"Vá" lỗ hổng trong quản lý kinh doanh đa cấp

ANTD.VN - Việt Nam hiện có khoảng nửa triệu người đang tham gia bán hàng đa cấp (giảm hơn một nửa so với cùng kỳ 2015), đem lại doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động này cũng phát sinh hàng loạt biến tướng, lừa đảo khiến hàng nghìn gia đình tán gia bại sản, gây bức xúc dư luận. Ngoài nguyên nhân do công tác quản lý bị buông lỏng, thì hàng rào pháp lý vẫn còn nhiều kẽ hở cũng khiến những kẻ lừa đảo dễ dàng “lách” luật. 

"Vá" lỗ hổng trong quản lý kinh doanh đa cấp ảnh 1

Thả gà ra đuổi

Tính đến đầu tháng 11-2016, Bộ Công Thương đã thu hồi giấy chứng nhận và chấm dứt, tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) đối với 25 công ty đa cấp. Hiện tại, số doanh nghiệp hoạt động chỉ còn 42 so với con số 67 công ty năm 2015. Từ tháng 6-2015 đến tháng 11-2016, Bộ Công Thương đã kiểm tra, khởi xướng điều tra 65 vụ việc đối với các công ty BHĐC, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt trên 11 tỷ đồng.  

Một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ lừa đảo đa cấp hiện nay là do thông tin thị trường thiếu hoặc sai lệch. Vì thế mà nhiều công ty đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để lôi kéo người tham gia bằng lời hứa thưởng cao và những cơ hội “làm giàu nhanh chóng, làm giàu không khó” khiến người dân tham gia một cách mù quáng.

Vì những khoản sinh lời ảo nên những người tham gia khi đã “dính” vào đa cấp lừa đảo sẽ không còn đường thoái lui vì đã trót nộp tiền, tiếc của nên đã lôi kéo, dụ dỗ bằng được những người khác cùng làm để mong gỡ gạc phần vốn của mình. Cứ thế, những nạn nhân mắc bẫy được tính theo cấp số nhân.   

Qua thực tế quản lý hoạt động kinh doanh này cho thấy các quy định của pháp luật còn nhiều kẽ hở. Năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động BHĐC thay thế cho Nghị định 110/2005/NĐ-CP theo hướng thắt chặt quản lý đối với hoạt động BHĐC.

Tuy nhiên, những tồn tại mà cơ chế trước đây để lại trong thực tế là rất lớn. Theo Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, đó là chế tài xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe (cao nhất là 200 triệu đồng) nên các đối tượng sẵn sàng vì lợi nhuận mà chịu phạt để được tồn tại. Thiếu những nội dung quy định cụ thể trong hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động BHĐC của cơ quan quản lý Nhà nước theo thẩm quyền khi tiến hành hoạt động này.

Quy định về xử phạt hành chính đối với lĩnh vực kinh doanh BHĐC thì chỉ có Cục Quản lý cạnh tranh có thẩm quyền, vì vậy, dù phát hiện ra sai phạm, đơn vị cũng phải chờ quyết định xử phạt từ Cục Quản lý cạnh tranh, thủ tục phức tạp và tốn nhiều thời gian. Việc giao cho các địa phương tiếp nhận thông báo BHĐC của các doanh nghiệp trên địa bàn mà không cần đăng ký địa điểm hoạt động chẳng khác nào “thả gà ra đuổi”…  

Minh bạch hóa 

Để khắc phục những hạn chế này, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP để trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2016, đầu năm 2017 với các định hướng cơ bản như minh bạch hóa hoạt động BHĐC; nâng cao thẩm quyền của cơ quan quản lý ở địa phương đối với hoạt động BHĐC…  

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, để bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHĐC, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định nhằm minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp BHĐC. Cụ thể, yêu cầu doanh nghiệp xây dựng và vận hành hệ thống công nghệ thông tin quản lý nhà phân phối để nhà phân phối có thể truy cập và truy xuất các thông tin liên quan đến hoạt động BHĐC của họ.

