Triển lãm "Mở cửa-Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới": Quần hùng hội tụ

ANTD.VN - Triển lãm “Mở cửa” vừa khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thực chất là cuộc “quần hùng hội tụ” của mỹ thuật Việt Nam sau 30 năm đổi mới. Những gương mặt như Thành Chương, Lê Thiết Cương, Nguyễn Quân, Đào Châu Hải… đã đại diện cho một thế hệ nghệ sỹ chịu tác động mạnh mẽ từ không khí đổi mới những năm 1986 - 2016. 

50 gương mặt nghệ sỹ được tôn vinh tại triển lãm “Mở cửa”

Đậm đà dấu ấn cá nhân

Phải chờ đến 30 năm, triển lãm “Mở cửa”, cuộc tổng kết, đánh giá thành tựu của mỹ thuật Việt Nam mới được tổ chức. 50 gương mặt với 50 tác phẩm do họa sỹ tự chọn tranh mang đến đã tạo nên cái nhìn toàn cảnh về mỹ thuật Việt Nam thời đổi mới. Không còn lối sáng tạo “một màu” hiện thực với một đề tài là chiến tranh cách mạng, thời đổi mới đã “cởi trói” cho các họa sỹ về tư tưởng, phương pháp.

Ở “Mở cửa”, người xem có thể thấy các khuynh hướng từ cực thực, hiện thực, trừu tượng đến siêu thực và đặc biệt cái tôi của người nghệ sỹ được thể hiện rõ nét. Nếu trước năm 1986, các phong cách chưa định hình rõ, thì thời đổi mới đã có dấu ấn cá nhân. Nhìn tranh tối giản là biết của Lê Thiết Cương, nhìn tác phẩm “Hóa thạch sống” là biết của Vương Văn Thạo, nhìn điêu khắc là biết của Thái Nhật Minh… 

Điều đó được tạo ra từ không khí của thời đổi mới với nguồn tiếp cận thông tin đa dạng hơn. Nếu trước kia chỉ có một cuốn tạp chí mỹ thuật của Liên Xô bán ở phố Tràng Tiền thì nay, các họa sỹ được rộng mở trong đón nhận thông tin, tự do đi ra nước ngoài làm triển lãm và tự do sáng tạo.

Đã không ít họa sỹ khẳng định, nếu không có đổi mới thì không có họ ngày hôm nay. Họa sỹ Thành Chương là một minh chứng điển hình cho điều này. Ông đã có tư duy làm nghệ thuật đổi mới từ thời… chưa đổi mới.

Trong trường mỹ thuật dạy các họa sỹ phải sử dụng màu sắc hài hòa, dung dị, các đường nét ăn nhập, nhuần nhuyễn thì Thành Chương lại sử dụng các màu đối chọi với nhau và đường nét thì cứ xổ thẳng, vuông thành sắc cạnh. Các tác phẩm của ông đã có tiếng nói cá nhân ngay từ trước năm 1986.

Tác phẩm “Hóa thạch sống” của nghệ sỹ Vương Văn Thạo

Đông như đi xem “Mở cửa”

Chính vì thế mà thời còn đi học, Thành Chương đã từng “lên bờ xuống ruộng” vì sáng tạo lệch giáo trình giảng dạy, còn khi tham dự các triển lãm mỹ thuật toàn quốc, tác phẩm của ông thường bị loại thẳng tay. Thành Chương bảo rằng: “Hội họa là một nghề đặc biệt, chưa đổi mới đã có những người làm việc độc lập. Cá nhân tôi, chỉ đến thời kỳ này mới được ghi nhận và nhắc đến”.

30 năm mới có một triển lãm tổng kết, đánh giá thành tựu của mỹ thuật Việt Nam nên việc lựa chọn 50 gương mặt là việc làm khó khăn. Rõ ràng, “Mở cửa” còn thiếu vắng các gương mặt như Đào Hải Phong, Văn Ngọ, Đặng Thị Khuê… nhưng thực ra, điều này lại làm nhiều người thấy tiếc cho triển lãm nhiều hơn tiếc cho tác giả, bởi đây đều là các nghệ sỹ đã thành danh. 

 Họa sỹ Lê Thiết Cương đánh giá: “90% họa sỹ được lựa chọn đều thuần về làm nghề, không phải chuyên làm tượng đài hay quan chức, tôi thích điều đó ở triển lãm này. Cách sử dụng giám tuyển đã cho hiệu quả ngay về chất lượng tác phẩm trưng bày và tên tuổi được lựa chọn”.

Tuy nhiên, họa sỹ Lê Thiết Cương cho rằng, có những gương mặt đáng ra không được phép vắng mặt nhưng rốt cuộc lại vắng mặt tại “Mở cửa”. Song, điều này cũng có thể hiểu được, việc tuyển lựa gương mặt nghệ sỹ tiêu biểu cho cả một giai đoạn không hề đơn giản. 

Ngày khai mạc, “Mở cửa” đông như trẩy hội. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chật cứng người và xe. Bên cạnh bạn bè, đồng nghiệp của các họa sỹ còn có các nhà sưu tập nước ngoài và công chúng yêu  nghệ thuật. Sự đông đúc tại triển lãm “Mở cửa” là điều hiếm gặp trong tình hình chung của các cuộc triển lãm trong nước.

Có lẽ, không khí đổi mới hồ hởi ngày nào vẫn còn đọng lại trong nhiều người và họ đến với triển lãm để mong tìm lại những ký ức xưa và gặp lại những nghệ sỹ nổi tiếng cách đây 30 năm vẫn còn là những gương mặt mới, trẻ tuổi và tài năng.