Thấy mình văn minh

ANTD.VN - Ai đã từng ở Hà Nội những năm 198x hẳn đều còn nhớ cái hộp loa truyền thanh màu trắng được lắp cho mỗi nhà để nghe đài thành phố.

Thấy mình văn minh ảnh 1Với người nghe, mỗi dòng nhạc là một nhu cầu yêu thích theo gu của từng người

Năm tôi 10 tuổi, bố tôi mang về nhà một cái đầu Akai chạy băng cối. Nhà chưa có loa, ông đấu vào cái hộp loa màu trắng mà không biết rằng cái loa đó được đấu nối tiếp cho cả dãy nhà. Mỗi khi ông bật cái Akai, cả xóm cùng nghe Sơn Ca 7. Cũng may ông ít về, và chỉ nghe một hai bài rồi tắt. Nhưng mà chuyện đó cũng đến tai chính quyền và một bữa tôi đang lẩm nhẩm hát theo Khánh Ly bài “Biển nhớ” thì có cán bộ vào bắt quả tang. Bố tôi đứng lên, giật cái loa ném xuống đất, bảo: “Cái đồ phản động, các đồng chí hãy tịch thu giúp tôi!”. Rồi ông mặc quân phục, bắt tay các cán bộ: “Đến giờ tôi phải về đơn vị rồi”.

Bố tôi đi công tác, cái máy Akai bị bỏ quên, nhưng thỉnh thoảng bọn trẻ con trong xóm vẫn mang chuyện bố tôi truyền bá nhạc vàng ra để trêu chọc khiến tôi không ít lần phải đánh nhau. 

Rồi bố tôi về, có người mách chuyện tôi đánh nhau. Tôi giải thích là vì tức không chịu nổi. Ông hỏi tôi nhạc đó có hay không? Tôi bảo có. Lại hỏi tôi có thích nghe không. Tôi lại có. Ông bảo nếu đó là thứ nhạc con thích nghe, và thấy hay thì vì sao con lại tức khi chúng bạn nói về chuyện đó?

Âm nhạc được ra đời như thế, nó là những âm thanh để nâng đỡ sự tuyệt vọng của con người, là những đồng vọng của tâm hồn con người. Không phải thứ để so đo sự hèn sang, phú trọc. 

Chuyện lâu rồi, tôi gần như đã quên. Cho đến khi thấy toàn những tinh hoa của xã hội đăng đàn cãi nhau chỉ vì hai anh ca sĩ gièm pha về dòng nhạc mà người kia thể hiện. Bolero và dân ca đương đại thì thứ âm nhạc nào sang trọng hơn ư? Tôi cứ nghĩ chỉ có lũ trẻ lên 10 ở cái khu tập thể dột nát cách đây 40 năm mới cãi nhau vì những điều như thế.

Âm nhạc sinh ra không phải để phân định sự sang, hèn. Trong kho tàng chuyện cổ của người Thái có kể rằng: Một chàng thợ săn bị rơi xuống khe núi với cây giáo gãy. Anh ta cố hết sức để thoát khỏi khe núi mà không được, và khi không còn hy vọng gì thì anh nhìn thấy cây giáo gãy phát ra tiếng kêu du dương mỗi khi gió thổi qua. Anh thợ săn bèn cầm cây giáo lên và thổi vào nó để tạo ra âm thanh cho đỡ buồn chán. Những âm thanh càng lúc càng trở nên da diết, âm thanh của nó vang xa hơn những tiếng gào thét kêu cứu của anh, và anh được cứu thoát. 

Thấy mình văn minh ảnh 2Nhà báo Phạm Trung Tuyến

Âm nhạc được ra đời như thế, nó là những âm thanh để nâng đỡ sự tuyệt vọng của con người, là những đồng vọng của tâm hồn con người. Không phải thứ để so đo sự hèn sang, phú trọc. Vậy thì vì sao lại phải sùi bọt mép khi có ai đó chê bai thứ âm nhạc yêu thích của mình. Bởi lẽ ra tâm hồn của mỗi người là một giá trị riêng mới phải.

 Tôi tin rằng nếu một người nghe nhạc như một nhu cầu cảm xúc của bản thân, chứ không phải nghe để cho giống như người khác, nghe để tìm kiếm một sự thừa nhận, người ta sẽ không bận tâm tới sự gièm pha. Còn một nghệ sĩ, một người khẳng định giá trị tồn tại của mình bằng việc thể hiện những tác phẩm âm nhạc, việc của anh ta là thể hiện tốt nhất khả năng của mình. Chỉ có những anh thợ hát mới đi gièm pha công việc của đồng nghiệp mà thôi, như một cách cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường lao động ca hát. Một nghệ sĩ và một thợ hát khác nhau ở điều đó, giống như một nghệ nhân khác với một người thợ mộc thôi.

Còn với người nghe, việc bận tâm tới thứ âm nhạc mà mình thích nghe có văn minh hay không là một điều lố bịch. Nó cũng lố bịch như các bà me Tây trong phóng sự của nhà văn Vũ Trọng Phụng, sau khi bị Tây hiếp chợt thấy mình văn minh.