Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị ra mắt tự truyện "Đi tìm một vì sao"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 21/4, hòa trong không khí  của Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2022, buổi ra mắt cuốn tự truyện “Đi tìm một vì sao” của tác giả Phạm Quang Nghị đã diễn ra tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (31 Tràng Thi, Hà Nội).

Tới dự sự kiện có đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn VN cùng đông đảo độc giả.

Tiếp theo cuốn hồi ký "Nơi ấy là chiến trường", nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã ra mắt cuốn tự truyện "Đi tìm một vì sao" ở cái tuổi đã trong ngoài 70.

Tác giả Phạm Quang Nghị phát biểu tại lễ ra mắt sách

Tác giả Phạm Quang Nghị phát biểu tại lễ ra mắt sách

Phát biểu tại lễ ra mắt, tác giả Phạm Quang Nghị đã chia sẻ với độc giả về lý do ra đời của cuốn sách. Theo đó, trong quá trình được sống, được đi, được tiếp xúc, được lắng nghe và trò chuyện, ông thấy có rất nhiều điều bổ ích và đáng nhớ. Vì vậy, ông muốn kể cho nhiều người cùng nghe và hồi tưởng lại chặng đường đã đi qua với biết bao điều đáng nhớ, đáng kể. Những điều ấy đã được ông viết trong 650 trang sách.

Cuốn tự truyện "Đi tìm một vì sao-tự kể chuyện mình"

Cuốn tự truyện "Đi tìm một vì sao-tự kể chuyện mình"

"Những vấn đề được đề cập trong sách là những câu chuyện tôi nhớ không bao giờ quên, từ khi bắt đầu có sự nhận biết, lúc bé thơ theo mẹ ra đồng, ngồi bên quang gánh của mẹ, một bên là tôi, một bên là phân gio... Cuốn sách trải dài theo thời gian trong suốt gần 70 năm cuộc đời, từ khi tôi bắt đầu có lý trí cho tới khi về hưu, ít phải lo nghĩ công việc riêng, chung. Không gian trong cuốn sách thì mênh mông, từ Trường Sơn tới Trường Sa, từ Hà Giang đến mũi Cà Mau, những nơi tôi đã đi qua trong chiến tranh, lúc hòa bình", tác giả Phạm Quang Nghị kể.

Nhà báo Hà Đăng nhận định: "“Đi tìm một vì sao” có rất nhiều trang viết hấp dẫn khiến người đọc ước ao được một lần được trải nghiệm: Những cánh rừng Trường Sơn thâm u với những bản nhạc rừng du dương của các loài chim; những đêm được bơi xuồng trên những dòng kênh băng qua Đồng Tháp Mười mênh mông như lạc vào một biển sen bát ngát hương thơm... Ai đã trải qua một thời đạn lửa có dịp cùng nhớ lại những kỷ niệm của những năm tháng chiến tranh cực kỳ cam go, khốc liệt: Những tháng ngày mang ba lô đi bộ trên dải Trường Sơn, được nếm trải những cơn sốt rét, ốm đau có lúc dường như “một chân trên bờ, một chân đã thò xuống hố chôn”; những khi băng qua làn đạn cả của ta và của địch đan chéo qua đầu để vượt qua lộ 4... Những lần chứng kiến sau trận bom rơi, máu người hòa lẫn trong nước mưa, chảy lênh láng, chan hòa trên mặt đất. Những giọt nước mắt xót xa cùng chảy trên mặt đất. Không biết thứ nào sẽ thấm sâu, ngấm lâu trong lòng đất..."

