Triển lãm tập trung giới thiệu các giá trị của công trình kiến trúc lịch sử, đậm chất nghệ thuật, từng có đóng góp trong thời kỳ Đông Dương và có tiềm năng phát huy giá trị di sản thông qua các dự án nghệ thuật. Ngoài ra, triển lãm cũng giới thiệu các tư liệu về quá trình trùng tu, phục hồi các công trình kiến trúc có nhiều giá trị văn hóa lịch sử trong địa bàn phường.
![]() |
Người xem tham quan triển lãm |
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, bà Trịnh Ngọc Trâm - Phó Chủ tịch UBND Cửa Nam cho biết, “Cửa Nam giao hòa - Cửa ngõ văn hóa, kết nối di sản, đổi mới sáng tạo” không chỉ là sự kiện văn hóa nghệ thuật mà còn là một hoạt động chính trị - xã hội hướng tới Đại hội Đảng các cấp. Những giá trị di sản văn hóa hiện có chính là động lực để phường Cửa Nam đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, đưa di sản trở thành động lực, nguồn lực phát triển, biến vốn văn hóa thành các sản phẩm cụ thể, từ các tour du lịch di sản, không gian sáng tạo, sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho đến việc xây dựng thương hiệu địa phương... “Chúng ta đang hướng tới xây dựng Cửa Nam thành không gian văn hóa sáng tạo, mô hình phát triển kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và ứng dụng công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp văn hóa trên địa bàn. Các tác phẩm tại triển lãm chính là minh chứng cho tinh thần đổi mới này và đây là con đường bền vững để di sản thực sự “sống”, được bảo vệ và tạo ra giá trị mới, đóng góp trực tiếp vào đời sống kinh tế - xã hội” - bà Trịnh Ngọc Trâm nói.
Triển lãm kéo dài đến ngày 5-8, tại trường THCS Trưng Vương, 26 Hàng Bài. Trong thời gian này sẽ có chương trình trò chuyện với họa sĩ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế về lịch sử biểu tượng logo thành phố Hà Nội đặt tại ngôi trường và vai trò của cung Đấu xảo trong phát triển văn hóa và thương mại; nói chuyện và giới thiệu về dự án “Cảm thức Đông Dương” tại tòa nhà 19 Lê Thánh Tông.