Trong ngôi làng mênh mang

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng, một người con của Thủ đô, từng nói: Hà Nội là cái làng lớn. Nước Việt Nam của tôi hội tụ bao nhiêu ngôi làng. Tổ quốc tôi linh thiêng bởi hợp dung linh khí của ngàn làng mang hồn dân tộc. Trong khái niệm quyện bền Làng - Nước, Hà Nội yêu dấu chất chứa trầm tích lịch sử chất chồng.
Nhà thơ Vi Thùy Linh

Nhà thơ Vi Thùy Linh

Hà Nội - nơi tôi sáng tác hầu hết tác phẩm của mình, bối cảnh của cảm hứng, là quê hương nghệ thuật và sinh quán, với dòng chữ thiêng liêng trên giấy khai sinh của tôi và các con. Tôi thường viết về Hà thành thanh lịch, tinh tế, hào hoa, trầm tích lớp lớp tinh hoa; có hiểu biết về làng quê cũng nhờ sống ở ngoại ô. Nên giờ tôi muốn viết về Hà Nội làng.

Thôn quê ở đâu? Lên tầng cao nhất ngôi nhà 4 tầng hay lên tầng 30 tòa nhà 50 tầng Discovery (có 5 tầng hầm để xe đào xuống lòng ao) mọc từ cái ao lớn nhất xã Dịch Vọng trước kia, phóng hết tầm mắt toàn thấy rừng bê tông, xa nhất là cần cẩu, thấp nhất là đường nghìn tỷ đồng vừa thông lại bị đào xới. Các cánh đồng Đồng Xa (Mai Dịch), Mỹ Đình, Mễ Trì thay bằng la liệt chung cư. Hà Nội làng sống động nhất với tôi là chợ Bưởi. Đây không phải là Kẻ Bưởi, vùng không có địa danh này, mà vì xưa bán bưởi, giống cây, giống vật nuôi. Chợ nào ở Hà Nội cũng ít nhiều hương sắc vùng quê, mà chợ Bưởi (tháng họp 6 phiên vào ngày 4 và 9) là đậm chất thôn dã Bắc Kỳ hơn cả. Đường Hoàng Hoa Thám, đường bao kinh thành xưa, gắn bó với gia đình tôi, khi bố tôi công tác tại Hãng phim Tài liệu Trung ương gần 20 năm sau khi học tại trường Điện ảnh Việt Nam cũng trên phố này. Mẹ tôi thì làm Xưởng In tráng - Thu thanh và quản lý kho phim ở Hãng phim này 30 năm.

Phim tài liệu là sự thật. Có bộ phim nào, tư liệu nào giữ được hình ảnh - hiện thực toàn vẹn của Hà Nội đẹp đẽ và lam lũ, hào hoa và lấm láp không? Không! Chỉ còn Hà Nội yên tĩnh, nên thơ trong ảnh của Pháp, tranh Bùi Xuân Phái; Hà Nội lãng mạn, thanh quý, tình tứ trong tình khúc Phú Quang; có cả “Hà Nội lầm than” như Doãn Kế Thiện viết trước Cách mạng Tháng Tám, và những phận “áo ngắn” - dân lao động thô sơ trong tác phẩm Tô Hoài. Đấy, bút danh của nhà văn cho thấy trước kia sông Tô Lịch phân vùng Kẻ Chợ và Hoài Đức phủ. Chàng Nguyễn Sen sinh trưởng ở làng Nghĩa Đô, học vấn Tiểu học nhưng biệt tài quan sát, tích nạp đã sở hữu vốn sống dày dặn, trở thành nhà văn tầm cỡ Tô Hoài. Bên sông Tô trông sang phía này là làng Thụy Khuê, Võng Thị... Cây đa cổ thụ cuối phố Thụy Khuê phân đôi làn đường - chứng tích về ngôi làng cổ.

Làng trong phố của Hà Nội là làng ven đô, ngày càng tăng phố, theo tốc độ mở rộng đô thị. Chỗ tôi ở, huyện lỵ của huyện Từ Liêm, thành quận từ năm 1997. Các xã thành phường, ngõ làng Dịch Vọng lên phố. Sau còn thêm 2 quận Nam và Bắc Từ Liêm nữa. Với Tây Hồ, Hoàng Mai cũng thế. Các huyện xa hơn thuộc Hà Tây trước đây cũng đô thị hóa. Thủ đô có hơn 400 xã nông thôn. Hà Nội cũ xưa có “36 phố phường” mang tên hàng là làng nghề của các vùng ra lập phố theo kiến trúc đô thị của người Pháp. Đất Hà Tây - Xứ Đoài nhiều đền chùa nhất, đông làng nghề nhất. Chỉ riêng huyện Phú Xuyên có tới 43 làng nghề. Tất cả hợp quần tạo cho Thủ đô di sản văn vật, văn hóa phong phú và kèm theo đó, phương ngữ càng đa dạng. “Tứ xứ”, “tứ chiếng” tụ quần mà vẫn có nếp sống, phong cách Hà Nội ngàn xưa là quy chuẩn thanh lịch, tinh sành.

