Trại có 4 người...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xin được nói luôn là “trại” ở đây là “Trại sáng tác kịch bản điện ảnh 2022” do Hội Điện ảnh Việt Nam kết hợp với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Bạc Liêu tổ chức hồi cuối tháng 11/2022 vừa rồi. Và “trại” có 26 trại viên, nhưng 4 người mà tôi nói ở đây là 4 trại viên đã từng là chiến sĩ công an và có nhiều tác phẩm viết về lực lượng Công an nhân dân.

1. Người đầu tiên tôi muốn nói tới là Đạo diễn Huỳnh Công Danh. Ông là hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam và hiện là Giám đốc Hãng phim Chợ Lớn ở TP.HCM. Ông Danh quê ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Thời chống Mỹ quê ông là vùng giải phóng nên khi vừa tròn 18 tuổi chàng trai trẻ miền sông nước ấy đã theo mấy anh, mấy chú vô rừng làm du kích. Ông Danh cười vui cho biết: “Đó là hồi đầu năm bảy mươi” (1970). Cậu du kích Danh trưởng thành theo năm tháng và cũng theo năm tháng mà đến những ngày tháng 4-1975, từ cậu du kích “chợt” trở thành anh giải phóng quân.

Theo đại quân tiến vào Sài Gòn, đơn vị của ông Danh được chuyển sang công an, bổ sung cho lực lượng công an của thành phố mang tên Bác. Những tháng ngày công tác tại Công an quận 5 đối với ông Danh là quãng thời sôi động với nhiều câu chuyện vừa đáng nhớ, vừa hấp dẫn. Có lẽ như vậy nên những “câu chuyện công an” tưởng chừng khô khan hay phức tạp lại được ông lưu giữ trong lòng. Ông kể: “Ở Bạc Liêu quê tôi dường như ai cũng biết ca vọng cổ, ai cũng biết ngón đờn”.

Nghe ông nói thế tôi tin ngay, bởi dịp dự Trại sáng tác của Hội Điện ảnh Việt Nam chúng tôi đã nhiều lần được các anh, các chị trong Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu đưa đi thăm các làng quê, các căn cứ kháng chiến, di tích lịch sử văn hoa và cả các chùa của người Việt, người Hoa, người Khmer. Đúng là đi tới đâu sau buổi làm việc thì đều được đãi một chầu đã đời đờn ca tài tử. Điều lý thú là những tài tử đờn ca đó lại chính là những cán bộ thôn, cán bộ xã và cả cán bộ huyện. Khi đã ôm lấy cây đờn hay đứng lên cầm mic thì tất cả họ đều là những tay đờn, giọng ca vô cùng mùi mẫn.

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan (bên trái) cùng các thành viên trong Trại sáng tác kịch bản điện ảnh 2022 nghe ông Bảy Khoa kể chuyện tại Đền thờ Bác Hồ

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan (bên trái) cùng các thành viên trong Trại sáng tác kịch bản điện ảnh 2022 nghe ông Bảy Khoa kể chuyện tại Đền thờ Bác Hồ

Ông Huỳnh Công Danh cũng vậy, được nghe vọng cổ từ nhỏ, được hát vọng cổ từ khi vào đời nên hễ có dịp rảnh rỗi là ông lại ca. Vậy nên, sau khi hoàn thành công việc của lực lượng công an thì ông Danh “hiện nguyên hình” là một tài tử vọng cổ. Hãng phim Chợ Lớn do ông làm Giám đốc ngoài những bộ phim truyện, phim tài liệu ra thì những bộ phim chuyên về văn hóa miền Tây được rất nhiều đài truyền hình trong khu vực phát sóng. Lần về quê này cùng “trại”, với tư cách là trại viên nên ông Danh cũng tranh thủ ghi chép, tìm hiểu. Ông cho biết: “Nói về đời sống văn hóa của người miền Tây sẽ chẳng bao giờ hết được. Ngay đến tôi là người địa phương mà đôi khi cũng thấy bất ngờ. Hy vọng sau lần đi “trại” này, cá nhân tôi và hãng phim của chúng tôi sẽ có những tác phẩm mới và hấp dẫn”.

2. Người thứ hai mà tôi muốn nói tới là chàng trai trẻ sinh năm 1983 tên Trần Kim Khôi - một biên kịch sân khấu và phim tài liệu. Kim Khôi học Khoa Đạo diễn sân khấu, trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM, quê mãi tận thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tốt nghiệp xong, Kim Khôi ở lại thành phố để lập nghiệp. Hoạt động sân khấu là chính nhưng thỉnh thoảng Khôi lại nhảy sang lĩnh vực điện ảnh.

Anh viết kịch bản cho những bộ phim tài liệu mà theo anh tâm sự thì “mỗi loại hình nghệ thuật có thế mạnh riêng. Những nội dung tôi thấy sân khấu không truyền tải hết nên thử với điện ảnh và truyền hình”. Nói là thử thế thôi, chứ những kịch bản phim tài liệu do Kim Khôi viết lại không phải để thử chút nào. Đó là những đề tài nhìn bề ngoài sẽ thấy khó khăn bởi đều mang những nội dung mà Kim Khôi là người “ngoại đạo”. Anh viết kịch bản sân khấu và phim tài liệu truyền hình khá nhiều, đề tài phần nhiều công an, một đề tài mà như anh thừa nhận là: “Tôi vừa viết vừa học. Vừa viết vừa hiểu về lực lượng công an”.

