Văn chương là "nguồn" thu hút đam mê

ANTĐ - Một hiện thực trần trụi, đam mê được phơi bày trong cuốn tiểu thuyết đầy ám ảnh. Những gì Đoàn Bảo Châu tạo ra trong “Khói” cũng chính là một phần cuộc đời anh đã trải qua khi đến với văn chương như một sự sắp đặt để anh thỏa sức bung tỏa nguồn năng lượng của mình. 

Sống chết vì… võ

Bắt đầu tập luyện từ những năm 1980, trong suốt 15 năm, anh gắn bó với con đường võ thuật chuyên nghiệp, từng đào tạo nhiều vận động viên cho các giải thể thao, các câu lạc bộ trong nước. Anh chia sẻ, riêng một đòn đá có thể tập đến 1.000 quả, “may mà không hỏng khớp”. Hỏi nguyên do làm sao lại “mất ăn mất ngủ” vì võ như vậy, anh nói, lúc ấy ở cái tuổi ăn tuổi lớn có niềm tin rất ngây thơ rằng tập đá phạt ngang có thể làm… dài chân. Và cứ thế anh lao vào tập võ với cường độ cao bất kể ngày đêm, mà kỳ lạ cũng không cảm thấy mệt mỏi. Nhưng một trong những người đã giúp võ thuật thăng hoa trong Đoàn Bảo Châu đó chính là người anh trai – võ sư nổi tiếng Đoàn Đình Long.

Đối với Đoàn Bảo Châu – người anh trai là hình mẫu của người đàn ông mạnh mẽ và rất mực tài hoa. Chính võ sư Đoàn Đình Long cũng là người thầy đầu tiên giúp anh nhìn ra vẻ đẹp của karatedo và coi nó như một niềm say mê không dễ dàng dứt bỏ trong cuộc đời mình. Chẳng thế mà, mấy ngày trước, thấy anh tuyên bố sẵn sàng tỉ thí với một độc giả trên facebook, bạn bè, người thân đã can ngăn. Anh chỉ cười, việc so tài nhiều người nghĩ là ghê gớm, nhưng chính là thể hiện văn hóa cao nhất của võ, dù đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán, vẫn phải tôn trọng nhau. 

Nhận lấy thất bại để đến với văn chương

Đoàn Bảo Châu là một người thiếu kiên nhẫn, và cũng rất khái tính. Những nét tính cách ấy được kiểm chứng bằng từng câu chuyện anh kể. Ngày ấy, khổ luyện võ thuật với cả máu và nước mắt, đằng đẵng bao nhiêu năm trời, nhưng rồi anh cũng nhìn thấy điểm dừng. Tầm vóc nhỏ là thiệt thòi lớn đối với mỗi vận động viên, nó trở thành điểm yếu đối với anh trong mỗi giải đấu lớn nhỏ, đến nỗi lần nào thi đấu cũng chỉ giành được huy chương bạc. Đối với anh, việc không vươn lên đỉnh cao chẳng khác nào một sự thất bại. Thôi võ thuật chuyên nghiệp, anh có cơ hội làm việc cho một tờ báo. Công việc cũng khá trôi chảy cho đến một ngày anh quyết định nghỉ làm, mà nguyên do là vì sự tự ái với cấp trên. Nhưng làm báo cũng có ích khi nhờ hay chụp những bức ảnh minh họa cho bài báo của mình, anh có tay nghề chụp ảnh và dần dần nhận được những hợp đồng với các hãng thông tấn, tờ báo lớn như AP, Reuters, AFP, New York Times… Cái công việc lùng sục khắp nơi, có khi một ngày đi đến cả trăm cây số đường đất, mà không được một bức nào ra hồn, cũng khiến anh chán nản. Dần dà, anh dành nhiều thời gian hơn để đọc sách - và cũng để hun đúc cho tình yêu thời tuổi trẻ. 

“Rút ruột” để viết 

“Mất 6 năm để hoàn thành một cuốn sách”, khi nhắc lại chuyện này với Đoàn Bảo Châu, anh không coi đây là cái gì quá to tát. Nhưng để có được cuốn tiểu thuyết khá “nặng ký” với một người mới chỉ gõ cửa văn chương như anh thực sự phải “rút hết ruột gan” mà viết. Anh kể: “Mấy tháng đầu tôi viết rất hăng, có ngày viết đến 10.000 từ, cảm giác như năm sau là cuốn sách ra đời. Nhưng rồi lại vấp. Bởi tất cả những gì tôi viết mới hoàn toàn chỉ là cảm xúc, chưa có sự định hướng, chưa có thủ pháp. Thế là tôi bắt đầu viết trong trạng thái lần mò, vừa viết, vừa học”. Quãng thời gian ấy Đoàn Bảo Châu rút hết ruột gan để viết. Những trải nghiệm, niềm vui, nỗi buồn cả những sự đè nén về tinh thần của một người đàn ông đã lăn xả với cuộc đời đều được đưa vào trang sách. Ở đó, Dũng Khói cũng chính là Đoàn Bảo Châu, bám trụ, vật lộn với đủ thứ nghề, là gã trai si tình hết lòng vì người yêu... Cũng chính Đoàn Bảo Châu đã trải lòng về một thời tuổi thơ vất vả, đã thấm đẫm nỗi cực nhọc của một đứa trẻ phải bươn chải, lao động ngoài đường, đã thực sự phải rơi nước mắt trước những trận đòn roi từ người cha… Cho đến bây giờ, khi ra mắt cuốn tiểu thuyết, dù phải nhận những lời trách cứ từ phía người thân, hơn ai hết, anh vẫn muốn được “thật” về vấn đề này. 

Viết tiểu thuyết giống như một hành trình dài. Vừa tạo ra một sự hấp dẫn, vừa phải tạo ra“chút hoa chút lá” khi đi trên con đường, nhưng phải để cho người đọc cảm thấy con đường này sẽ dẫn họ đến một điểm nào đấy. Đó là điều Đoàn Bảo Châu đã đúc kết từ “Khói” - cuốn tiểu thuyết được góp nhặt từ những tình cảm, lý trí của một thời giông bão. Và cũng để nuôi dưỡng cho những tác phẩm tiếp theo, như lời anh nói, khi mà những ý tưởng đã hình thành, quẩn quanh và sẽ cứ bám dính, đeo đẳng trong anh.