Từng bước "chặt vòi" đa cấp biến tướng

ANTD.VN - Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc tăng cường quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Sở Công Thương Hà Nội đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, sàng lọc các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán hàng đa cấp. Tính đến hết ngày 30-11, trên địa bàn Hà Nội chỉ còn 36 doanh nghiệp hoạt động, giảm 21 doanh nghiệp so với năm 2014.

Từng bước "chặt vòi" đa cấp biến tướng ảnh 1Thời gian qua, cơ quan chức năng đã có nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bán hàng đa cấp

Giảm 47% người bán hàng đa cấp

Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp tại Hà Nội 6 tháng đầu năm 2016 đã giảm tới 47% so với cuối năm 2015. Cụ thể, cuối năm 2015 số lượng người tham gia hoạt động này là gần 201.400 người thì hết tháng 6-2016 chỉ còn gần 107.500 người. 

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo đã bị xử phạt với mức cao nhất là tước giấy phép hoạt động. “Tính đến ngày 30-11, sau khi giảm 21 doanh nghiệp, Hà Nội còn 36 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp được cấp phép. Trong 21 doanh nghiệp dừng hoạt động, có 11 doanh nghiệp bị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, 8 doanh nghiệp thông báo chấm dứt hoạt động và 2 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng hoạt động” - ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết.

Cụ thể, 11 tháng đầu năm 2016, Sở Công Thương Hà Nội đã thanh tra 6 doanh nghiệp; Sở Công Thương và một số sở, ngành, quận, huyện kiểm tra 45 doanh nghiệp, 5 cơ sở kinh doanh - là địa điểm hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy; kiểm tra việc tổ chức hội nghị, hội thảo về bán hàng đa cấp tại địa bàn. Qua đó, các cơ quan có thẩm quyền đã kiến nghị Cục Quản lý cạnh tranh thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 2 doanh nghiệp; xử phạt vi phạm hành chính đối với 22 doanh nghiệp và 5 cơ sở kinh doanh - là địa điểm hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy… với tổng số tiền xử phạt hành chính là gần 1,6 tỷ đồng… 

“Hoạt động bán hàng đa cấp có nhiều biến tướng, với các vi phạm phổ biến như doanh nghiệp bán hàng theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; doanh nghiệp sử dụng phương thức đa cấp để kinh doanh dịch vụ hoặc huy động tài chính... Những trường hợp này, pháp luật đã cấm nên có thể coi là tội phạm và phải bị xem xét xử lý hình sự. Trên thực tế, nhiều sai phạm theo hình thức trên đã bị cơ quan chức năng điều tra…” - lãnh đạo Sở Công Thương cho biết.

Chưa hết khó khăn 

Có thể thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến phát sinh nhiều vụ lừa đảo đa cấp hiện nay là do thông tin thị trường thiếu hoặc sai lệch. Vì vậy, nhiều công ty đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để lôi kéo họ tham gia bằng lời hứa thưởng cao và những cơ hội làm giàu nhanh chóng. 

Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương lại gặp nhiều khó khăn trong kiểm tra, giám sát doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp, đặc biệt trong hoạt động tuyên truyền, tư vấn cho người tham gia đa cấp. “Hoạt động này diễn ra tại khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn, thường được thực hiện bằng cách tuyên truyền trực tiếp từ người này đến người khác hoặc qua hội nghị, hội thảo tổ chức vào ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính… khiến cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn trong kiểm tra, giám sát” - ông Nguyễn Thanh Hải cho biết. 

Bên cạnh đó, do một số quy định tại các văn bản có liên quan đến hoạt động này còn chưa chặt chẽ, chưa rõ ràng, không phù hợp thực tế nên gây khó khăn cho công tác quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương…

Theo Bộ Công Thương, chế tài xử phạt với hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe (cao nhất là 200 triệu đồng). Quy định về xử phạt hành chính đối với lĩnh vực kinh doanh bán hàng đa cấp thì chỉ có Cục Quản lý cạnh tranh có thẩm quyền xử lý, vì vậy, dù phát hiện ra sai phạm, địa phương cũng phải chờ quyết định xử phạt từ Cục Quản lý cạnh tranh, thủ tục phức tạp và tốn nhiều thời gian… 

Để khắc phục những kẽ hở trên, Bộ Công Thương đang trong quá trình lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP để trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2016, đầu năm 2017 với các định hướng cơ bản như minh bạch hóa hoạt động bán hàng đa cấp; nâng cao thẩm quyền của cơ quan quản lý ở địa phương đối với hoạt động bán hàng đa cấp...