Tranh chấp tên cuộc thi "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam" lại ồn ào sau một thời gian "tạm lắng"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Là đơn vị khởi xướng tranh chấp tên gọi "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam" song công ty Minh Khang lại từng chủ động từ bỏ tên gọi này, đổi tên thành "Miss Peace Vietnam" ngay trước thềm đêm chung kết cuộc thi diễn ra vào tháng 9-2022. Nửa năm sau khi chẳng ai còn quan tâm đến ồn ào trên, phía công ty này lại xới lại tranh chấp cũ.

Giữa năm 2022 nổ ra một cuộc "khẩu chiến" và cả "luật chiến" giữa hai đơn vị tổ chức thi sắc đẹp là công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Minh Khang Việt Nam và công ty Sen Vàng. Cụ thể, cả hai đơn vị này đều đứng ra phát động cuộc thi với cùng tên gọi "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam". Thực chất, sự giống nhau này nằm ở việc phiên âm tiếng Việt từ 2 tên gọi tiếng Anh hoàn toàn khác nhau. Theo đó, tên gọi tiếng Anh của sân chơi do công ty Minh Khang tổ chức là "Miss Peace Vietnam" (MPV), còn cuộc thi do công ty Sen Vàng khởi xướng có tên tiếng Anh là "Miss Grand Vietnam" (MGV).

Xét về mức độ được nhiều người biết đến thì cho tới thời điểm xảy ra tranh chấp trên, Sen Vàng là đơn vị nắm giữ vị thế hàng đầu trong việc tổ chức các sân chơi sắc đẹp trong nước và cuộc thi "Miss Grand Vietnam" được đơn vị này mua bản quyền tổ chức theo format quốc tế của "Miss Grand International" - cuộc thi trước đó Nguyễn Thúc Thùy Tiên đại diện Việt Nam tham gia và đăng quang ngôi vị cao nhất vào năm 2021. Còn phía Minh Khang là cái tên mới.

Xét về sự chủ động bảo vệ tên gọi cuộc thi thì phía Minh Khang là đơn vị gửi văn bản đề nghị phía Sen Vàng điều chỉnh lại tên gọi "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam" để tránh sự trùng lặp. Đại diện công ty Minh Khang khi đó từng trưng ra hàng loạt giấy tờ văn bản chứng minh mình đã làm đầy đủ các thủ tục pháp lý để bảo hộ thành công một loạt nhãn hiệu, trong đó có nhãn hiệu "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam", đồng thời quả quyết trong trường hợp nhãn hiệu mà phía Minh Khang đăng ký bảo hộ vẫn bị xâm phạm thì đơn vị này sẽ đi đến cùng để bảo vệ bằng các biện pháp pháp lý cần thiết.

Tuy nhiên cũng chính đơn vị này tại thời điểm tháng 9-2022 (hơn 3 tháng sau khi chính thức thông tin về cuộc tranh chấp) đã chủ động từ bỏ tên "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam", đổi tên thành "Miss Peace Vietnam" ngay trước thềm đêm chung kết cuộc thi. Cú "quay xe" trước đêm chung kết cũng khiến nhà sáng lập ra cuộc thi này gặp phải không ít rắc rối với cộng đồng mạng khi bị nghi ngờ PR cho cuộc thi bằng cách khơi mào "cuộc chiến" nhưng lại chủ động rút lui.

Trong khi đó, cuộc thi do phía Sen Vàng tổ chức kết thúc sau đó vẫn giữ nguyên cả tên gọi tiếng Anh lẫn tiếng Việt là ""Miss Grand Vietnam 2022 - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022" với chiến thắng thuộc về Đoàn Thiên Ân. Thiên Ân sau đó cũng đại diện nhan sắc Việt thi "Miss Grand International 2022" và lọt vào Top 20 chung cuộc.

Ồn ào tưởng chừng đã khép lại, dư luận cũng chẳng còn ai quan tâm nữa thì mới đây phía Minh Khang lại bất ngờ xới lại tranh chấp cũ với việc công bố "kết quả giám định về việc sử dụng dấu hiệu Hoa hậu Hòa bình Việt Nam". Cụ thể đơn vị này công bố hai kết luận của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ khẳng định không có căn cứ cho thấy việc công ty Minh Khang sử dụng tên chương trình "Hoa hậu Hòa bình" là xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu "Miss Grand International" của một đơn vị tại Thái Lan mà Sen Vàng được cấp quyền cho thực hiện tổ chức cuộc thi "Miss Grand Việt Nam". Cùng với đó, phía Minh Khang khẳng định đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Vietnam Peace Bella và hình” có nghĩa là: "Hoa khôi/Hoa hậu Hòa bình Việt Nam" từ năm 2017 và được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (văn bằng bảo hộ nhãn hiệu) số 326167 ngày 06/08/2019. Vì thế, công ty Minh Khang quả quyết đơn vị này đã chuẩn bị và đáp ứng đầy đủ về mặt pháp lý để có thể tổ chức cuộc thi "Hoa Hậu Hòa bình Việt Nam – Miss Peace Vietnam". Đồng thời, cũng đã được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu đối với tên của cuộc thi.

