Tranh cổ động “cắt ghép”: Loay hoay tìm đầu ra!

(ANTĐ) - Đỡ tốn công vẽ tay, lại tiết kiệm được một khoản chi phí “đầu vào” đáng kể nên máy vi tính ngày càng được các họa sỹ, nhất là các họa sỹ trẻ chuộng dùng trong việc sáng tác tranh cổ động - dòng tranh vốn được coi là “đặc sản” của mỹ thuật Việt Nam. Thế nhưng, các bức tranh cổ động được làm từ công nghệ “cắt ghép” trên máy tính này lại... ế ẩm.

Tranh cổ động “cắt ghép”: Loay hoay tìm đầu ra!

(ANTĐ) - Đỡ tốn công vẽ tay, lại tiết kiệm được một khoản chi phí “đầu vào” đáng kể nên máy vi tính ngày càng được các họa sỹ, nhất là các họa sỹ trẻ chuộng dùng trong việc sáng tác tranh cổ động - dòng tranh vốn được coi là “đặc sản” của mỹ thuật Việt Nam. Thế nhưng, các bức tranh cổ động được làm từ công nghệ “cắt ghép” trên máy tính này lại... ế ẩm.

Tác phẩm tranh cổ động cắt ghép của tác giả Nguyễn Mạnh Tường
Tác phẩm tranh cổ động cắt ghép
của tác giả Nguyễn Mạnh Tường

Không chỉ là… cổ động

Tranh cổ động Việt Nam giờ đây đã trở thành “thú chơi” mỹ thuật sang trọng và niềm đam mê của không ít người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước. Quanh các khu phố cổ Hà Nội mới thấy tranh cổ động được bày bán tại các cửa hàng với mật độ dày đặc và nhộn nhịp chẳng kém gì các dòng tranh khác.

Một nhân viên bán hàng tại cửa hàng tranh cổ động “Old propaganda poster” (122 Hàng Bạc) chia sẻ, mọi người cứ nghĩ rằng tranh cổ động chỉ để treo tại các nơi công cộng với ý nghĩa tuyên truyền, cổ vũ song kỳ thực loại tranh này gần đây lại được mọi người tìm mua làm quà tặng cho nhau hay mang về trang trí làm “sang” cho ngôi nhà của mình.

Còn với những du khách nước ngoài, họ tỏ ra thích thú trước những bức tranh cổ động được bày bán ở đây bởi theo họ, chúng không chỉ lạ, bắt mắt mà hình ảnh cũng rất đẹp, còn ý tưởng thì được đánh giá là tuyệt vời. Vả lại, các bức tranh cổ động Việt Nam có bản sắc riêng mà có thể nâng lên tầm “văn hoá tranh cổ động” trên thế giới.

Dễ làm, khó bán?

Đa phần những bức tranh cổ động được các du khách nước ngoài tìm mua đều được vẽ tay về một thời đã qua như thời kỳ chiến tranh và thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc nước ta. Trong khi đó, những bức tranh cổ động được thiết kế trên máy vi tính chỉn chu, chính xác đến tuyệt đối lại ít thấy các cửa hàng bày bán.

Khi hỏi về điều này, một nhân viên bán hàng tại phố Hàng Bạc cho biết cửa hàng chỉ bày bán những tác phẩm tranh cổ động phổ biến mà mọi người vẫn biết đến, còn không mặn mà với những sáng tác của các hoạ sỹ trẻ mang tính thực hành ý tưởng và “trả bài” trên lớp bởi chúng thường rất khó bán. Hơn nữa, bản thân các du khách cũng không có nhu cầu tìm mua các tác phẩm như vậy hoặc có mua thì cũng mua với giá rất thấp.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ...

Tiềm năng là vậy song trên thực tế, đầu ra cho các tác phẩm tranh cổ động sử dụng kỹ thuật vi tính hầu như là rất khó. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - đơn vị được coi là nơi lui tới của các hoạ sỹ vẽ tranh cổ động trong một quãng một thời khá dài không sưu tầm hay mua về các tác phẩm tranh cổ động.

Còn các đơn vị Nhà nước sau mỗi cuộc vận động, sưu tầm ngoài tiền nhuận ảnh dùng trong cuộc triển lãm thì những tác phẩm này đều được sử dụng vào mục đích tuyên truyền. Như vậy, đầu ra cho tranh cổ động hầu như đều trông chờ vào thị phần mua bán các tác phẩm này với du khách trong và ngoài nước.

Thế nhưng, điều cần nói ở đây, trong khi tranh cổ động sử dụng kỹ thuật vi tính không nhận được sự ủng hộ từ phía các đối tác thì cuộc triển lãm tranh cổ động 2010 đang diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Văn hoá nghệ thuật, số 2 Hoa Lư lại cho thấy số lượng tranh cắt ghép chiếm áp đảo.

Cuộc triển lãm này cũng chứng kiến sự tham gia đông đảo của các hoạ sỹ trẻ chiếm tới 70% số lượng hoạ sỹ đã cho thấy tranh cổ động vẫn là một dòng tranh có sức hấp dẫn lớn với các hoạ sỹ trẻ. Nhưng nếu cứ tiếp diễn cách làm này, liệu tranh cổ động cắt ghép có thực sự khẳng định được sức mạnh của mình như sức mạnh vốn có của một dòng tranh sinh ra là để phục vụ nhân dân.

Phạm Thu Hương

(Còn nữa)