Vị của mùa thu

ANTD.VN - Bây giờ, khi đời sống vật chất đã khá hơn, cái bánh Trung thu truyền thống chỉ còn là món quà bình dân. Vì thế, người ta phải tìm mọi cách để khiến nó trở nên quý giá hơn. 

Ngày càng có nhiều sản phẩm bánh trung thu ra đời với hương vị khác xa truyền thống

Những ngày mùa thu đúng 10 năm trước, cha tôi nằm trên giường bệnh, mỗi ngày tiêm 3 ống mooc-phin để giảm đau. Tôi đi làm về, thường hỏi cha muốn ăn gì. Lần nào cũng thế, cha tôi chỉ hộp bánh Trung thu.

Hồi đó, công việc của tôi giúp nhiều thân phận oan khuất ở trong đời tìm thấy công lý, gần Trung thu nhà tôi nhiều bánh lắm, người ta gửi biếu. Và tôi thấy ấm áp trong lòng khi cắt bánh cho cha. Chỉ đến khi cha tôi đã ra đi mãi mãi, tình cờ một lần trò chuyện với người trong ngành y tôi mới biết rằng người bệnh ung thư giai đoạn cuối, dùng thuốc giảm đau nhiều như cha tôi thường khô miệng, nóng trong, không thể ngày nào cũng thích ăn bánh nướng.

Tôi thường nhớ cha nhiều mỗi khi mùa thu đến, khi những quầy hàng dã chiến mọc lên khắp phố phường để bán bánh Trung thu, khi những gói quà nhiều màu sắc được gửi về từ khắp nơi. Tôi thương cha mình, người đã làm lụng vất vả cả đời để nuôi dạy con cái, mà cho đến những ngày cuối cùng vẫn cố gắng vì niềm vui của con. Và tôi ân hận bởi sự vô tâm của mình khi tin rằng cha thích ăn những cái bánh nướng đang sẵn có trong nhà.

Những chiếc bánh Trung thu cách tân không còn mang hương vị của mùa thu nữa. Nó mang mùi vị của sự so đo về giá trị thành tiền, về nhan sắc bao bì. Không còn là món ăn, mà là quà biếu.

Nhà tôi bây giờ, mỗi mùa thu vẫn có nhiều bánh Trung thu được biếu tặng. Những cái bánh cầu kỳ, đắt tiền, đẹp đẽ cứ lay lắt trong sự thờ ơ của mọi người. Tôi không muốn mang cho, tặng lại những hộp bánh ấy, không muốn quay vòng, sang tay những tấm lòng thơm thảo. Chỉ thấy mùa thu trong mình đang khác đi, không còn cái hương vị sâu lắng, đằm thắm như xưa nay từng cảm. 

Vị của mùa thu không chỉ là vị bánh Trung thu, còn là vị của hồng của cốm, của gió heo may đưa hương lúa chín. Nhưng chiếc bánh Trung thu truyền thống vốn mang nhiều ý nghĩa biểu tượng, gắn bó với tuổi thơ của bao thế hệ người Việt. Cái bánh Trung thu quý giá của một thời nghèo khó được làm bằng vật phẩm mùa thu, từ hạt sen mùa mới, đến sợi lá chanh giao mùa thơm tho se sắt. 

Bây giờ, khi đời sống vật chất đã khá hơn, cái bánh Trung thu truyền thống chỉ còn là món quà bình dân. Vì thế, người ta phải tìm mọi cách để khiến nó trở nên quý giá hơn. Người ta cố gắng gia tăng giá trị vật chất cho nó, với yến sào, với vi cá, với đông trùng hạ thảo… mọi thứ trân bảo đắt tiền đều có thể trở thành nhân của bánh Trung thu.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến

Những chiếc bánh Trung thu cách tân không còn mang hương vị của mùa thu nữa. Nó mang mùi vị của sự so đo về giá trị thành tiền, về nhan sắc bao bì. Không còn là món ăn, mà là quà biếu.

Còn nửa tháng nữa mới đến Trung thu. Hôm qua, tôi được biếu hộp bánh đầu tiên, hôm nay, ngày mai và những ngày tiếp theo… sẽ có rất nhiều những hộp bánh nữa tôi sẽ mang về nhà. Những hộp bánh quý hóa không chỉ vì giá trị vật chất của nó mà còn quý hóa bởi tấm lòng của những người biếu tặng, bởi nó nhắc nhớ rằng tôi vẫn đang cố gắng làm những điều tốt đẹp cho đời, cho người.

Bởi thế, với tôi, những hộp bánh Trung thu dù không còn mang hương vị xưa cũ thì vẫn đáng trân trọng vô cùng. Nhưng, tôi biết những hộp bánh ấy sẽ lại lay lắt trong nhà, bởi cha tôi khuất xa rồi, không còn ai vì niềm vui của tôi mà ăn chúng nữa.