Từ việc phát hành trái phép CD Thằng Mõ 1: Làm gì khi sự đã rồi?

ANTĐ - Tuần qua, làng giải trí lại được phen ồn ào với việc phát hành album Thằng Mõ 1 và những phát ngôn kiểu “coi trời bằng vung” của nhạc sĩ Ngọc Đại. Lại nữa, cuộc triển lãm 12 cái ảnh nuy mà chẳng cần xin phép vì “tôi triển lãm tại nhà tôi” của một người mang danh nhà sư Huệ Phong. Không phải đến bây giờ, câu chuyện xử phạt đối với các vi phạm về “thuần phong mỹ tục” mới được đưa ra bàn tán. Nhưng qua 2 sự việc trên cho thấy các nhà quản lý văn hóa đang “bó tay” khi những vi phạm trong lĩnh vực văn hóa trở thành sự đã rồi.

Đối với album Thằng Mõ 1, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cho rằng: “đây là bản ghi âm có nội dung phản động, đồi trụy”. Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Phạm Đình Thắng cũng khẳng định: ‘Chưa bàn đến nội dung dung tục, chỉ riêng việc nhạc sĩ Ngọc Đại phát hành băng đĩa, cho dù là cho, tặng hay kinh doanh mà không xin phép thì đều là vi phạm. Mà đã vi phạm thì sẽ phải xử phạt”. Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã yêu cầu thu hồi CD trên nhưng thực chất vẫn chưa có CD nào được thu và thu như thế nào thì vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết. Thông tin từ Sở VH-TT&DL Hà Nội cũng cho biết đã mời nhạc sĩ Ngọc Đại đến  làm việc nhưng nhạc sĩ này cũng không đến và không thông báo lý do.

Trước đó, trả lời báo chí về CD được cho là dung tục này, nhạc sĩ Ngọc Đại vẫn gọi là nghệ thuật theo cách hiểu của mình. Nhạc sĩ này còn tuyên bố tự phát hành CD, CD đang bán chạy và sẽ in tiếp 1000 bản vì thị trường đang có nhu cầu. Thực tế, sau những phát biểu đầy khiêu khích về CD Thằng Mõ 1 thì cuộc săn tìm đĩa CD càng trở nên nóng. Trên mạng xã hội Facebook đã có đến 2 cuộc đấu giá đĩa CD này. Thậm chí còn có thông tin Ngọc Đại đã bán 5 triệu/CD.

Ngoài CD của nhạc sĩ Ngọc Đại, dư luận còn ồn ào về cuộc “triển lãm” tại gia của cư sĩ, mạo danh nhà sư Huệ Phong. 12 bức ảnh nude được trưng bày với những lời giới thiệu như một cuộc triển lãm với nhiều ý đồ, cùng với nó là những giấy mời dự triển lãm, họp báo công bố, đăng ảnh lên mạng Internet… nhưng lại chưa hề làm các thủ tục xin phép triển lãm. 

Trong khi dư luận đặt câu hỏi về việc tại sao một bộ ảnh dung tục như vậy lại xuất hiện trên phương tiện truyền thông thì đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Về danh chính ngôn thuận, chúng tôi chưa hề cấp phép cho bất cứ triển lãm nào đối với bộ ảnh kết hợp thiền và khỏa thân của ông Huệ Phong”. Ông Trần Văn Thông, GĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết thêm, sau khi phát hiện, Sở đã cử thanh tra ngành phối hợp với công an kiểm tra cuộc triển lãm “Thoát Art” tại địa chỉ 550 đường 30/4, TP Vũng Tàu. Tuy nhiên vì nó được trình bày “tại gia” nên thanh tra cũng bất lực.

