Tranh của các hoạ sĩ Việt bán ra thị trường tăng gấp đôi, bất chấp đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thông tin từ Indochine Art cho biết, giao dịch tranh bán lẻ trong nước tăng gấp đôi về số lượng trong 2 năm qua, lượng tranh Việt Nam đi thị trường quốc tế vẫn đều đặn, và không có sự đứt đoạn về nguồn cung.

Lý giải về hiện tượng tranh bán ra tăng lên trong mùa dịch-một điều tưởng như bất thường so với các ngành nghề khác, nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông, Giám đốc nghệ thuật Indochineart cho rằng, “cú hích không mong muốn” Covid 19 quả thực đã thúc đẩy tăng tốc quá trình chuyển đổi số và hoạt động thương mại điện tử một cách mạnh mẽ, thậm chí trong cả lĩnh vực mỹ thuật, nơi mà người xem thường mong muốn được sở hữu, ngắm, tận mắt tác phẩm.

Đại diện Báo An ninh Thủ đô, Công ty Indochine Art trao tặng 50 triệu đồng cùng 2 tác phẩm nghệ thuật cho Bệnh viện Thận Hà Nội
Đại diện Báo An ninh Thủ đô, Công ty Indochine Art trao tặng 50 triệu đồng cùng 2 tác phẩm nghệ thuật cho Bệnh viện Thận Hà Nội

Thay đổi này vô tình lại góp phần giúp cho hoạt động của sàn trở nên sôi động hơn. Người xem dễ dàng chấp nhận mua một bức tranh qua sàn hơn, do quen với giao dịch thương mại điện tử và có một niềm tin nhất định về mua bán online đã được hình thành từ hoàn cảnh đại dịch. Khi đã quen với giao dịch online, họ sẽ chỉ cần tìm đến một nơi uy tín để ủy thác và sẽ thấy rằng nó rất tiện lợi, giảm thiểu nhiều công sức và chi phí. Và đây là một cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp thúc đẩy doanh số bán hàng.

Cũng theo nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông, trong suốt một năm rưỡi đại dịch, lượng tranh giao dịch có phần chững lại, nhưng đến nửa cuối của năm 2021, số lượng đặt hàng online tăng gấp đôi so với đầu đại dịch (đầu 2019). Đây là một dấu hiệu hồi phục tích cực. Indochineart đã thử dùng một công cụ nhỏ test qua quảng cáo facebook thì lượng tương tác tăng 200%, mặc dù chưa chốt đơn mua. Dường như đang có một dấu hiệu “tan băng”.

Tác phẩm “Tam mã” của Vũ Đình Tuấn được đấu giá thành công tại chương trình "“Vượt qua đại dịch Covid-19” do Indochine Art và Báo An ninh Thủ đô đồng tổ chức

Tác phẩm “Tam mã” của Vũ Đình Tuấn được đấu giá thành công tại chương trình "“Vượt qua đại dịch Covid-19” do Indochine Art và Báo An ninh Thủ đô đồng tổ chức

Cũng trong đại dịch, Indochine Art và Báo An ninh Thủ đô đã tổ chức chương trình đấu giá tác phẩm “Vượt qua đại dịch Covid-19” để lại dấu ấn tốt đẹp và thu được hơn 500 triệu đồng. Chương trình đã được bắt nguồn từ sự đồng cảm và sẻ chia những khó khăn với tuyến đầu chống dịch và mong muốn đóng góp của giới tạo hình Việt Nam trước các vấn đề cấp thiết của đất nước. Trong bối cảnh các hoạt động đều “đóng băng”, một chương trình ý nghĩa diễn ra và thành công đã minh chứng cho dòng chảy nghệ thuật không ngừng nghỉ giữa những ngày cả nước gồng mình chống dịch. Các tác phẩm vẫn đến tay các nhà sưu tầm. Những phần quà và số tiền đã đến tay các bác sĩ tại các cơ sở bệnh viện trên địa bàn Hà Nội.

Indochineart là sàn giao dịch tác phẩm nghệ thuật trực tuyến

Indochineart là sàn giao dịch tác phẩm nghệ thuật trực tuyến

Nói như vậy không có nghĩa đại dịch không gây ra những khó khăn đối với các hoạt động giao dịch nghệ thuật trên thị trường. Trong đó, mảng bị ảnh hưởng lớn nhất là các tác phẩm nghệ thuật đưa vào dự án nghỉ dưỡng, khách sạn, do lĩnh vực này bị “đóng băng”. Thời điểm đầu năm 2020, giao dịch mua bán tranh trên sàn cũng có ảnh hưởng do thu nhập và mối quan tâm của khách hàng trong thời gian đại dịch có thay đổi nhiều, có thể nguyên nhân chính là do thu nhập thấp đi, và tác phẩm nghệ thuật lại không phải là mặt hàng thiết yếu.

Tuy nhiên, do khách hàng đã bắt đầu làm quen với thói quen giao dịch tác phẩm trên sàn thương mại điện tử nên đến nay, các hoạt động mua bán tranh đã diễn ra đều đều, thậm chí doanh số đang tăng lên gấp đôi. Các dự án đã bắt đầu hồi phục và dần dần quay lại quỹ đạo.