Nhà văn Đỗ Tiến Thụy:

Trốn chạy vào văn chương

ANTĐ - Cuộc đời luôn có nhiều ngã rẽ. Và ngã rẽ bất ngờ mà cuộc đời dành cho anh lính lái xe Đỗ Tiến Thụy chính là văn chương. 30 tuổi Đỗ Tiến Thụy mới bắt đầu cầm bút sau khi đã trải đủ thứ nghề.
Trốn chạy vào văn chương ảnh 1
Thành công đến ngay từ truyện ngắn đầu tiên và cũng từ cái lần đầu đó, nghiệp văn phút chốc rộng mở… Tôi tìm gặp Đỗ Tiến Thụy phần nhiều vì tò mò, để xem chủ nhân của blog văn chương gacuadong (gã cua đồng) là ai? Cái làng Bùi của gã ở đâu? Mặt mũi gã này thế nào mà sao gã đối xử với nhân vật của mình nghiệt ngã thế… Trước thắc mắc của tôi, gã cười và chối đây đẩy, chả phải gã ép nhân vật của mình phải khổ sở, phải chết đâu mà đó là cuộc sống. Cuộc sống vốn thế, chứ không phải do nhà văn đối xử bất công… Hóa ra, cuộc đời của “gã cua đồng” Đỗ Tiến Thụy cũng ba chìm bảy nổi lắm nỗi long đong.
 Một trong những tập truyện ngắn của Đỗ Tiến Thụy
 Một trong những tập truyện ngắn của Đỗ Tiến Thụy
Đỗ Tiến Thụy cấu tứ tác phẩm thường giản dị, và hình như gã thích sự đối lập. Với “Nơi không có sóng xì phôn” là sự đối lập giữa thành thị và nông thôn, giữa những con người ở hai thế hệ, giữa sự chân thành và cợt nhả… Hay như ở tác phẩm “Có cha”, câu chuyện về một ông y tá đào hoa, con rơi con vãi khắp làng. Những đứa con ông mỗi người một suy nghĩ, một nghề nghiệp, đứa nối nghiệp ông vỗ ngực mình danh giá. Đứa to xác, nhưng suy nghĩ mãi như một đứa trẻ lên 10. Và bi kịch ở chỗ, họ lại cứ phải nối với nhau bằng một sợi dây huyết thống… “Gã cua đồng” Đỗ Tiến Thụy luôn tự hào rằng, mình có hai quê hương. Một là mảnh đất Chương Mỹ (Hà Nội) nơi nuôi dưỡng tâm hồn gã từ lúc lọt lòng đến lúc gã lần đầu biết yêu. Một là mảnh đất Tây Nguyên nắng gió, nơi dạy gã trưởng thành. Vì thế, cứ cầm bút, là chuyện cũ ùa về, len vào từng trang viết. Bạn đọc cũng vì thế mà quen với một Đỗ Tiến Thụy “nhà quê” suốt ngày chỉ ruộng đồng, khoai sắn… Khi không còn ruộng thì bắt đầu nảy sinh những tấn bi kịch của đất quê lên phố. Hỏi Đỗ Tiến Thụy, sao cứ mãi cày cấy nơi “thửa ruộng làng Bùi”, sao không ra phố cho nó hợp thời. Gã cười, không phải cứ viết về cái mới đã hay. Có giai thoại rằng, gã viết văn chỉ vì đói. Tưởng là chuyện bịa ai ngờ gặp, gã gật đầu: “Chính xác”. Gã sinh ra ở vùng Tốt Động, Chương Mỹ, nhà nghèo, thời điểm giáp hạt, trong nhà không có lấy nổi một hạt gạo. 16 nhân khẩu sống trong một gia đình có lúc phải ăn củ chuối. Đó cũng là những năm gã bắt đầu bước vào tuổi ăn tuổi lớn, cái sự đói của những năm tháng gian khó không hiểu sao cứ đeo đẳng, ám ảnh gã mãi. Nhờ cái quá khứ bi thương đưa đường dẫn lối, khi bước vào nghề văn gã phải viết ngay về nó… 17 tuổi, Đỗ Tiến Thụy ước mơ cháy bỏng được trở thành họa sĩ. Gã đăng ký thi trường mỹ thuật, cứ hồn nhiên đi thi mà không hề biết rằng, thi mỹ thuật phải có giá vẽ, có tone, có màu, có cọ… Lần thử sức ấy gã trượt chỉ với 1.8 điểm. Lòng tự ái của một chàng thanh niên mới lớn khi ấy đã khiến gã nằng nặc đòi nhập ngũ, dù chưa đến tuổi. Cuộc sống quân ngũ đã trở thành một trường học lớn, dạy cho gã biết bao điều. Nhưng cũng chính cuộc sống quân ngũ với bao nhọc nhằn nhiều lúc tưởng như dập vùi mọi hoài bão trong gã. Gã đã đi học kế toán rồi về làm nhân viên tài chính ở một trung đoàn chủ lực có hơn nghìn quân. Một nghề được biết bao nhiêu người mơ ước. Nhưng rồi, một lần đi chơi về mở cửa vào phòng thấy cả một két tiền ngồn ngộn mở toang. Gã đi chơi mà quên không khóa két. Gã xin từ chức và nằng nặc đòi học làm… lái xe. Đã có lúc gã ân hận về sự lựa chọn này. Nhưng rồi, khi đã thành danh với nghề văn, ngồi ngẫm lại, gã bảo, phải cảm ơn, 10 năm làm lái xe. Rong ruổi khắp các tuyến đường. Gã học được nhiều, tích lũy được nhiều vốn sống hơn. Đó là thứ quý giá với nghề văn, có tiền cũng chả mua được…  Việc từ một anh lính lái xe “đùng một cái” gã được làm nhà văn. Sự “lạ” này khiến không ít người xung quanh gã xì xào. Thiên hạ ác khẩu cho rằng gã phải “chạy chọt” gì ghê lắm đây… Và khi đó, hễ cứ ai hỏi “nghề văn có dễ không” gã đều trả lời bằng một giọng tỉnh bơ “nghề văn dễ lắm, đến lái xe như tôi còn làm được nữa là…”. Giờ gã đã khẳng định được tên tuổi của mình trên văn đàn. Nhiều bạn đọc biết đến và yêu quý. “Gã cua đồng” không cần phải giương càng lên để tự vệ. Gã đành thú nhận, nhà thơ Lê Đạt dùng từ “phu chữ” là chính xác cực kỳ, chả chệch đi đâu được một li một lai nào. Càng đọc, càng viết càng thấy nghề văn quá đỗi nhọc nhằn. Để đạt được thành tựu đích thực trong văn chương quả là điều khó khăn vô cùng. Hỏi gã rằng, sợ làm tài vụ vì đụng chạm đến tiền nong, không cẩn thận là đi tù như chơi, phải chạy trốn bằng nghề lái xe. Rồi lại chạy trốn nghề lái xe bằng nghề viết văn. Viết văn cũng là một nghề nguy hiểm chứ? Gã cười, lần chạy trốn này nằm ngoài kế hoạch. Nhưng gã tin vào số mệnh. Tin vào linh cảm, đây là lần “chạy trốn” cuối cùng của đời gã.