Trên cơ sở này, phía Minh Khang cung cấp thông tin, theo kết luận NH275-22YC/KLGD mới đây của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, việc sử dụng tên chương trình "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam" của công ty Sen Vàng là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu "Vietnam Peace Bella và hình" mà Minh Khang được bảo hộ. Phía này cho biết, hiện Sen Vàng tiếp tục phát động cuộc thi "Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023", vì thế công ty Minh Khang đã gửi văn bản tới Sở VH&TT TP.HCM đề nghị không cấp phép/ chấp thuận cho Sen Vàng sử dụng tên gọi có cụm từ "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam".

Nói về việc tại sao bất ngờ từ bỏ tên gọi tranh chấp ngay trước thềm đêm chung kết cuộc thi "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022" do mình tổ chức vào tháng 9-2022, đại diện Minh Khang lý giải sở dĩ phải làm vậy để đêm thi được diễn ra một cách thuận lợi vì lúc đó vẫn chưa giải quyết xong tranh chấp. Phía này khẳng định nếu vụ tranh chấp không được hai bên giải quyết thỏa đáng và Sen Vàng không dừng tổ chức cuộc thi với tên gọi "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam" thì đơn vị này sẽ khởi kiện.

Liên quan đến vụ việc, phía Sen Vàng cũng đã có những phản hồi rõ ràng trước thông tin mà Minh Khang cung cấp cho báo giới. Theo đó, đại diện pháp lý của Sen Vàng cho biết, tên gọi “Hoa hậu Hòa bình” tại Việt Nam được biết đến là tên gọi Việt hóa của cuộc thi sắc đẹp quốc tế “Miss Grand International”. Cách gọi tên này đã được thừa nhận một cách rộng rãi và liên tục từ năm 2013 đến nay. Bản thân Sen Vàng cũng đảm nhận vai trò dẫn dắt thí sinh Việt Nam tham gia "Miss Grand International" trong nhiều năm liền và mang về nhiều thành tích đáng kể. Nổi bật nhất là việc Nguyễn Thúc Thùy Tiên đăng quang "Miss Grand International 2021" tạo nên tiếng vang và niềm tự hào cho sắc đẹp Việt.

Cùng với đó, phía Sen Vàng đã thành công trong việc nhận được cấp phép của chủ sở hữu, đơn vị tổ chức "Miss Grand International" để tổ chức một cuộc thi quy mô quốc gia nhằm tuyển chọn và đào tạo những người đẹp có đầy đủ vẻ đẹp và trí tuệ để đại diện Việt Nam tham gia đấu trường sắc đẹp quốc tế này. Trên cơ sở đó, Sen Vàng đã thực hiện thủ tục pháp lý và được Sở VH&TT TP.HCM chấp thuận cho tổ chức cuộc thi “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam – Miss Grand Vietnam” năm 2022.

Về việc tranh chấp tên gọi “Hoa hậu Hòa bình” giữa Sen Vàng và Minh Khang diễn ra từ năm 2022, đại diện Sen Vàng khẳng định, trải qua nhiều lần trao đổi, làm việc giữa các bên và làm việc với cơ quan Nhà nước, cho đến hiện nay, Sen Vàng mới là đơn vị được cấp phép để tổ chức cuộc thi người đẹp có tên tiếng Việt là “Hoa Hậu Hòa bình Việt Nam”.

"Chúng tôi có các tài liệu và cơ sở để khẳng định việc công ty Sen Vàng sử dụng tên gọi 'Hoa hậu Hòa bình' là hợp pháp. Đối với các thông tin và/hoặc cáo buộc không chính xác, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Sen Vàng, chúng tôi sẽ sử dụng mọi biện pháp pháp lý cần thiết để giải quyết trong khuôn khổ pháp luật." - đại diện pháp lý của công ty Sen Vàng bày tỏ, đồng thời cho rằng chủ đề này đã được khép lại vào năm 2022 khi tên gọi “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” được cơ quan Nhà nước lẫn công chúng chấp thuận là tên gọi Việt hóa của cuộc thi "Miss Grand Vietnam".

Đặc biệt, phía Sen Vàng cho biết vẫn sẽ tiến hành tổ chức cuộc thi "Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nanm 2023" theo kế hoạch dự kiến để tìm ra đại diện tốt nhất của Việt Nam tại cuộc thi "Miss Grand International – Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2023".

Đáng chú ý, phía Minh Khang có tiết lộ về việc sở dĩ phải giải quyết dứt điểm tranh chấp này cũng là vì năm 2024 đơn vị này sẽ đứng ra tổ chức cuộc thi "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam" với chủ đề "Sinh viên Việt Nam khởi nghiệp vì hòa bình".

Liên quan đến tranh chấp hy hữu trên, phía Cục Bản quyền tác giả - Bộ VHTT&DL cho biết, mặc dù tên gọi của các tác phẩm không phải là một đối tượng độc lập được bảo hộ theo điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ, nhưng trên thực tế vừa qua cũng đã có tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng việc này để gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác. Để tránh xảy ra những vụ việc tương tự, trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan đang trình các cấp có thẩm quyền lên Chính phủ để ban hành thực thi luật đã có một điều bổ sung trong quy định về tên gọi của các tác phẩm. Đó là quy định đối với việc đặt tên cho tác phẩm thì không được vi phạm khoản 2 điều 7 của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan.

Theo đại diện Cục Bản quyền tác giả, đây là nội dung được bổ sung cho chặt chẽ trong quy định của pháp luật nhằm hạn chế những tranh chấp tương tự như trường hợp tên gọi cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.