Vì sao khán giả thiếu mặn mà với Liên hoan phim quốc gia?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trên thực tế các sân chơi dành cho điện ảnh trong nước không nhiều, quy mô rộng rãi nhất chỉ có giải thưởng Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam và giải Bông Sen Vàng do Cục Điện ảnh, Bộ VHTT&DL đứng ra tổ chức. Riêng giải Bông Sen Vàng được trao trong phạm vi Liên hoan phim Việt Nam còn được xem là giải thưởng “Liên hoan phim Cannes của Việt Nam”.

Tuy nhiên dù tổ chức 2 năm một lần và thu hút sự tham gia của giới làm phim trong nước, song cho tới bây giờ Liên hoan phim Việt Nam vẫn cứ bị xem là ngày hội của giới làm nghề chứ chưa phải của những người yêu điện ảnh. Thế nên nhiều kỳ cuộc, lượng khán giả dành sự quan tâm đến sự kiện này không nhiều. Có chăng chỉ là người ta tò mò kéo đến xem các nghệ sĩ nổi tiếng sải bước trên thảm đỏ trong lễ khai mạc và bế mạc, còn đâu không bận tâm xem phim nào đạt giải, phim nào không. Giải thưởng do khán giả bình chọn cho bộ phim được yêu thích nhất có lẽ vì thế mà thiếu đi sức nặng và giá trị.

Chia sẻ về điều này, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho biết, tính tới kỳ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 vừa qu là lần thứ 4 liên tiếp anh có phim tham dự sân chơi điện ảnh này. Ở mỗi kỳ Liên hoan, anh đều thấy mình học hỏi được rất nhiều điều từ các nhà làm phim thế hệ trước cũng như cùng thời với mình. Với anh, đây là dịp quý giá để những người làm nghề nhìn lại, tổng kết chặng đường 2 năm của điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên bản thân anh cũng thấy tiếc vì một thương hiệu lớn, tầm cỡ quốc gia như Liên hoan phim lại chưa thực sự thu hút sự quan tâm của dư luận và khán giả.

Đạo diễn phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” khẳng định, Liên hoan phim Việt Nam cần phải là một sân chơi nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp trong xã hội chứ không chỉ là của riêng những người trong nghề. Tuy nhiên để làm được điều này thì cần phải chiến lược hiệu quả, tận dụng tối đa những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 chứ không thể duy trì cách làm như những năm qua.

Đạo diễn trẻ bày tỏ, có một sự thật là trong những năm gần đây, các bộ phim truyền hình phát trên sóng VTV thường rất “hot”. Anh cho rằng sở dĩ các phim đó “hot” không chỉ bởi nội dung hay vì lợi thế “giờ Vàng” mà còn nhờ các chiến dịch PR vô cùng táo bạo và toàn diện, tận dụng từ mạng Facebook đến các clip “viral” tràn ngập trên mạng xã hội, kênh Youtube…đến việc có ứng dụng riêng cho các thiết bị di động để mọi người có thể xem lại phim bất cứ lúc nào. Không chỉ vậy, đội ngũ PR này cũng rất biết lắng nghe ý kiến khán giả, bắt kịp xu hướng với từng vấn đề nóng bỏng của xã hội. Thậm chí, nhiều bộ phim hiện nay được thực hiện theo cách vừa quay, vừa chiếu, vừa nghe ý kiến phản hồi rồi êkip lại tiếp tục chỉnh sửa kịch bản sao cho phim luôn đảm bảo được tính thời sự, cũng như thu hút được sự quan tâm của công chúng.

