Tạo niềm tin vững chắc cho thị trường vốn phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hội nghị về thị trường vốn được tổ chức đúng thời điểm khi các cơ quan chức năng đang mạnh tay xử lý một số vụ việc vi phạm và thị trường đang có những biến động; góp phần thúc đẩy thị trường vốn phát triển một cách bền vững.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Hội nghị về thị trường vốn được tổ chức ngày 22-4 vừa qua là rất kịp thời, đúng thời điểm. Những vụ việc vừa qua chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên thị trường chứng khoán vì vốn hóa của thị trường rất lớn, tới 750 công ty niêm yết. Mặc dù chỉ liên quan đến một vài mã cổ phiếu nhưng lại ảnh hưởng tới tâm lý thị trường và các nhà đầu tư.

Thị trường vốn phát triển lành mạnh là tiêu chí và điều kiện để nền kinh tế phát triển bền vững

Thị trường vốn phát triển lành mạnh là tiêu chí và điều kiện để nền kinh tế phát triển bền vững

Chính phủ quyết tâm bảo vệ các nhà đầu tư chân chính

PGS.TS Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, các đại biểu tham dự Hội nghị có cả yếu tố nước ngoài, cả yếu tố khách quan từ các tổ chức quốc tế; họ phát biểu để nói rõ lên rằng những hành động của Chính phủ trong thời gian vừa qua là đúng mực; bảo vệ nhà đầu tư và góp phần làm cho thị trường phát triển bền vững hơn. Các đại biểu quốc tế đã nêu nhiều ý kiến hay, trong đó có việc Việt Nam trong quá trình cơ cấu lại, vốn hóa đã bắt kịp với các nước trên thế giới. Để phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, phải có rà soát.

“Thông điệp “phát triển thị trường một cách an toàn, minh bạch, bền vững” thể hiện Chính phủ quyết tâm bảo vệ các nhà đầu tư chân chính. Muốn làm tốt điều đó cần phải rà soát thể chế quản lý liên quan đến thị trường để cho thị trường minh bạch, công khai”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Chính phủ tổ chức Hội nghị để thúc đẩy sự tập trung cho thị trường vốn, thúc đẩy phát triển một cách bền vững. Thị trường vốn trong những ngày qua có sự suy giảm nhưng chỉ tạm thời, để có một tương lai hiệu quả và bền vững hơn.

“Các doanh nghiệp khi phát hành được cổ phiếu sẽ giảm vay vốn ngân hàng, nghĩa là giảm chi phí trả lãi, giảm được chi phí xã hội, có cơ hội giảm được giá thành, giảm giá bán. Từ đó, có cơ hội nâng cao được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Nguồn vốn được phân bổ một cách hiệu quả. Các cơ quan có chức năng cần kiểm tra, giám sát phải theo dõi, quản lý thị trường, tránh thị trường bị thao túng”, ông Trần Hoàng Ngân phân tích.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng Hội nghị về thị trường vốn đã giúp cho thị trường có được tâm lý tốt hơn, người dân cảm thấy rõ ràng hơn vì sao Chính phủ lại làm những việc như vậy. Minh bạch, rõ ràng, ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm. Bộ Công an cũng đã khẳng định không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế. Hội nghị về thị trường vốn cũng góp phần khẳng định thông điệp Chính phủ sẽ rà soát và ban hành quy định để ngăn chặn các hành vi tiêu cực thị trường. Đồng thời, thúc đẩy thị trường phát triển.

Không để hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cũng đồng quan điểm với PGS.TS Trần Hoàng Ngân khi cho rằng, Hội nghị về thị trường vốn được tổ chức đúng thời điểm khi các cơ quan chức năng đang mạnh tay xử lý một số vụ việc vi phạm và thị trường đang có những biến động.

Đáng chú ý, tại Hội nghị trên, Chính phủ đã lắng nghe các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, doanh nghiệp và đưa ra các thông điệp rõ ràng. Thứ nhất là phải lành mạnh hóa thị trường chấn chỉnh những vi phạm pháp luật, không để tái diễn các vụ việc tương tự trong thời gian sắp tới. Thứ hai, Chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm không để cho hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, không vì một vài vụ việc như vậy, mà làm cho cả thị trường bị ảnh hưởng. Thứ ba là quan điểm được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp ủng hộ không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Nhưng các đối tượng vi phạm pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh, bảo đảm thượng tôn pháp luật, đó mới chính là công bằng với số đông các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Song song với đó là thông điệp về một Chính phủ kiến tạo, khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp chân chính làm ăn thuận lợi, phát triển bền vững. “Các thông điệp chấn chỉnh thị trường, kiểm soát rủi ro và kiến tạo thị trường bền vững sẽ củng cố niềm tin với thị trường. Các tổ chức trong nước và quốc tế ủng hộ cách tiếp cận như vậy”, TS Cấn Văn Lực đánh giá.

