“Tự kể chuyện mình”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Tự kể chuyện mình" là phụ đề cho cuốn hồi kí “Đi tìm một vì sao” của nhà lãnh đạo cao nhất Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2006-2015. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.
Đồng chí Phạm Quang Nghị trong thời gian tập luyện ở Trường 105 (Lương Sơn, Hòa Bình)

Đồng chí Phạm Quang Nghị trong thời gian tập luyện ở Trường 105 (Lương Sơn, Hòa Bình)

Người đọc ban đầu nhìn thấy dòng chữ phụ đề “Tự kể chuyện mình” in ngay ngoài trang bìa cuốn sách không khỏi ngỡ ngàng về độ nôm na chân thực của nó. Thông thường thì những tác giả viết hồi kí đương nhiên phải là những nhân vật tiếng tăm hay có một sự nghiệp nào đó mà người ta luôn nghĩ một cách chữ nghĩa lớn lao về nó. Đại khái “Những ngày bão táp”, hay “Tháng năm rực rỡ…” chẳng hạn. Cầm cuốn sách có phụ đề “Tự kể chuyện mình” ắt hẳn cảm xúc đầu tiên của người đọc sẽ nghiêng nhiều sang những câu chuyện kể ê a tối ngày của một cuộc đời bình lặng không ai biết đến.

Nhưng cái tên tác giả cũng in trên bìa cuốn sách ấy lại cho ta một cảm nghĩ khác. Một chính khách nổi tiếng từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của đất nước hẳn là phải có những lí do xác đáng để chỉ coi cuốn sách của mình như những câu chuyện tự kể bình thường. Và với những người đọc nhiều kinh nghiệm hình như cũng bắt đầu lờ mờ đoán ra được ý đồ của người viết. Cái bình thường của một người lớn lao chắc chắn sẽ có rất nhiều thú vị.

Cầm trên tay cuốn sách xuất bản năm 2022 dày đến 650 trang in khổ lớn, chắc rằng nhiều bạn đọc thông thường sẽ thấy vô cùng ái ngại. Ở cái thời buổi thông tin Internet, người ta chỉ đọc vài nghìn chữ là nhiều. Thậm chí chỉ vài chục chữ trong các status viết trên Facebook. Một cuốn sách dày cỡ ấy nhiều năm nay chỉ xuất hiện trong mảng văn học tiểu thuyết lịch sử. Mà tiểu thuyết lịch sử giờ đây là thứ người ta rất ít khi đủ kiên nhẫn để đọc cho hết. Nhà văn Hà Nội Nguyễn Việt Hà trong một bữa uống say từng tâm sự trên bàn rượu: “Tiểu thuyết lịch sử mà viết nhân vật Hồ Quí Ly hay Đức Thánh Trần giống y như các vị ấy trong lịch sử là một thất bại. Thà ta đọc “Sử kí toàn thư” còn hơn!”.

Bìa cuốn sách “Đi tìm một vì sao”

Bìa cuốn sách “Đi tìm một vì sao”

“Tự kể chuyện mình” hấp dẫn ngay từ những trang đầu tác giả viết về một vùng quê nghèo khó êm đềm nép mình bên dòng sông Mã. Một làng quê khuất nẻo sâu và xa ngay cả với mảnh đất Thanh Hóa bấy giờ. Những kí ức từ hơn nửa thế kỉ trước ùa về sống động chân thực cả từ nhà cửa, ruộng đồng, cây cỏ và cả những ngọn gió vô hình. Những hàng xóm tối lửa tắt đèn, những công việc đồng áng cực nhọc chỉ với hai bàn tay không. Những cái đói cái rét còn nhiều hơn gấp bội những vùng thôn quê đồng bằng khác. Đặc biệt là với gia đình tác giả. Một gia đình thuần nông có người cha đi kháng chiến rất hiếm khi có mặt ở nhà.

Đó là những trang viết không phải nhà văn chuyên nghiệp nào cũng viết được. Bởi lẽ dường như miêu tả quá cặn kẽ về hoàn cảnh sống của mình thời niên thiếu hình như cũng đã có quá nhiều người viết. Những motip đói cơm rách áo, bắt đom đóm làm đèn để đọc sách học bài dường như đã quá quen thuộc trên văn đàn. Thậm chí còn quen thuộc ngay cả trong báo chí khi tả về các tấm gương vượt khó của vài người quan trọng.

Câu chuyện tác giả kể trong trường đoạn này hầu như đã làm cho độc giả không còn bất kì liên tưởng nào với các motip cũ kĩ ấy nữa. Bởi vì nó chân thật và độc đáo đến mức chắc chắn chưa có ai viết ra.