Trở lại với Liên hoan phim Việt Nam, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho rằng, với tuổi đời hơn nửa thế kỷ và 21 lần tổ chức, có rất nhiều cách để có thể đưa sân chơi này tiệm cận khán giả thay vì khâu quảng bá gần như không có gì vẫn tồn tại bao lâu nay. Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ gợi ý, Ban tổ chức Liên hoan phim nên lập kênh PR riêng, có những nhóm làm nội dung riêng để đưa cả phim cũ lẫn phim mới tới khán giả theo hình thức mới mẻ nhất (như tạo các clip ngắn là những cảnh quay đặc sắc trong phim). Điều này sẽ xóa dần đi mặc định của nhiều người rằng đây là sân chơi riêng của những người làm điện ảnh, được tạo ra với mục đích tuyên truyền và chỉ ưu tiên trao giải cho phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất.

“Cả hai bộ phim đạt giải trong hai kỳ Liên hoan phim gần đây là ‘Em chưa 18’ và ‘Song lang’ đều là những phim do tư nhân sản xuất. Như vậy rõ ràng vấn đề lớn nhất là công tác quảng bá Liên hoan phim chưa đủ mạnh, mặc dù chúng ta đang ở thời kỳ 4.0 nhưng công tác này vẫn không khác gì nhiều so với cách đây vài thập kỷ. Mà ở thời điểm đó, sự kiện Liên hoan phim còn không bị che lấp bởi hàng chục, hàng trăm sự kiện khác được quảng bá rầm rộ như ở thời điểm này.” – đạo diễn Đinh Tuấn Vũ bộc bạch.

Cũng theo đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, ở các kỳ Liên hoan phim trước, công tác truyền thông thường chỉ được bắt đầu trước khi sự kiện này diễn ra vài tháng. Đó là khoảng thời gian quá ngắn để mọi người có thể biết và tiếp nhận, chứ chưa nói đến việc tò mò và háo hức về Liên hoan. Điều này cũng giống như phim chỉ được PR trước khi chiếu vài tuần sẽ khó có thể có doanh thu tốt như một bộ phim được đầu tư khâu truyền thông bài bản từ khi bắt đầu hình thành dự án, tổ chức casting, làm tiền kỳ, hậu kỳ…

Cùng “mổ xẻ” về điều này, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ, anh từng có thời gian tham gia làm việc tại một số Liên hoan phim quốc tế và nhận thấy bất cứ Liên hoan phim nào cũng cần có một Ban giám đốc ổn định bởi chỉ khi có một đội ngũ cố định, hoạt động tốt thì các khâu chuẩn bị, chào mời, giới thiệu về Liên hoan mới có thể diễn ra liên tục,  hiệu quả và có sự kết nối với các sân chơi điện ảnh khác.

Đạo diễn “Cha cõng con” nói thêm, Liên hoan phim Việt Nam có nhiều kỳ cuộc không có phim để trao giải nhất, điều này đồng nghĩa với việc số lượng phim tham gia thiếu phong phú, mất ổn định, cho thấy Liên hoan chưa có nhiều phim hay, phim tốt gửi về dự thi. Mà theo anh thì phim tốt mới chính là cốt lõi tạo nên giá trị của Liên hona phim. Bởi lẽ, phim hay và được Ban giám khảo trao giải thì sau đó mới có cơ hội đi tham dự các sân chơi điện ảnh quốc tế và tiếp tục thành tích cao.

“Nếu chúng ta coi Liên hoan phim Việt Nam chỉ để phục vụ các nhà làm phim nội địa thì không nói , nhưng chúng ta coi đây là nơi hội tụ, quảng bá , tạo tiền đề cho các bộ phim không chỉ của nhà làm phim Việt Nam mà cả các nhà làm phim quốc tế thì chúng ta phải có nhiều phim hay và đa dạng.” – đạo diễn Lương Đình Dũng bày tỏ.

Đặc biệt, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng Liên hoan phim cần phải mời được các nhà làm phim nổi tiếng, có uy tín quốc tế đến Việt Nam tham gia chấm chọn cùng các nhà làm phim trong nước. Nếu làm được điều này thì Liên hoan phim sẽ nhanh chóng được quảng bá tốt.