Máy chủ quản lý phải được đặt tại Việt Nam và cung cấp quyền truy cập tài khoản quản lý khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Doanh nghiệp phải xây dựng và vận hành website để thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm, kế hoạch trả thưởng, quy tắc hoạt động và chương trình đào tạo cơ bản của doanh nghiệp, danh sách đào tạo viên. Phải công bố, cập nhật giá bán của sản phẩm; công bố công khai thông tin về hoạt động BHĐC, quy trình thực hiện các giao dịch với người tham gia BHĐC, việc xử lý vi phạm, chấm dứt hợp đồng của người tham gia BHĐC… 

Đặc biệt, doanh nghiệp BHĐC phải có đường dây nóng; phải xuất hóa đơn bán hàng cho từng nhà phân phối, khách hàng; thanh toán hoa hồng, tiền thưởng thông qua chuyển khoản… Dự thảo Nghị định nâng mức ký quỹ của doanh nghiệp BHĐC tối thiểu lên 10 tỷ đồng và hàng năm cần có quy định để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện ký quỹ tương ứng với quy mô mạng lưới hoặc doanh thu của doanh nghiệp.  

Dự thảo Nghị định cũng không cho phép doanh nghiệp BHĐC tổ chức các hoạt động trung gian thương mại phục vụ mạng lưới BHĐC. Thực tế hoạt động BHĐC thời gian qua cho thấy một số doanh nghiệp đã sử dụng các hình thức trung gian thương mại (đại diện - môi giới - ủy thác - đại lý) để phát triển và mở rộng mạng lưới của mình.

Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp với người tham gia BHĐC, một số doanh nghiệp đã đùn đẩy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân trung gian này. Các cơ quan quản lý không thể quy trách nhiệm cho doanh nghiệp BHĐC mà chỉ có thể xử lý các tổ chức, cá nhân trung gian… 

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát hoạt động BHĐC tại địa phương, Dự thảo Nghị định yêu cầu doanh nghiệp BHĐC phải thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ được phép tổ chức hoạt động BHĐC sau khi có xác nhận đăng ký bán hàng đa cấp bằng văn bản của Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó…

Doanh nghiệp BHĐC chỉ được phép tổ chức hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện. Trong trường hợp hội nghị, hội thảo, chương trình đào tạo có quy mô từ 200 người trở lên, doanh nghiệp có trách nhiệm mời Sở Công Thương tham dự để giám sát. Dự thảo Nghị định cũng bổ sung thẩm quyền của các Sở Công Thương trong việc thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động BHĐC của doanh nghiệp tại địa phương.

Giám sát chặt

Đánh giá về Dự thảo Nghị định này, TS Bùi Quang Tín, khoa Quản trị kinh doanh, trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho rằng, Dự thảo đã quy định chặt chẽ hơn, giúp quá trình quản lý hoạt động BHĐC thuận lợi, hiệu quả.

Tuy nhiên, theo TS Bùi Quang Tín, thật ra trong các văn bản pháp luật cũ đan xen nhau đã khá đầy đủ hành lang pháp lý để quản lý hoạt động kinh doanh này, nhưng thực tế là việc thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng chưa đầy đủ. Ngay cả với quy định hiện hành, chúng ta cứ thanh tra tới đâu là đã phát hiện vi phạm tới đó. Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là hoạt động hậu kiểm. 

TS Bùi Quang Tín cũng cho rằng, hiện hoạt động thanh tra, giám sát nói chung đang áp dụng hai kiểu là thanh tra giám sát định kỳ và thanh tra giám sát thường xuyên. “Như vậy là chưa phù hợp và không theo thông lệ quốc tế, vì với những hình thức thanh tra này, doanh nghiệp đã biết và chuẩn bị trước. Muốn ra “bệnh” phải theo mô hình quốc tế, nghĩa là thanh tra giám sát theo hình thức rủi ro. Khi có dấu hiệu rủi ro sẽ lập tức tổ chức đoàn thanh tra, giám sát ngay, thậm chí không báo trước cho doanh nghiệp”, TS Bùi Quang Tín cho biết.

Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật BASICO cho rằng, thời gian qua có nhiều vụ việc cứ nêu ra sai phạm nhưng vẫn để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, dẫn đến họ tiếp tục mở rộng sự lừa đảo đối với nhiều người. Điều đó cho thấy khung pháp lý chỉ là công cụ, quan trọng nhất là phải kiểm tra giám sát trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp.

Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động BHĐC, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, kiến nghị cơ quan chủ trì nghiên cứu, bổ sung quy định về tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vào Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động BHĐC trên toàn quốc.