Tranh hiến tặng có đủ tầm làm "đại sứ" ngoại giao văn hóa?

ANTD.VN - Sau một tháng kêu gọi các họa sỹ quyên góp tranh làm đẹp cho các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, chương trình “Mỹ thuật Việt Nam và ngoại giao văn hóa” đã nhận được 68 tác phẩm. Bên cạnh các họa sỹ sẵn sàng hiến tranh, còn có không ít ý kiến không đồng tình với cách làm này, bởi nghệ thuật không thể miễn phí mãi được. 

Buổi trao tặng tranh diễn ra vào sáng 8-4 tại Hà Nội

“Làm khó” cho Hội đồng thẩm định

Theo bà Đào Thị Liên Hương - người sáng lập chương trình “Mỹ thuật Việt Nam và ngoại giao văn hóa”, Trưởng ban Đối ngoại Hiệp hội các trường Đại học - Cao đẳng Việt Nam, chương trình quyên góp được ra đời do các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài không có kinh phí để mua tranh, trong khi những bức tranh trang trí thường là tranh thêu từ các đoàn trong nước mang sang, không đủ tầm  trở thành sứ giả văn hóa ở nước ngoài. Sau 1 tháng kêu gọi, đã có 31 họa sỹ hiến tranh cho cuộc vận động với 68 tác phẩm, trong đó có không ít các họa sỹ tên tuổi như Bùi Hữu Hùng, Phạm Luận, Hồng Việt Dũng…. 

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra từ cuộc quyên góp này là chất lượng các tác phẩm có đủ sức nói lên tiềm năng của mỹ thuật Việt, văn hóa Việt hay không khi được trưng bày tại các đại sứ quán, nơi đại diện cho quốc gia?

Bởi lẽ, dù có thành lập hội đồng thẩm định với 3 thành viên là họa sỹ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, họa sỹ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sỹ Lê Anh Vân - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam… nhưng nếu các bức tranh hiến tặng không phải là các tác phẩm có chất lượng, mang phong cách cá nhân sẽ “làm khó” cho những người “cầm cân nảy mực”.

Hơn thế, vì là  tranh hiến tặng nên cái sự được chăng hay chớ cũng là lẽ thường tình. Trong khi ấy, với các cơ quan ngoại giao, điều này không thể chấp nhận được. Một bức tranh treo trên tường đủ để cất lên tiếng nói về tâm hồn, tính cách người Việt Nam.

Muốn có tranh chất lượng, không thể đi xin

Họa sỹ Trần Khánh Chương thẳng thắn chia sẻ: “Rõ ràng, tranh quyên góp so với tranh đặt hàng hay tranh mua có một sự khác biệt về đẳng cấp. Nói thật là tôi chưa thấy thỏa mãn với số tranh hiến tặng. Trong 68 bức được các họa sỹ hiến tặng, hội đồng đã loại 7 bức. Nhưng dẫu sao ở cuộc này, tôi cũng đánh giá cao  sự nhiệt tình của các anh em nghệ sỹ”.

Họa sỹ Trần Khánh Chương cũng kiến nghị: “Muốn có tranh chất lượng không thể đi xin mãi được. Dù anh em có nhiệt tình đến mấy thì họ cũng phải bỏ tiền ra để mua toan, mua màu vẽ. Họa sỹ có thể quyên góp về công sức, còn về vật liệu, các nhà tổ chức cũng cần bù đắp cho xứng đáng. Về lâu dài, Bộ Ngoại giao nên thành lập quỹ trang trí để có tiền mua tranh xứng đáng với các cơ quan đối ngoại của Việt Nam tại nước ngoài”. 

Họa sỹ Nguyễn Thị Hiền, trưởng nữ nhà văn Kim Lân cũng cho rằng, tranh dù là hiến tặng nhưng không phải bức nào cũng được treo nên với các tác phẩm lọt qua vòng thẩm định lần này, các họa sỹ đều cảm thấy niềm vinh dự. Bên cạnh các họa sỹ sẵn lòng hiến tranh cho chương trình, cũng còn nhiều họa sỹ khác tỏ thái độ dè dặt với cách làm này. Bởi theo họ, nghệ thuật không nên được nhìn nhận một cách dễ dãi như vậy. Họa sỹ cả đời có khi chỉ vẽ được một tác phẩm đỉnh cao, giờ kêu gọi ủng hộ khác nào xem thường công sức và chất xám của người nghệ sỹ. 

Thiết nghĩ, thời gian tới, cuộc vận động cần được nâng tầm, triển khai bằng các hình thức sinh động hơn như mời các họa sỹ tuyển chọn tranh mang đi triển lãm ở nước ngoài, sau đó quyên góp cho BTC hoặc đặt hàng họa sỹ sáng tác… Với cách làm này, cuộc vận động sẽ thiết thực và  nhận được các tác phẩm nghệ thuật chất lượng.