Sự lên ngôi của những ca khúc “thảm họa” bắt đầu có từ vài năm trước đây khởi nguồn từ những ca khúc: “Vọng cổ Teen”; “Da nâu”… Bắt được thị hiếu của người nghe nhạc bình dân, các nhạc sĩ, ekip làm việc tiếp tục thử sức với ca khúc thảm họa khi đưa ra những tác phẩm còn gây tiếng vang hơn như: “Nàng Kiều lỡ bước”; “Tầm hồn vĩnh cửu”; “Nói dối”… Nhạc “thảm họa” hiện nay bỗng “vươn mình” trở thành những ca khúc được các bạn trẻ có phong cách nghe nhạc dễ dãi yêu thích.
Không những vậy, nhiều người sử dụng điện thoại di động còn cho là độc đáo khi sử dụng nhạc chuông, nhạc chờ “thảm họa”. Việc những ca khúc “thảm họa” được nhiều người sử dụng điện thoại di động cài đặt thường thể hiện sự hài hước nhưng cũng không ít những bạn trẻ thích gây sự chú ý của người khác qua những bài nhạc chuông “độc”. Đây cũng chính là lý do mà nhạc chuông, nhạc chờ “thảm họa” có “đất” sống. Xu hướng đó đã trở thành nguồn dung dưỡng nhạc rác.
Thực tế cho thấy những ca khúc “thảm họa” luôn được đứng vào hàng top trong danh sách những ca khúc được tải về. Và những nhạc sĩ, ca sĩ thể hiện cũng từ đó mà tên tuổi được biết đến nhiều hơn. Một điều trớ trêu khi những ca sĩ đó có tên tuổi hơn, được biết đến nhiều hơn, đắt show hơn rất nhiều… sau khi đã thể hiện ca khúc “thảm họa”.
Đạo diễn Nguyễn Anh Dũng, hiện đang công tác tại Phòng Ca nhạc, Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng những “ca khúc thảm họa” được nhiều người sử dụng làm nhạc chuông, nhạc chờ đã tạo nên một trào lưu văn hóa thấp. Ngay trong giới nhạc sĩ cũng lên tiếng phản đối khi những người làm nghệ thuật đích thực phải trăn trở, thức trắng đêm để sáng tác, hòa âm, phối khí cho một ca khúc tâm huyết nhưng kết cục lại không “hot” bằng những ca khúc “thảm họa” được thực hiện một cách dễ dãi cẩu thả.
Đạo diễn Nguyễn Anh Dũng cho rằng: “Những nhà sản xuất âm nhạc nên lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc, không nên bị động, chạy theo thị hiếu của người nghe. Người nghệ sĩ nên hướng khán giả đến nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp hơn”. Song điều quan trọng là những công ty kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ không nên quá chạy theo lợi nhuận, mà cần có một cái nhìn có văn hóa hơn về âm nhạc. Và những người nghe, hãy tẩy chay nhạc “thảm họa” , để đời sống âm nhạc trong sạch hơn.