Không phải đến “Nude để thiền” hay “Thằng Mõ 1”, vấn đề xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức tự biểu diễn, phát hành các sản phẩm văn hóa mà không được cơ quan chức năng cấp phép mới được đặt ra. Trước đây trên thị trường văn hóa phẩm, hoạt động biểu diễn đã xuất hiện rất nhiều trường hợp tương tự như tự xuất bản sách, tự công khai bán sách, hoặc sách đã được xuất bản sau đó các nhà quản lý, kiểm duyệt mới phát hiện “có vấn đề”. Quyết định thu hồi được đưa ra nhưng thực tế, quyết định thu hồi lại càng làm cho sách bán chạy hơn. Còn đối với chương trình biểu diễn nghệ thuật biểu diễn nhiều khi kiểm duyệt không có phần “hở” nhưng khi trình diễn thì lại còn “hở”, hoặc có những nội dung phản cảm “bất ngờ” được tung để câu khách, nhưng đến khi các nhà quản lý biết được thì đã hàng nghìn, hàng vạn công chúng được “thưởng thức” những màn biểu diễn phản cảm phi nghệ thuật đó.

Như vậy, có nghĩa là các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật mới chỉ đang có ý nghĩa về mặt lý thuyết mà không có tác dụng thực tế. Phần lớn chỉ xử phạt khi sự đã rồi, không có hiệu quả. Mức phạt lại thấp khiến cho những người cố tình vi phạm càng “nhờn luật” và tiếp tục vi phạm. Hiện nay trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, phát hành băng đĩa, triển lãm, trình diễn có rất nhiều biến tướng, những người vi phạm cố tình “không xin phép”  và thoải mái quảng bá các hoạt động của mình. Vậy cần phải có chế tài như thế nào để xử lý các trường hợp này, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, khi các hành vi vi phạm xảy ra, các nhà quản lý văn hóa mới vào cuộc thì đã muộn. Đó là điều mà Bộ VH-TT&DL khi xây dựng pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cần phải tính đến. Chẳng hạn như trường hợp CD Thằng Mõ 1, không chỉ có hình thức xử lý đối với nhạc sĩ, mà cần phải xem xét trách nhiệm của cả cơ sở in ấn, sản xuất đĩa CD này. Hay như việc cần phải có quy định cụ thể đối với các hoạt động tổ chức triển lãm, kể cả triển lãm tại nhà.

Vụ Pháp chế - Bộ VH-TT&DL cũng đang hoàn thiện Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực VH-TT&DL... để thay thế Nghị định số 75 (ngày 12-7-2010 của Chính phủ) quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa. Với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 75, đề nghị mức phạt với những vi phạm liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sẽ được nâng lên cao: Tối đa 100 triệu đồng với tổ chức và 50 triệu đồng với cá nhân sai phạm. Nghị định mới cũng tập trung mở rộng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép công diễn, dừng biểu diễn có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm đối với người biểu diễn vi phạm các quy định như: Tự tiện thay đổi nội dung chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sau khi đã được cấp giấy phép; tự tiện thêm bớt lời ca, lời thoại hoặc thêm động tác diễn xuất khác với khi duyệt cho phép công diễn gây hậu quả xấu; mặc trang phục, hóa trang gây phản cảm, không phù hợp với  thuần phong, mỹ tục Việt Nam; người biểu diễn lợi dụng giao lưu với khán giả để có những hành vi thiếu văn hóa hoặc phát ngôn thô tục, không đúng đắn; ca sĩ hát nhép...

Luật sư Bùi Quang Thu ( Đoàn Luật sư Hà Nội): Về cơ bản, các Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật của nước ta đã đủ chế tài cho các vi phạm trong lĩnh vực văn hóa. Ví dụ hành vi của nhạc sĩ Ngọc Đại đã vi phạm khoản 1, 4 Điều 6 Nghị định 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Khoản 4 Điều 13 Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa. Hành vi của cư sĩ Huệ Phong đã vi phạm điều 44 Luật Xuất bản về Triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm do triển lãm không xin phép. Hơn nữa do đưa các ảnh nude có nội dung không phù hợp lên trang “Thoát” trên mạng Internet đã vi phạm khoản 2 Điều 2 Nghị định số 11/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 2 năm 2009 của Chính Phủ về Xuất bản và phát hành xuất bản phẩm trên mạng thông tin máy tính), chưa kể việc sáng tác lưu hành các sản phẩm nude có ý hướng kích dục có thể vi phạm Bộ Luật hình sự về tàng trữ lưu hành các sản phẩm văn hóa đồi trụy. Thanh tra văn hóa các địa phương cần tích cực giám sát các hoạt động văn hóa trên địa bàn mình, kịp thời ngăn chặn các hoạt động văn hóa trái phép.