Đúng 40 năm trước, Xuân 1982, ca khúc “Mùa xuân làng lúa làng hoa” của nhạc sĩ quân đội Ngọc Khuê ra đời, khi ông tuổi 35, có gia đình (vợ ở quê) chở người bạn gái dạo con đường đê và đường ven hồ Tây. Làng lúa là Xuân Đỉnh, Xuân La. Làng hoa là Nghi Tàm, Tứ Liên, Quảng Bá, Nhật Tân. Thật sóng sánh thiết tha sắc hương hoa - lúa, bức tranh Hà Nội khoáng hoạt không gian ven đô: “Bên lúa anh bên lúa/ Cánh đồng làng ven đê/ Hồ Tây xanh mênh mông/ Trong tươi thắm nắng chiều/ Làng em làng hoa/ Hoa thơm ngát bốn mùa/ Hồ Tây đôi bên/ Trong tình yêu hoa lúa rộn ràng/ Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người/ Bởi lúa yêu cuộc đời, nên xanh thắm tươi ruộng đồng/ Sóng lấp lánh mặt hồ, cho hoa em ngào ngạt/ Hương hoa bay dào dạt, làng hoa em gọi mùa, Mùa Xuân!”.

Cổng làng Ước Lễ công trình kiến trúc độc đáo nổi tiếng ở Thanh Oai, Hà Nội

Cổng làng Ước Lễ công trình kiến trúc độc đáo nổi tiếng ở Thanh Oai, Hà Nội

Hợp xướng thổ âm rộ lên khi giáp Tết. Trước kia, nghe tiếng rao đoán quê người bán hàng. Nay quanh năm nghe những băng phát tiếng rao ngọng nói liến láu cưỡng bức lỗ tai. Hàng bán thớt, dao kéo bày ra nền chợ không cần dao. Hàng hoa “nói” bằng màu sắc, hàng cây cảnh chuyển động xanh cồng kềnh mà đáng yêu vì mang thông điệp “mùa trồng cây” đang đến. Tôi sợ nghe tiếng rao: “Ai tóc dài tóc rối bán không? Ai có tóc bán không?”. Tóc tôi mỏng dần, ngày nào cũng vơ gom xót xa đựng tóc rụng vào túi nilon. Chờ gì tiền bán tóc!

Căn cốt nền văn minh lúa nước, văn hóa nông nghiệp là văn hóa làng. Tập quán làng phái sinh thành tình làng nghĩa xóm, hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn, tình đồng bào, tương thân tương ái, nhân nghĩa “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Ca dao nghìn xưa đã dạy: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước thì thương nhau cùng”; “Thương người như thể thương thân”... thành cốt cách người Việt Nam chan hòa, thân thiện; thành ấn tượng chung với du khách, bạn bè quốc tế. Văn hóa làng sinh ra tinh thần chịu khó, chịu khổ, kiên cường vì truyền đời lao động cần cù siêng mẫn với ruộng đồng. Văn hóa làng làm nên nhân sinh quan nhân hậu, lạc quan, đại lượng vì nghĩ đến hòa bình ổn định lâu dài, như ngày nay toàn thế giới hay dùng từ “phát triển bền vững”.

Việt Nam dày đặc chiến tranh suốt dặm dài lịch sử, song không khi nào mang tiếng gây hấn, gây sự. Quốc thái dân an là khát vọng muôn đời. Ta muốn thế nên ta không làm ngược điều đó với ai. Hơn nghìn năm Bắc thuộc, gần trăm năm bị Pháp đô hộ, nước ta không mất vì giữ được làng, được văn hóa và tiếng nói. Bởi thế, ta luôn thắng mọi cuộc chiến tranh vì ta thực hiện “chiến tranh nhân dân” trong cả hôm nay khi qua 2 năm, cả nước đồng lòng “chống dịch như chống giặc”.

Xưa, đánh thắng giặc rồi ta lại cấp ngựa, thuyền, quân lương cho giặc tháo lui vì chỉ muốn chủ hòa. Xác máy bay rơi đêm cuối tháng 12-1972 đã hơn 49 năm trong lòng hồ Hữu Tiệp giữa làng hoa Ngọc Hà, còn đó dù nhiều hư hao. Việt Nam luôn bao dung, độ lượng, hóa giải hận thù để hướng tới tương lai. Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” năm 1999.

“Buôn có bạn, bán có phường” - Hà Nội phố cộng sinh với Hà Nội làng làm nên phong vị Tràng An. Bao thức quà các vùng quê về đất Hà thành ngon hơn, thành “thức quà Hà Nội”. Mỗi món ăn Hà Nội đều lấy nguyên liệu từ chốn quê.

Làng - Nước là tình tự dân tộc ở mọi nơi trên dải đất hình chữ S có hai quần đảo. Làng - Nước mênh mang dào dạt tình đời trong hưng khí Thăng Long - Hà Nội. Vận hội mới từ niềm tin chiến thắng đại dịch Covid-19 năm 2022, cũng may mắn của tình yêu sâu nặng cho Đất thiêng dân tộc “như dòng sông Hồng cuộn đỏ mãi trong tôi” (Hà Nội ngày trở về - Thơ: Thái Thăng Long; Nhạc: Phú Quang)...

Và mùa Xuân đang hát: “Lúa lên xanh thắm, bên hoa em thơm ngát/ Hồ Tây ơi, mùa Xuân/ Tình ca đơm hoa từ lòng đất/ Đôi lứa tình yêu mùa Xuân/ Làng lúa làng hoa mùa Xuân”.