Trần Lực kể chuyện "nuôi con khỏe, dạy con ngoan"

ANTD.VN - Nếu như khán giả của “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” biết đến đạo diễn Trần Lực với vai trò là “trợ lý” của chàng Bờm nhắng nhít thì ngoài đời, ông bố này còn là “vệ sỹ bất đắc dĩ” của 2 cậu con trai và 1 cô con gái siêu nhiều chuyện, hay lý sự nhưng cũng rất hồn nhiên, đáng yêu. 

Một trong những khoảnh khắc đáng yêu của gia đình Trần Lực

“Gia tài” của Trần Lực

Có lẽ trong giới showbiz, hiếm có một gia đình lúc nào cũng “náo nhiệt” như gia đình Trần Lực. Bỏ lại sau lưng 2 cuộc hôn nhân tan vỡ, ngoài cậu con trai cả Trần Hoàng nay đã trưởng thành, Trần Lực hiện đang có một tổ ấm hạnh phúc bên cạnh vợ cùng 3 đứa trẻ xinh xắn.

Nếu như khán giả theo dõi chương trình “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” đã quen mặt với cậu bé Bờm (tên thật Trần Tú) luôn tò mò với thế giới xung quanh, thì chắc hẳn cũng không xa lạ gì với 2 thiên thần khác của anh, đó là cô con gái cả Bông (Trần Mỹ Anh) điệu đà và Bách (Trần Bách), cậu em út rắc rối của cả nhà. 

Do cũng sàn sàn bằng tuổi nhau nên lũ trẻ 3B này luôn nghĩ ra đủ trò quấy phá, nghịch ngợm khiến cho bố mẹ không ít phen mướt mồ hôi. Trong khi bà mẹ Mỹ Trang khá nghiêm khắc và sẵn sàng ra tay “trừng trị” những kẻ nổi loạn trong nhà, thì Trần Lực thường áp dụng những biện pháp mềm mỏng hơn để dỗ dành các con.

Chẳng hạn khi thấy mẹ hò hét đủ kiểu mà lũ trẻ không chịu ăn cơm, ông bố lao đến diễn vai “người hùng” để… giải cứu, nhưng thực chất là để lũ trẻ quên mất mình đang bị quở mắng và cứ thế vui vẻ hợp tác để mẹ xúc cơm. Có lẽ hai thái cực tương hỗ này giúp cho gia đình vị đạo diễn 55 tuổi duy trì được “kỷ cương” cũng như những tiếng cười không ngớt trong ngôi nhà bé nhỏ.  

Với riêng Trần Lực, có một điều khó khăn hơn so với các ông bố khác, là khoảng cách tuổi tác giữa anh và các con (anh hơn cậu út đúng 50 tuổi). Nhưng không vì vậy mà anh hay tỏ quyền uy với các con, mà luôn luôn đặt mình vào vị trí là người bạn thân thiết của chúng.

Trên facebook, Trần Lực thường chia sẻ những mẩu chuyện nho nhỏ, những đoạn video về những đứa con của mình, từ chuyện ở trường, ở lớp với thầy cô, bạn bè, cho đến những cắc cớ thường ngày của bọn trẻ.

Tất tật những thắc mắc của tụi trẻ đều được ông bố lắng nghe và trả lời một cách rất hài hước, ít khi né tránh. Kể cả những chuyện khó nhằn như “vì sao bố nhiều vợ thế” hay chuyện “vì sao bố toàn đóng phim với những phụ nữ đẹp”… 

Lũ trẻ 3B tinh nghịch của ông bố Trần Lực 

Những phút yếu lòng

Trong gia đình Trần Lực, có một điều rất thú vị là 4 bố con và mẹ thường đứng ở 2 phía đối nghịch nhau. Chị Mỹ Trang - vợ của anh thường được mấy bố con ngấm ngầm gọi là cô Thủy. Điều này được giải thích hài hước bằng hình ảnh phù thủy cưỡi chổi, nhưng “vì bị mẹ mắng mấy lần nên bố con cháu gọi là cô Thủy cho nó nhẹ nhàng”.

Ngoài sự “thống trị” không bàn cãi của mẹ, thì như lời của ông bố 55 tuổi, ngay trong nội bộ lũ trẻ cũng chia làm 2 phe rõ rệt. Cô chị cả Bông và cậu em Bờm luôn bày đủ trò để trêu bố. Còn cậu em út Bách thì luôn sẵn sàng chiến đấu với hai anh chị để bảo vệ bố - người hùng trong mắt cu cậu. 

Có một kỷ niệm với cậu con trai Bách làm Trần Lực vô cùng xúc động. Đó là một hôm, khi anh lỡ quá chén về nhà với đôi mắt nặng trĩu. Trong khi 2 chị em Bông, Bờm thì thi nhau làm trò để phá vỡ giấc ngủ quý giá của bố thì Bách, dù nhỏ tuổi nhất nhưng lại có hành động rất “cụ non” là kéo chăn lên đắp cho bố để bố khỏi lạnh. Chỉ một hành động đó thôi khiến ông bố hạnh phúc dâng trào. 

Trần Lực tâm sự, hơn ai hết, anh là người thấu hiểu nỗi thiệt thòi của các con khi sinh ra trong một gia đình đông con, phải sớm san sẻ tình yêu thương và sự quan tâm của bố và mẹ. Trần Lực kể, khi vợ anh sinh Bờm thì cô con gái Bông mới được 15 tháng tuổi. Khi anh đưa cô bé vào viện để thăm mẹ và em, cô bé chẳng chịu nói năng gì.

Trông vậy, anh rất thương con, vì biết con còn nhỏ mà đã chịu áp lực tình cảm. Nhưng thật may mắn là Bông cũng phần nào hiểu được điều đó nên khá nhường nhịn các em và cũng ra dáng chị lớn khi chỉ kín đáo bày tỏ tình cảm với bố mình.  

Trần Lực tâm sự: “Tôi cũng như các ông bố, bà mẹ khác là rất yêu con. Các con của tôi sau này sẽ phải “chiến đấu” với rất nhiều chuyện. Chuyện công việc, chuyện tình cảm, rồi chuyện nọ chuyện kia… Sẽ đến lúc chúng gặp phải điều gì đó phải suy nghĩ, trăn trở. Tôi luôn dạy các con tôi, hãy nhớ lại những năm tháng tuổi thơ, để thấy rằng những khó khăn này không có gì to tát cả, vì chúng ta đã sống giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời mình”.