Triển lãm ảnh "Con đường Inca hùng vĩ" - Con đường dẫn đến thành phố đã mất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhân dịp kỉ niệm 28 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Peru - Việt Nam (14/11/1994 - 14/11/2022), Đại sứ quán Peru tại Việt Nam tổ chức triển lãm ảnh “Qhapaq Nan – Con đường Inca hùng vĩ" tại phố đi bộ Hồ Gươm từ tối ngày 21 - 26/10.

Triển lãm ảnh về hệ thống đường bộ lịch sử “Qhapaq Nan” bao gồm 28 bức ảnh, đại diện cho những đặc điểm nổi bật trong kĩ thuật xây dựng đường của người Inca cổ - những nhánh đường mà cho tới ngày nay vẫn được bảo tồn và đưa vào sử dụng.

Qua triển lãm ảnh lần này, Đại sứ quán Peru bày tỏ mong muốn mang cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những nét văn hóa đặc sắc và lịch sử hình thành của Peru tới gần hơn với công chúng Việt Nam, từ đó góp phần bảo tồn giá trị, ý nghĩa thời đại, cũng như thúc đẩy giao lưu văn hóa, và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước.

Qhapaq Nan là hệ thống đường giao thông rộng lớn và tiên tiến nhất, được xây dựng vào thời kì đế chế Inca (tiền Columbus). Công trình chạy dài qua lãnh thổ các nước Nam Mỹ như Argentina, Bolivia, Chile, Colombia, Ecuador và Peru, trong đó có Cusco là thủ phủ cũ của đế chế vĩ đại này. Hệ thống giao thông cổ đại của đế quốc Tahuantinsuyo (đế chế Inca) trải dài hơn 60 nghìn km, bao gồm gần 23 nghìn km nằm trong lãnh thổ của Peru.

Công trình không chỉ hỗ trợ cho việc di chuyển và kết nối giữa những ngôi làng ở nhiều khu vực khác nhau, mà còn thúc đẩy các hoạt động trao đổi toàn diện về kinh tế, xã hội, văn hóa, công nghệ, chính trị và hệ tư tưởng... Qhapaq Nan còn được ví như tuyến đường huyết mạch của đế chế Inca, kết nối nền văn minh tại Tahuantinsuyo với các khu vực lân cận, trong đó lấy thành phố Cuzco làm trung tâm.

Bắt đầu từ thành phố này, các cung đường chính chia về 4 hướng dẫn tới 4 suyos (vùng) của đế quốc Inca cổ. Chính những cung đường ban sơ này đã tạo tiền đề cho sự giao thoa giữa các nền văn minh nơi đây. Đến nay, hệ thống đường sá này vẫn được bảo tồn và được sử dụng bởi thổ dân Peru sống ở các khu vực lân cận.