Cuốn sách có thể tạm chia ra làm 6 trường đoạn ứng với công việc mà tác giả từng tham gia trong suốt cuộc đời cách mạng của mình. Thời niên thiếu cho đến lúc học đại học. Thời chiến tranh chống Mỹ với những kỉ niệm chiến trường. Thời làm công tác tuyên huấn. Thời làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam. Thời làm Bộ trưởng Văn hóa. Thời làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Không khó để nhận ra khát vọng của một người viết văn đích thực kể từ khi tác giả học xong lớp bồi dưỡng viết văn do các nhà văn nổi tiếng nhất đất nước kèm cặp. Cuốn sách cung cấp cho người đọc những trang nhật kí chiến trường hết sức sống động như ghi chép của một nhà văn thực thụ. Rất có thể qua những ghi chép này, người viết dụng công thêm chút nữa thôi là sẽ có những tác phẩm văn học để đời. Thế nhưng cuộc chiến đấu ác liệt khắp miền Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và vào đến tận Đồng Tháp Mười đã cuốn đi toàn bộ những dự định manh nha trong đầu. Ông đã toàn tâm toàn ý tất cả mọi thời gian mà mình có dành cho cuộc chiến đấu đến ngày chiến thắng hoàn toàn. Biết làm sao được. Bạn đọc không có thêm được một nhà văn đầy hứa hẹn nhưng đất nước có thêm được một nhà lãnh đạo sáng suốt đầy bản lĩnh văn hóa. Nếu phải chọn lại con đường đã đi chắc rằng không chỉ tác giả vẫn chọn con đường của mình mà ngay cả bạn đọc cũng mong muốn như vậy.

Đồng chí Phạm Quang Nghị là lãnh đạo cao nhất Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2006-2015

Đồng chí Phạm Quang Nghị là lãnh đạo cao nhất Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2006-2015

Có một tính cách nổi bật của tác giả qua cuốn sách này mà những cuốn hồi kí khác đã không hoặc không thể có nổi. Tất nhiên mọi hồi kí trên đời thì nhân vật trung tâm bao giờ cũng phải là tác giả của nó. Đôi khi có nhờ người khác chấp bút thì câu chuyện xảy ra vẫn là như vậy mà thôi. “Tự kể chuyện mình” là cuốn sách tự tay mình chấp bút của tác giả. Đọc trong sách sẽ thấy rất rõ bàn tay ấy. Không người viết hộ nào lại công phu cài được những trường đoạn lãng mạn phức tạp trong tâm lí tác giả kể cả những lúc cam go lâm trận một sống hai chết với kẻ thù. Cũng không nhiều người lắm khi viết hồi kí dám bỏ qua việc nhấn mạnh thành tích của mình. Cũng ít hồi kí tránh được việc phê phán sống sượng một ai đó có liên quan đến cuộc đời hoạt động của mình. Lại càng ít hơn những cuốn hồi kí không nhằm thanh minh cho những sai lầm của chính mình. Điều đó chứng tỏ một bản lĩnh văn hóa của người viết đã ở một tầm hiếm hoi.

Hẳn là trong một cuộc đời hoạt động cả bí mật lẫn công khai của tác giả sẽ còn rất nhiều câu chuyện gây cảm hứng hơn nữa cho người đọc. Nhưng ông đã biết cách dừng đúng chỗ, đúng lúc. Ở vị trí công tác của ông chắc chắn còn rất ít người để ông sợ. Và cũng còn rất ít sự việc khiến ông ngại ngần tránh né. Nhưng đủ bản lĩnh văn hóa để chưa đề cập đến nó thì cũng chưa nhiều người làm được.

Ta thường nói nhiều đến khái niệm bản lĩnh. Bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, bản lĩnh nghệ thuật, bản lĩnh sân cỏ v.v… Thế nhưng thực ra bản lĩnh văn hóa mới là thứ bao trùm. Nếu nói rằng để khen một người từng giữ chức vụ Bộ trưởng Văn hóa Thông tin là người có bản lĩnh văn hóa thì thật là thừa thãi. Ấy nhưng đó lại là chuyện có thật. Đọc trong sách thấy tác giả là người từng giải quyết thấu đáo rất nhiều lùm xùm, tranh chấp trong lĩnh vực văn hóa của đất nước mới biết bản lĩnh văn hóa của ông ở mức nào. Điều mà khá hiếm Bộ trưởng tiền nhiệm và sau này có thể giải quyết nổi. Những công việc tưởng cỏn con như ca sĩ về nước biểu diễn hay việc gia tộc họ Vương đòi quyền lợi trên mảnh đất của ông bà tổ tiên cho đến những việc lớn lao như dẹp đền chùa miếu mạo giả tạo trong chùa Hương hoặc quy hoạch lại báo chí cả nước cho đến nay vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa của ông. Cái quyết đoán, tỉnh táo và hơn hết là bản lĩnh văn hóa đã giúp ông hoàn thành những nhiệm vụ tưởng như rất khó khăn này.

Phạm Quang Nghị tự nhận là yêu thích văn chương. Trong sách ông từng trích dẫn khá nhiều thơ làm trên đường công tác. Và cũng tự nhận là mình không có khả năng sáng tác như các bạn học cùng thời. Những câu thơ hay của bạn viết và của danh nhân thế giới được ông thuộc nằm lòng. Phạm Quang Nghị viết không nhiều, nhưng bạn đọc tin chắc rằng sẽ còn được đọc thêm những sáng tác mới của ông. Những sáng tác chân thực trong trẻo hướng thiện đến cùng mà ông đã cho ra mắt bạn đọc trong cuốn sách này.

Hà Nội, tháng 7-2022