Ưu tiên chính trong đổi mới hoạt động khoa học công nghệ ngành Công Thương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Công Thương được giao chủ trì 09 chương trình/đề án khoa học và công nghệ (KH&CN) các cấp. Các nhiệm vụ trong giai đoạn này tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường.

Khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học tại các doanh nghiệp

Trong thời gian qua, những chuyển biến tích cực của các doanh nghiệp trong thực hiện hoạt động KH&CN, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thông qua việc đầu tư nhiều hơn cho ứng dụng, đổi mới công nghệ là rất rõ nét.

Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị trong giai đoạn vừa qua đã có sự cải thiện đáng kể với hơn 80% doanh nghiệp lớn và trên 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thực hiện đổi mới sản phẩm hoặc quy trình.

Việc nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất - kinh doanh đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương theo hướng hiện đại, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Kết quả hoạt động KH&CN đã đóng góp quan trọng vào những thành tích ấn tượng của ngành Công Thương những năm qua: Sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng tích cực, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế; nền sản xuất công nghiệp đã đạt năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức khá cao; một số ngành có vị trí vững chắc trên thị trường thế giới, như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ .v.v…;

tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao liên tục tăng trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; xuất nhập khẩu tăng trưởng kỷ lục, kim ngạch thương mại 2 chiều đạt trên 500 tỷ USD, trong đó tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 22,9% năm 2016 lên 50% năm 2020, tiếp tục khẳng định vai trò động lực tăng trưởng của đất nước; quá trình mở cửa hội nhập mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực; thương mại nội địa luôn giữ vững được đà tăng trưởng ổn định ở mức cao…

Hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng đổi mới công nghệ và quản trị hiện đại

Để KH&CN và ĐMST có đóng góp ngày càng quan trọng vào mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng một nền sản xuất tự chủ và có tính cạnh tranh cao, hoạt động KH&CN và ĐMST ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030 ưu tiên một số định hướng và nhiệm vụ, cụ thể như sau:

Nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển ngành Công Thương; trong đó chú trọng nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn (trong nước và quốc tế) đề xuất các phương án, kịch bản phát triển của ngành, lĩnh vực trong giai đoạn 2021 - 2025, và đến 2030; phương án và giải pháp thực hiện việc tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực sản xuất; cấu trúc lại không gian phát triển của các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển chung của toàn ngành...

Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên; trong đó tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ sản xuất và công nghệ quản trị hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh, góp phần nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp chủ lực…

Tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, đề án KH&CN giai đoạn 2021 - 2030: Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao; Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ phục vụ nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp ưu tiên: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử, công nghiệp dệt may, da - giầy giai đoạn 2021 - 2030” trong đó ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa;

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến; thực hiện đổi mới cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị sản xuất, góp phần hình thành và phát triển ngành công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Đẩy nhanh việc xây dựng và triển khai Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030;

Xác định các công nghệ chiến lược và lĩnh vực ưu tiên tập trung nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ từ cuộc Công nghiệp lần thứ tư; Xây dựng và triển khai Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021 - 2030, tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, có lợi thế cạnh tranh và mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cao…