Quang cảnh buổi lễ ra mắt sách

Quang cảnh buổi lễ ra mắt sách

Đọc “Đi tìm một vì sao” người đọc có dịp hiểu một con người đầy suy tư và nghị lực, được sống trong môi trường rèn luyện, thử thách từ những năm tháng khói lửa chiến tranh tới khi đất nước hòa bình. Một cán bộ nhiệt huyết và đầy trách nhiệm, thầm lặng, kiên trì phấn đấu, luôn có niềm tin và hướng tới những điều cao cả, một lòng phục vụ nhân dân và đất nước. Trên suốt chặng đường ấy, lúc thuận lợi hay trong lúc rất khó khăn, Phạm Quang Nghị cảm thấy mình luôn được bạn bè, đồng chí, người thân ủng hộ, đồng hành, tiếp sức. Luôn cảm nhận có được một ngôi sao dẫn đường. Ngôi sao ấy là lý tưởng, là niềm tin vào sự nghiệp vinh quang của Đảng, của nhân dân, là con đường mà anh đang đi. Bởi thế khi được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó những nhiệm vụ, trên mọi cương vị, mọi chặng đường, Phạm Quang Nghị đều nỗ lực hoàn thành và hoàn thành tốt".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ, viết tự truyện khi tác giả Phạm Quang Nghị ở cái tuổi trong ngoài 70, đã có thể thấu hiểu nhiều điều của một đời người, ở tự truyện này, ông có quyền xác lập những giá trị cuộc đời của mình mà không phải phân vân, lưỡng lự hay ngờ vực điều gì. Chính điều đó đã giúp cho người đọc thấy được những gì diễn ra trong sâu thẳm của một con người.

Độc giả tìm đọc cuốn tự truyện "Đi tìm một vì sao" của tác giả Phạm Quang Nghị.

Độc giả tìm đọc cuốn tự truyện "Đi tìm một vì sao" của tác giả Phạm Quang Nghị.

"Những điều quan trọng nhất mang tới cho một con người để con người ấy biết sống, biết ước mơ và biết hành động là những giấc mơ đẹp, là nền tảng gia đình, là quê hương, là tổ tiên, ông bà cha mẹ, là lý tưởng sống và lòng quả cảm dấn thân cho khát vọng cống hiến của mình. Tác giả Phạm Quang Nghị đã có tất cả những điều quan trọng ấy, hay có thể nói một cách khác là cuộc đời đã chuẩn bị cho ông những hành trang quan trọng ấy, dẫn dắt ông từ khi còn là một cậu bé tới lúc trưởng thành và trải qua nhiều công việc, nhiều vị trí quan trọng. Như phụ đề của tên sách "Tự kể chuyện mình", tác giả Phạm Quang Nghị đã kể lại cuộc đời mình một cách trung thực với một tình yêu cuộc đời mãnh liệt. Có nhiều trang viết là những trang văn chân thực, đẹp đẽ và có sức quyến rũ mạnh mẽ với người đọc", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

Cuốn tự truyện đã được mở đầu với những trang viết thực sự trong sáng và đẹp đẽ. Hình ảnh những đứa trẻ, trong đó có ông, đêm đêm nhìn lên bầu trời bao la và đếm những vì sao lấp lánh. Ngay từ lúc đó, cậu bé Phạm Quang Nghị đã ước mong được biết ngôi sao của đời mình.

Đó cũng chính là giấc mơ đẹp đẽ, có thật của một con người luôn mong hướng về những điều tốt đẹp để sống, suy ngẫm và hành động. Đó cũng là khởi nguồn cho con đường đi tìm ngôi sao lý tưởng sống của ông. Và hơn bảy mươi năm sống trên thế gian này, ông mê mải đi tìm ngôi sao ấy.

Con đường đi tìm ngôi sao cũng chính là con đường của niềm cảm hứng sống lớn lao, là con đường được làm việc, cống hiến với bao thăng trầm, buồn vui, là con đường dâng hiến của một con người cho dân tộc mình qua hơn nửa thế kỷ. Trên con đường ấy, khát vọng, ý chí và hành động của con người mang tên Phạm Quang Nghị không hề thay đổi. Và ông đã tìm thấy ngôi sao cho lẽ sống của mình.

-Tác giả Phạm Quang Nghị sinh năm 1949 tại Định Tân, Yên Định, Thanh Hóa

- Sinh viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1967-1970)

-Học viên khóa 4 Hội Nhà văn Việt Nam (1970)

-Đi B. Cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam; biên tập viên tạp chí "Sinh hoạt văn nghệ" (1971-1975)

-Học viên Trường Nguyễn Ái Quốc V, chuyên ban Triết học (1976-1978)

-Nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội trực thuộc UB Trung ương ĐCS Liên Xô (AON), ba vệ Luận án Phó Tiến sĩ Triết học (1981-1985)

-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương; Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương về công tác tư tưởng (1994-1997)

-Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam (1997-2001)

-Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (2001-2006)

-Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XIV-XV (2006-2015)

-Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư các khóa VIII, IX, X, XI

-Ủy viên Bộ chính trị các khóa X, XI

-Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XIII