Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles: Không phép vẫn đào tạo

ANTĐ - Từ năm 2006, Trung tâm Đào tạo Quốc tế Raffles có trụ sở tại 106 Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội đã thực hiện việc tuyển sinh trong khi chưa được cấp phép. Điều này khiến hàng trăm học viên đã tốt nghiệp tại trung tâm này có nguy cơ không được công nhận bằng cấp tại Việt Nam.

Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles: Không phép vẫn đào tạo  ảnh 1
Hàng trăm học viên đã tốt nghiệp tại Trung tâm Raffles có nguy cơ
không được công nhận bằng cấp tại Việt Nam

Nguy cơ trắng tay

Chiều 21-3, nhiều phụ huynh và học viên đang theo học tại đây tập trung tại trụ sở trung tâm để đòi quyền lợi chính đáng của mình. Điều mà họ quan tâm là việc học sinh không được tiếp tục học tập tại trung tâm vì lý do trung tâm bị đình chỉ hoạt động thì hướng giải quyết sẽ thế nào. Cụ thể, việc chuyển tiếp sinh viên ra nước ngoài để học tập được lên kế hoạch ra sao. Trong trường hợp sinh viên không có nhu cầu ra nước ngoài thì có được nhận lại tiền không, học viên đã hoàn thành chương trình Cao đẳng nâng cao chuyên ngành Quản trị du lịch khách sạn, chờ cấp bằng thì bao giờ sẽ được cấp bằng…

Ông Trần Tuấn Nhã, một phụ huynh có con đã theo học chuyên ngành Quản trị du lịch khách sạn tại trung tâm này lo lắng: “Tôi cho rằng lãnh đạo nhà trường đang trả lời vòng vo và thiếu dứt khoát. Việc thông báo các cháu chuyển tiếp sang các nước khác tiếp tục học tập cần phải lên kế hoạch một cách cụ thể. Nhà trường phải khẳng định với học viên mỗi kỳ không được học quá 3 môn, số tiền học phí mà các phụ huynh phải nộp đối với từng trường hợp là bao nhiêu. Chúng tôi sẽ chỉ chấp nhận mức học phí tại các nước nhà trường chuyển tiếp tương đương với mức học phí đã đóng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhà trường phải cam kết lo thủ tục visa cho các cháu nhưng nếu trong trường hợp các cháu sang những nước này mà bị chính phủ không chấp nhận không rõ lý do thì nhà trường sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và phải trả lại toàn bộ tiền học phí. Cá nhân tôi và những phụ huynh có con em theo học tại đây sẽ không chấp nhận đóng học phí cho đến khi chúng tôi được nhìn thấy visa của các cháu. Tất cả những vấn đề này chúng tôi muốn được nhà trường trả lời bằng văn bản một cách rõ ràng”.

Chiều 22-3, có mặt tại phòng họp của Trung tâm Raffles Hà Nội, chúng tôi nhận thấy nhiều phụ huynh và học sinh đang rất bức xúc. Không ít phụ huynh băn khoăn việc nhà trường hoạt động “chui”, không phép như vậy thì liệu mọi văn bản đã ký của giám đốc trung tâm có hiệu lực hay không. Chị N.T.D cho biết: “Tất cả những văn bản trả lời hiện nay đều do giám đốc trung tâm tại Hà Nội ký, không phải là văn bản chính thức của Tập đoàn Giáo dục Raffles. Trung tâm Raffles tại Hà Nội đã hoạt động từ năm 2006 đến nay không có giấy phép, rõ ràng chúng tôi bị lừa”. Anh D.H.H một học viên đã tốt nghiệp năm 2009 lo lắng: “Nếu bằng cấp của Raffles không được công nhận tại Việt Nam thì coi như nhiều sinh viên đã mất không thời gian và tiền bạc. Tương lai của chúng tôi sẽ ra sao khi quá trình học tập không được công nhận và cầm trong tay tấm bằng không có giá trị...”. Nhiều sinh viên đã tốt nghiệp có mong muốn được nhà trường hoàn trả toàn bộ số tiền học phí đã đóng và sẵn sàng trả lại tấm bằng “vô giá trị” mà họ được nhận. 

