Văn học Việt Nam sau 30 năm đổi mới

ANTĐ - Hôm qua, 28-5 tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã diễn ra cuộc hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới: Thực trạng và triển vọng”. 

Mục đích của hội thảo nhằm tiếp tục đánh giá, luận giải tổng kết một cách toàn diện những thành tựu, hạn chế của thực tiễn sáng tác văn học Việt Nam sau 30 năm đổi mới. Tham dự hội thảo có Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam… cùng nhiều các nhà văn, nhà thơ.

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam trong bài phát biểu đã nêu rõ, đây là lĩnh vực năng động nhất, dấu ấn đổi mới hiện lên rõ nét nhất. Tại đó, bạn đọc nghe thấy hơi thở nóng hổi của cuộc sống, những hiểu biết và cảm nhận mới mẻ của nhà văn về thế giới, về lịch sử và con người, nơi thai nghén, phát lộ những tư tưởng mỹ học mới, nơi thể hiện rõ nhất sự nhạy cảm văn hóa của nhà văn.

Bên cạnh đó, hội thảo còn đón nhận nhiều tham luận, ý kiến trao đổi của các nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu phê bình văn học về các góc cạnh của đời sống văn chương nước nhà như vấn đề nông thôn, hậu chiến tranh, khả năng hư cấu cùng hành trình của thể loại tiểu thuyết… Đa phần các ý kiến đều có chung nhận định, từ năm 1986 - thời điểm đất nước chuyển mình đổi mới toàn diện, cho tới nay, văn học Việt Nam đã có nhiều thành tựu đáng kể trên tất cả các thể loại, song vẫn còn nhiều hạn chế, cần có thêm những lý giải khoa học và thấu đáo hơn.