Dòng sông bên phố

ANTD.VN - Mỗi lần được bố đưa đi qua cầu Vĩnh Tuy, đám trẻ thường nhìn qua cửa kính, qua lan can cây cầu, nhìn xuống bãi sông xanh rì và ao ước “Bao giờ bố cho con xuống dưới kia chơi nhé!”. 

Hà Nội bây giờ ngoài đê là phố, là những ngôi nhà bám kín mặt bờ sông Hồng -  Ảnh: Lam Thanh

Tôi cũng đã từng có thời nhỏ dại như đám trẻ nhà mình, cũng từng miên man tưởng tượng về dòng sông chảy bên ngoài thành phố. Bằng tuổi chúng, tôi đã thường trốn học, nhảy tàu điện lên Bờ Hồ, rồi đi bộ qua cửa khẩu ra sông để đến với những bí mật bờ bãi. Bây giờ, tôi có xe, từ nhà đến bờ sông chỉ chừng 5 phút, nhưng để chạm được vào dòng nước sông Hồng thì dường như xa lắm.

Hữu ngạn sông Hồng, những con đường thời thơ ấu tôi đến với bờ sông giờ không còn nữa. Ngoài đê là phố, là những ngôi nhà bám kín mặt bờ sông. Dịch lên xa hơn phía thượng, hoặc hạ nguồn là những khu đất dịch vụ đã được quây kín, là những bãi tập kết cát sỏi.

Bên phía tả ngạn, từ trên cầu vẫn nhìn thấy mênh mang bờ bãi. Song, tôi phải rất vất vả mới tìm thấy con đường mòn lầy lội để tiếp cận dòng sông. Đám trẻ nhà tôi, sau một hồi hào hứng với cảm giác thênh thang của không gian bờ bãi thì nhận ra mọi thứ không giống như trong tưởng tượng. Rác rất nhiều, rất nhiều túi nilon, vỏ hộp thực phẩm bị bỏ lại sau những cuộc cắm trại, rất nhiều phân trâu, bò đặc trưng của một khu chăn thả.

Giờ thì đám trẻ nhà tôi không còn bất kỳ tưởng tượng nào về dòng sông bên phố. Chúng đi qua cầu, lãnh đạm nhìn những chiếc xe đang vùn vụt lướt qua và mơ ước về những chuyến đi xa. Còn tôi, không biết làm thế nào để những đứa trẻ hiểu rằng dòng sông là một tài sản vô giá của thành phố. Một tài sản vô giá bị lãng quên theo các cách khác nhau.

Tháng 4 vừa rồi, tôi đến Budapest, một thành phố nhỏ ở Trung Âu. Cũng giống như Hà Nội, thành phố này có con sông Danube đi qua. Hai bên bờ sông đoạn qua thành phố đều được kè đá cẩn thận để trở thành những con đường đi bộ đẹp đẽ, để những công trình kiến trúc đẹp nhất thành phố có thể soi bóng trên dòng sông. Khi ấy, tôi chợt nghĩ, nếu như dòng sông Danube cũng bị lãng quên như sông Hồng thì Johann Strauss có thể ngồi ở quán Tre trên Phú Thượng ngắm tàu hút cát và viết nên điệu waltz nổi tiếng như Danube Xanh hay không?

Johann thiên tài đã chết, nên sẽ không có ai trả lời câu hỏi đó. Song những đôi trai gái đêm đêm ngồi trên yên xe máy tâm sự bên lan can những cây cầu Nhật Tân, Vĩnh Tuy thì biết chắc nếu như có những con đường bộ hành hai bên sông thì nụ hôn của họ sẽ bớt thấp thỏm hơn.

Giữa dòng sông Danube có một hòn đảo nhỏ mang tên công chúa Margaret, nó nhỏ hơn rất nhiều so với bãi giữa của sông Hồng, nhưng lại là một công viên nổi tiếng, một điểm nhấn du lịch của thành phố. Đảo Margaret chỉ đơn giản là một công viên, với những tán cây xanh biếc, những vườn hoa hồng rực rỡ, những lối đi êm đềm. Cuối tuần, đảo là nơi vui chơi giải trí của các gia đình, hàng ngày, đảo là nơi thư giãn của người già sáng chiều, là chốn hẹn hò, nghỉ trưa của những người đi làm.

Bãi giữa sông Hồng thì không phải công viên. Bãi giữa sông Hồng là nguồn lợi nho nhỏ của chính quyền sở tại. Trong khi đó, đám trẻ hôn nhau ở trên cầu.

Đảm bảo không gian công cộng luôn là nỗi đau đầu của các thành phố lớn, và các dòng sông bên phố là giải pháp hoàn hảo nhất để có những công viên mênh mông. Nhưng ở Hà Nội, sông Hồng bị lãng quên cũng đã quá lâu rồi. 

Nhà báo Phạm Trung Tuyến