Theo cũng dở, ở… chẳng xong

Được biết, ngày 29-12-2011, Thanh tra Bộ Giáo dục Đào tạo (GD&ĐT) đã ra Quyết định số 64/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với Công ty TNHH Dạy nghề đào tạo Quốc tế Raffles Việt Nam với tổng cộng các khoản phạt là 75 triệu đồng. Cũng theo Quyết định này, Công ty TNHH Dạy nghề đào tạo Quốc tế Raffles Việt Nam phải dừng các hoạt động quảng cáo, tuyển sinh và đào tạo trái phép các trình độ đã ký kết với đối tác nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, trả lại kinh phí cho người học, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người học, giải quyết hậu quả (nếu có).

Đến ngày 28-2, Tập đoàn Giáo dục Raffles đã có Công văn số 02 gửi Bộ GD&ĐT trong đó nêu rõ: Trung tâm Đào tạo Quốc tế Raffles đã nộp số tiền phạt 75 triệu đồng đồng thời dừng tất cả các hoạt động quảng cáo, tuyển sinh và đào tạo các trình độ cao đẳng và đại học tại Việt Nam kể từ ngày 17-1. Đối với các học viên đang theo học tại cả hai cơ sở, Raffles Việt Nam đã thực hiện các phương án giải quyết: 30% học viên đã đăng ký và đang làm thủ tục chuyển học sang các trường thuộc tập đoàn ở các nước như Australia, Singapore, Thái Lan… và được hưởng mức học phí như tại Việt Nam. 29% học viên đề nghị được hoàn lại học phí và trung tâm đang hoàn tất các thủ tục trả lại học phí cho học viên. 41% học viên cùng phụ huynh có nguyện vọng được tiếp tục chương trình học tại Việt Nam. Cũng trong văn bản này, đại diện Raffles Hà Nội đã thừa nhận “đây là một điều đáng tiếc”.

Tiếp sau đó, ngày 15-3, Bộ GD&ĐT đã có Công văn 1470 gửi Tập đoàn Giáo dục Raffles yêu cầu Công ty TNHH Dạy nghề đào tạo Quốc tế Raffles Việt Nam và Trung tâm Đào tạo Quốc tế Raffles Hà Nội nghiêm chỉnh chấp hành các Quyết định xử phạt hành chính số 64 ngày 29-12-2011 và Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 01 ngày 16-1-2012. Tập đoàn Giáo dục Raffles không được khôi phục các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3 trái phép trên lãnh thổ Việt Nam theo các Kết luận Thanh tra của Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT chỉ xem xét hồ sơ xin thành lập trường của Tập đoàn Giáo dục Raffles sau khi Công ty TNHH Dạy nghề đào tạo Quốc tế Raffles Việt Nam và Trung tâm Đào tạo Quốc tế Raffles Hà Nội đã giải quyết dứt điểm hậu quả do hoạt động giáo dục trái pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian qua.

Vi phạm của Công ty TNHH Dạy nghề đào tạo Quốc tế Raffles Việt Nam và Trung tâm Đào tạo Quốc tế Raffles Hà Nội đã khá rõ ràng. Không ai khác, người chịu thiệt thòi chính là các học viên và bậc phụ huynh. Họ đã tiêu tốn khá nhiều thời gian và không ít tiền bạc để theo đuổi cái gọi là “bằng cấp quốc tế” rồi bị đẩy vào hoàn cảnh “theo tiếp cũng dở, mà ở chẳng xong”. Và không ít người đã đặt câu hỏi: Không biết vì lý do gì một đơn vị đào tạo giáo dục nước ngoài hoạt động trái phép nhưng khá công khai, rầm rộ ở Việt Nam từ năm 2006 lại có thể tồn tại đến tận bây giờ?