Khoa học và công nghệ ngành Công Thương

Đòn bẩy khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học tại doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Giai đoạn 2016-2020, ngành Công Thương vinh dự có nhiều công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN); Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam (VIFOTEC)...

Tập trung nghiên cứu, ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp

Xác định đối tượng mục tiêu của toàn bộ hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo của ngành Công Thương chính là doanh nghiệp, do đó, Bộ Công Thương tập trung chuyển hướng nghiên cứu, ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Trên cơ sở đó từng bước thực hiện quá trình tái cơ cấu về nguồn lực, nội dung cũng như phương thức triển khai.

Đồng thời, liên tục đổi mới phương thức quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động KH&CN của ngành, tạo cơ chế thuận lợi khuyến khích sự tham gia của các tổ chức KH&CN trong và ngoài Bộ, các tổ chức tư vấn, doanh nghiệp KH&CN và đặc biệt là sự tham gia, vào cuộc của các doanh nghiệp của ngành Công Thương với vai trò là nơi tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu KH&CN.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động KH&CN của ngành Công Thương có sự tham gia của nhiều tổ chức, đơn vị trong và ngoài Bộ, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là các tổ chức KH&CN thuộc Bộ (44%); tỷ lệ các tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp tham gia có xu hướng tăng (chiếm 26%), tiếp theo là khối các viện nghiên cứu ngoài Bộ (chiếm 10%), các trường đào tạo trong và ngoài Bộ (chiếm 6%); các đơn vị thuộc khối chiến lược, chính sách (chiếm 5%).

Đặc biệt, đã huy động được sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp ở cả vai trò đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ, cũng như đơn vị ứng dụng các kết quả chuyển giao từ các đơn vị nghiên cứu, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả của hoạt động KH&CN của Bộ cũng như toàn ngành.

Tạo lập vị thế trong lĩnh vực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp Việt

Các đơn vị đã chú trọng đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước để hoàn thiện và phát triển công nghệ sản xuất, chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, tạo cơ hội phát triển của các doanh nghiệp. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được áp dụng hiệu quả vào sản xuất kinh doanh. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học, sản phẩm ứng dụng của các doanh nghiệp ngành Công Thương đã tạo lập vị thế khoa học của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các công trình nghiên cứu của ngành điện đã giải quyết nhiều vấn đề phức tạp của sản xuất. Doanh nghiệp trong nước đã đủ năng lực sản xuất cung cấp các máy biến áp truyền tải cấp điện áp 220kV, một số máy biến áp cấp điện áp 500kV. Đơn cử như giải pháp “Nghiên cứu tính toán thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành trạm phân phối có cấp điện áp đầu ra đến 500kV và tích hợp hệ thống nhị thứ cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW” được coi là bước nhảy vọt về năng lực công nghệ, thiết kế, chế tạo trong nước.

Các doanh nghiệp ngành Dầu khí đã nghiên cứu, chế tạo và triển khai thành công nhiều công trình có hiệu quả kinh tế cao. Như công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90 m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam”, dự án đầu tư đóng mới giàn khoan Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05 đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia chế tạo giàn khoan tự nâng có thể hoạt động ở vùng biển sâu đến 400ft với điều kiện làm việc khắc nghiệt...

Việc nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản đã góp phần thay đổi diện mạo ngành than theo hướng hiện đại. Tiêu biểu là các giải pháp: Áp dụng công nghệ sấy than bùn sau lọc ép giảm độ ẩm than bùn <10% và pha trộn thành than cám đạt tiêu chuẩn quốc gia tại Công ty Tuyển than Cửa Ông; hệ thống sàng đa mặt dốc hiệu suất cao tại Trung tâm Chế biến than Hòn Gai; Dự án Nhà máy sàng tuyển than Khe Chàm giúp nâng cao hiệu suất, cải thiện môi trường làm việc...

Nhiều thành tựu, kết quả khác được ghi nhận ở công trình nghiên cứu trong lĩnh vực cơ khí chế; các doanh nghiệp trong lĩnh vực hoá chất; lĩnh vực công nghệ sinh học; các nghiên cứu trong lĩnh vực chiến lược, chính sách.

Có thể nói, việc tập trung nghiên cứu theo hướng ứng dụng, hỗ trợ doanh nghiệp đã mang lại kết quả rõ rệt. Các chương trình, nhiệm vụ do Bộ Công Thương giao cho các đơn vị hầu hết đều có tính ứng dụng cao và có khả năng thương mại hóa đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao giá trị đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước.