"Văn hóa, đạo đức xã hội không làm ra tiền, chưa cháy nhà chết người nên... vẫn bị xem nhẹ"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - "Văn hóa, đạo đức là vấn đề chưa làm ra tiền và chưa cháy nhà chết người nên vẫn bị xem nhẹ. Đây là nhược điểm phổ biến của các nước đang phát triển..." - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 9-11

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 9-11

Chiều nay, 9-11, trong gần 30 phút giải trình các vấn đề ĐBQH chất vấn liên quan đến lĩnh vực phụ trách, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã dành nhiều thời gian nói về văn hóa, đạo đức xã hội, trong đó có những lo ngại về đạo đức xã hội xuống cấp.

Nhìn nhận đây là vấn đề rất lớn, liên quan đến mọi tổ chức, người dân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Thực trạng đạo đức xã hội và ứng xử xuống cấp như đại biểu nêu là có thật; nhiều tài liệu nói là xuống cấp đáng báo động, thể hiện rõ ở tội phạm, ở tệ nạn, ở việc các hành vi bị đồng tiền chi phối hay là gian dối, không trung thực, biểu hiện ở một số giá trị văn hóa truyền thống bị mai một… Điều đó là hoàn toàn đúng”.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, vấn đề này, chúng ta cần nhìn hai mặt. Trong đó, ngoài mặt trái đang thấy rõ hơn do tác động của cơ chế thị trường, chúng ta không quên những giá trị, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tóm lược 5 giá trị tốt đẹp của văn hóa, đạo đức Việt Nam, đó là: lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc; tình yêu thương đồng loại, thương người; sự thân thiện, cởi mở; yêu lao động, chịu thương chịu khó; tinh thần vươn lên và đức hiếu học...

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng khẳng định, hiện tượng xuống cấp đạo đức là đáng báo động nhưng không vì thế mà nhìn nhận đạo đức xã hội và con người Việt Nam một cách thiếu công bằng. Trên thực tế, chúng ta đã nhìn thẳng vào khiếm khuyết để khắc phục và có những giải pháp rất hiệu quả.

Về giải pháp tiếp tục cần triển khai trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, phải nhân lên những giá trị tốt đẹp để lấn át cái xấu, nhưng muốn tỷ lệ cái tốt lớn lên và cái xấu giảm đi thì điều đầu tiên phải làm cho toàn xã hội và mọi người dân hiểu cái gì là tốt, cái gì là xấu.

Muốn vậy, phải kết hợp giữa giáo dục, tuyên truyền, vận động các phong trào với xử lý nghiêm minh vi phạm. Vận động mọi người tự mình điều chỉnh hành vi của mình, coi đó là gốc rễ, nền tảng. Đồng thời, tăng tính nêu gương, trong mọi thời kỳ thì vấn đề nêu gương đều rất quan trọng.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý trong 4 chữ đức - trí - thể - mỹ, đồng thời nhấn mạnh không chỉ lưu ý đến chữ “đức” mà phải lưu ý đến chữ “mỹ”, đặc biệt lưu ý đến các ngành nghệ thuật và các tôn giáo, tín ngưỡng.

Nêu rõ đạo đức, văn hóa xuống cấp là nhược điểm phổ biến của các nước đang phát triển, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: "Khi bị sức ép của vấn đề tăng trưởng kinh tế thì các vấn đề về văn hóa, đạo đức là vấn đề chưa làm ra tiền và chưa cháy nhà chết người nên vẫn bị xem nhẹ. Do chúng ta chú trọng hơn các nước khác những vấn đề này, nên các chỉ số về văn hóa, xã hội của chúng ta tốt hơn".

“Bốn điểm đó chúng ta phải hết sức lưu ý, làm một cách kiên trì… Khi đời sống xã hội đã khấm khá hơn, chúng ta sẽ có điều kiện để chú trọng hơn đến các vấn đề nền tảng đạo đức, xã hội” - Phó Thủ tướng nói thêm.

Cũng trong chiều 9-11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trả lời câu hỏi chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) về việc có hay không sự móc nối giữa bác sĩ điều trị với trình dược viên và nhà thuốc để “ăn chia” hoa hồng, móc túi người bệnh?

Phó Thủ tướng khẳng định "hiện tượng này là có", đồng thời cho biết đã chỉ đạo rất quyết liệt trong ngành y tế thời gian qua để khắc phục. "Giải pháp là phải công khai minh bạch hết bằng công nghệ thông tin, vì có khoảng 20.000 loại thuốc, và dịch vụ, có hàng triệu lượt khám/năm thì không thể nào kiểm soát được nếu không có tin học hóa" - ông Đam nói.