Và những vở kịch như: “Thu Khùng” (sân khấu Hồng Vân dàn dựng năm 2012), “Bông hồng vàng” (sân khấu Thế giới trẻ dàn dựng năm 2015) đã tham dự Hội diễn hình tượng người chiến sĩ công an lần thứ 3 tại Hà Nội. Vở diễn đoạt 2 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc. Các kịch bản do Kim Khôi viết dần dần bén chặt với đề tài Công an nhân dân. Một loạt các tác phẩm đã ra đời như: “Chạy”, “Con Mõ”, “Chảy về đâu”… Có lẽ vì bén duyên với lực lượng Công an nhân dân nên Kim Khôi được Bộ Công an nhiều lần mời tham dự các trại sáng tác do Bộ tổ chức. Anh kể cho tôi về những “trại” mà anh được tham dự như năm 2016 ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) năm 2019 ở Hà Nội, rồi đi qua các tỉnh miền Trung tới tận thành phố Đà Lạt.

Tác giả (bên phải) trò chuyện với đạo diễn Huỳnh Công Danh (chính giữa) và soạn giả Đăng Minh (bên trái) tại Trại sáng tác kịch bản điện ảnh 2022

Tác giả (bên phải) trò chuyện với đạo diễn Huỳnh Công Danh (chính giữa) và soạn giả Đăng Minh (bên trái) tại Trại sáng tác kịch bản điện ảnh 2022

3. Người thứ ba mà tôi muốn giới thiệu là soạn giả Đăng Minh. Giới thiệu về người đàn ông tuổi Ất Mùi (1955) này, mọi người đều nói đó là “một người nặng lòng với cải lương”. Khi mới lên 6 tuổi, chú bé Nguyễn Văn Tươi đã biết ca vọng cổ và được cha mình dẫn ra khỏi ngôi nhà nhỏ ở xã An Cơ, huyên Châu Thành, tỉnh Tây Ninh để đi nghe các cô, các chú chơi đờn. Rồi khi 15 tuổi được học đờn ca tài tử từ thầy Út Trọn. Nói chuyện với tôi, ông Đăng Minh cho biết: “Năm 1973 tôi theo đoàn Cải lương Sông Hương với mục đích là để… trốn lính”. Mà anh trai mê vọng cổ ấy trốn lính thật, anh bỏ về quê Tây Ninh được một thời gian ngăn thì giải phóng. Hồ hởi với ngày mới, lại sẵn mê vọng cổ nên năm 1976 Nguyễn Văn Tươi gia nhập Đoàn Văn công tỉnh Tây Ninh khi chưa qua trường lớp nào. Từ đây nghệ danh Đăng Minh ra đời. Và năm 1984 như một duyên số, nghệ sĩ trẻ Đăng Minh được mời về đoàn Cải lương Trung Hiếu của CATP Hồ Chí Minh. Anh thành “người chiến sĩ công an hát cải lương” từ đấy.

Cùng năm đó, người thầy của Đăng Minh là soạn giả Hoa Phượng qua đời. Anh quyết định tri ân thầy dạy bằng cách viết kịch bản cải lương, đầu tiên là chuyển thể vở cải lương “Chiến công thầm lặng” từ vở kịch cùng tên ra mắt công chúng (vở kịch nói “Chiến công thầm lặng” sau này được làm thành phim “Bản danh sách điệp viên”). Đăng Minh viết khá nhiều kịch bản cho sân khấu cải lương, điều thú vị là các vở đó hầu hết viết về lực lượng Công an nhân dân với những chiến công giữ gìn bình yên cuộc sống như: “Vụ án Mã Ngưu”, “Lệnh truy nã”, “Tình không biên giới”, “Giữ trọn tình anh”… Sau tròn 10 gắn bó với Đoàn Cải lương Trung Hiếu của Công an TP Hồ Chí Minh thì Đăng Minh rời đoàn. Lý do là công tác tổ chức có thay đổi, đoàn được sắp xếp lại và Đăng Minh được cử đi học đạo diễn tại trường Sân khấu điện ảnh TP.HCM. Từ đó, ông bước hẳn sang công tác kịch bản và đạo diễn.

4. Người cuối cùng mà tôi muốn nói tới là “Ni cô Huyền Trang” của “Biệt động Sài Gòn”. Năm nay đã sang tuổi 72 những Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan vẫn hăng say làm phim như hồi chị còn làm Phó Giám đốc Điện ảnh Công an nhân dân. Chị vẫn tích cực đi cơ sở và cho hay: “Làm phim tài liệu, nhất là phim tài liệu thời sự, nếu không đi cơ sở thì không thể làm được”. Điều tâm sự của chị là chính xác bởi phim tài liệu luôn phản ánh chân thực đời sống xã hội.

Lần dự trại này cứ tưởng Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan đi với vai trò Ủy viên Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam và là Trưởng Ban hội viên, hóa ra không hẳn vậy. Chị đi theo mọi người là để thu thập tài liệu. Mãi đến lúc chia tay thì Thanh Loan mới “bật mí” về bộ phim tài liệu mà chị dự định sau chuyến đi này sẽ bắt tay vào viết kịch bản và kế hoạch làm phim. Bộ phim chưa kịp đặt tên, nhưng nội dung nói về một chiến sĩ du kích thời kỳ kháng chiến chống Mỹ bị thương phải về làng và suốt 50 năm tự nguyện làm người trông coi Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Thì ra chị vẫn canh cánh, vẫn nặng lòng với những người từng một thời áo lính. Thanh Loan cho hay: “16 tuổi tôi nhập ngũ và 27 tuổi thành cô công an cho đến ngày về hưu”.