Để nâng hạng thị trường Việt Nam còn nhiều việc phải làm

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan trong đó có một số việc cần ưu tiên, phải sớm khắc phục xử lý những vụ việc vừa qua, bảo vệ nhà đầu tư và thị trường. Cần tăng cường cảnh báo sớm kiểm tra giám sát không cho hiện tượng sai phạm tái diễn.

Đáng chú ý, Thủ tướng đã có chỉ đạo các đơn vị triển khai giải pháp để góp phần nâng hạng thị trường cận biên lên thị trường mới nổi góp phần thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2030 của Chính phủ ban hành ngày 21-3-2022 vừa qua. Hiện tại, Việt Nam vẫn đang nằm trong khu vực thị trường cận biên, trong khi các thị trường lân cận như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines đã thuộc nhóm các thị trường mới nổi.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam giúp huy động vốn từ trong nước và quốc tế thuận lợi hơn, là chất xúc tác giúp nâng cao uy tín và vị thế lan tỏa, góp phần nâng hạng tín nhiệm quốc gia… Các yếu tố mà thị trường chứng khoán Việt Nam cần cải thiện mạnh mẽ hơn là: Giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài ở một số ngành có điều kiện; "nới room" thị trường chứng khoán cho nhà đầu tư ngoại; cải thiện hệ thống công nghệ thông tin; thanh toán bù trừ theo thông lệ quốc tế nhiều hơn áp dụng T+1, T+2 chủ yếu thay vì T+3 như hiện nay.

Không để thị trường trở thành nơi “lướt sóng”, “đánh bạc”

Phát biểu tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, luật sư Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Kinh tế thị trường không thể thiếu thị trường tài chính, bao gồm thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Thị trường vốn phát triển lành mạnh là tiêu chí và điều kiện của một nền kinh tế thị trường phát triển bền vững. Các thành phần tham gia gồm có Nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân trong nước và nước ngoài. Cơ quan quản lý Nhà nước vừa có chức năng tạo lập thị trường, vừa có chức năng quản lý. Có nghĩa là vừa có vai trò xây dựng thể chế, vừa có vai trò trọng tài, vừa kiến tạo hỗ trợ, vừa giám sát và xử lý.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng: Khi tạo lập và thúc đẩy thị trường vốn sẽ khiến nền kinh tế phát triển. Theo đó, doanh nghiệp phải tiếp tục được tạo điều kiện để huy động vốn và tín dụng thông qua thị trường cổ phiếu và trái phiếu, nhưng phải khắc phục sự mất cân đối với thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, khi thị trường phát triển quá nóng và phát sinh tiêu cực thì nên can thiệp, quản lý sự phát triển này.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, mục đích của thị trường vốn là duy trì thị trường phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả nhất cho sự phát triển của nền kinh tế. Nếu như mục đích này không đạt thì thị trường vốn sẽ chệch hướng, sẽ trở thành nơi để “đánh bạc”, để “lướt sóng” thị trường theo kiểu chụp giật hoặc là nơi để các nhóm tài chính thao túng hoặc lừa đảo.

Thị trường tài chính và cả thị trường bất động sản vừa qua phát triển nóng và có “lơi lỏng” kiểm soát. Cho nên các cơ quan Nhà nước cần can thiệp. Đương nhiên, mọi sự can thiệp đều phải minh bạch, chuyên nghiệp, không nên duy ý chí, hay chạy theo dư luận nhất thời, cần xét đến quyền lợi của các nhà đầu tư yếu thế, cả trong nước và nước ngoài. Thị trường vốn và cả thị trường bất động sản phát triển nóng và việc “lơi lỏng” kiểm soát không phải là chuyện mới. Do đó cần phải kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng để sai phạm xảy ra mới “thổi còi”.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng, lợi nhuận và lợi ích cá nhân là những đặc trưng cố hữu của kinh tế thị trường, luôn tiềm ẩn những nguy cơ gian lận, vi phạm pháp luật, lừa dối trong cạnh tranh. Đồng tiền có hai mặt tích cực và tiêu cực. Chính vì vậy, sự can thiệp cần được thực hiện thường xuyên và sớm hơn thông qua các biện pháp, công cụ cảnh báo, giám sát chuyên nghiệp. Nhà nước phải làm tốt vai trò trọng tài, cảnh báo sớm, kịp thời, khi có sai phạm phải xử phạt nghiêm.