Về "Chợ quê" giữa lòng Hà Nội

ANTĐ - Khung cảnh chợ xưa nơi đầu làng, bên gốc đa, giếng nước, sân đình, có kẻ bán người mua tấp nập… sẽ được tái hiện trên sân khấu chương trình “Chợ quê” diễn ra vào 20h ngày 8-5 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội).

Với tên gọi “Chợ quê”, đại diện Ban tổ chức chương trình cho biết mong muốn của những người thực hiện là đưa khán giả về với không gian văn hóa mang đậm “hồn Việt” từ bao đời nay đã ăn sâu trong tâm thức người Việt.

Ca sĩ - NSƯT Phạm Phương Thảo 

Ở đó, nghĩ về hình ảnh chợ quê là nghĩ về nơi chôn rau cắt rốn và cả những hoài niệm ấm áp về  một thời mà ai cũng ít nhiều nhung nhớ. Đó cũng là cách để nhắc nhở mỗi người không khi nào quên hình ảnh về mảnh đất nơi mình đã lớn khôn và ra đi.

Bởi lẽ đối với người Việt, chợ quê không chỉ là nơi mua bán giao thương mà còn là nơi thể hiện nét sinh hoạt văn hóa truyền thống lâu đời. Mỗi chợ, mỗi làng có một sắc thái riêng. Có chợ là nơi trao đổi hàng hóa nhưng có chợ còn là nơi để trai gái hò hẹn, giao duyên.

Trong không gian chương trình nghệ thuật “Chợ quê”, sắc thái văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ được các nghệ sĩ tái hiện lại thông qua những lời ca, tiếng hát, điệu múa đặc sắc đại diện cho văn hóa các vùng miền trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Bên cạnh dòng nhạc mang tính bác học và trữ tình, khán giả cũng sẽ có dịp thưởng thức lại các ca khúc mang âm hưởng trữ tình, dân gian kết hợp với các điệu múa dân gian, dân tộc.

Ca sĩ Vương Long

Ngoài sự tham gia của các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam như: NSƯT Phương Thảo,  Vương Long, Hữu Tuấn, Tuấn Ngọc, Mai Thy, Ngọc Hà, Minh Đức, Kiều Oanh, Minh Quân, nhóm Đồng Nội, nhóm Pha Lê, nhóm Thăng Long, ban nhạc Âu Cơ, tốp múa Nhà Hát Ca Múa Nhạc Việt Nam… chương trình còn có sự tham gia của các nghệ sĩ đến từ Đoàn Ca múa kịch tỉnh Lạng Sơn. Chương trình do NSND Quang Vinh chỉ đạo nghệ thuật và nghệ sĩ Trường Bắc làm đạo diễn.

Ca sĩ Mai Thy

Đại diện Ban tổ chức chương trình – Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cho biết từ năm 2015 đơn vị này bước vào giai đoàn tự chủ toàn phần, tự xây dựng các chương trình bán vé để tăng doanh thu vì thế mà phải thường xuyên tiếp cận đến khán giả, thường xuyên làm mới mình bằng những chương trình nghệ thuật được đầu tư, dàn dựng công phu với nhiều chủ đề khác nhau, theo chuỗi thời gian lịch sử của đất nước, các ngày lễ lớn. Hiện tại mỗi tháng Nhà hát xây dựng 2 chương trình nghệ thuật.

Hiện tại được biết Nhà hát không chỉ có tổ chức các buổi diễn thường niên, do các nghệ sĩ của nhà hát biểu diễn tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ mà còn kết hợp với các đơn vị nghệ thuật trên cả nước để mong muốn khán giả Thủ đô có những cảm nhận tốt về văn hóa nghệ thuật cả nước. Đây cũng là nét riêng, sự khác biệt so với các đơn vị nghệ thuật khác.