong suốt quá trình hơn 35 năm Đổi mới, việc tăng trưởng kinh tế luôn cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển.

Nhìn nhận về những thành tựu đáng tự hào đạt được, nhà lãnh đạo cao nhất của nước ta - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.