Tòa án gia đình - đáp án của “bài toán” khó

ANTĐ - Trẻ vị thành niên phạm tội đang là mối lo của xã hội và cần thiết thành lập Tòa án gia đình để giải quyết vấn đề này. Đó là ý kiến của bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khi trao đổi với phóng viên ANTĐ.

Tòa án gia đình - đáp án của “bài toán” khó ảnh 1

- PV: Hoạt động phạm tội ở  lứa tuổi vị thành niên đang có những diễn biến phức tạp, bà đánh giá vấn đề này  thế nào?

- Bà Ngô Thị Minh: Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng gia tăng là dấu hiệu cho thấy, cần có sự quan tâm của toàn xã hội. Các loại tội trẻ em gây ra rất nghiêm trọng, trong đó có nhiều trọng án. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một phần do các em đã chơi game mang tính chất bạo lực quá nhiều. Hiện vẫn chưa có cách nào quản lý chặt game online bạo lực. Khi xảy ra những va chạm, mâu thuẫn không lớn, các em sẵn sàng dùng bạo lực. Nếu không ngăn chặn kịp thời, ranh giới giữa mâu thuẫn xô xát và cách hành xử bạo lực với hành vi phạm tội là rất ngắn. Một nguyên nhân khác là phim ảnh bạo lực. Điều này cho thấy vấn đề giáo dục rất quan trọng. Gia đình, nhà trường và xã hội đều phải thấy được trách nhiệm đối với con trẻ. 

- Bà có nhận xét gì về vai trò của nhà trường và gia đình trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc trẻ em hiện nay?

- Nhà trường vẫn nặng về dạy kiến thức, nên giáo dục đạo đức cho các em vẫn chưa được như mong muốn. Giáo dục kỹ năng sống cho con trẻ như kỹ năng ứng xử, biết cách xử lý các tình huống và đối phó với những vấn đề phức tạp gặp phải trong cuộc sống rất cần thiết. Cần tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong công tác giáo dục trẻ em. Khi các em có những biểu hiện hành vi mang tính chất bạo lực, đi chệch hướng trong lối sống phải uốn nắn ngay. Nhiều gia đình hiện nay còn mải mê làm ăn, chưa biết cách quản lý con em và để chúng sử dụng quỹ thời gian nhàn rỗi vào những việc vô bổ. Tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội gia tăng thể hiện trách nhiệm của gia đình chưa đầy đủ. Nhiều gia đình còn ỷ lại việc chăm sóc, giáo dục con em họ cho xã hội. 

Cần thêm những kỹ năng sống trong giáo dục tại nhà trường

- Đối với vai trò của xã hội thì sao, theo bà?

- Đối với cách giáo dục ngoài nhà trường, vẫn chưa có các tòa án tư pháp cho trẻ em. Hiện đang xây dựng Đề án thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên, tôi rất mong đề án này nhanh chóng được  phê duyệt. Tòa án gia đình thể hiện cán cân công lý và đây cũng là tòa án thân thiện với trẻ em để kết hợp giáo dục trẻ em hư. Bởi lẽ, từ trẻ em hư sang trẻ em phạm tội rất gần và đây cũng là trách nhiệm của các tổ chức xã hội. Theo tôi, Tòa án gia đình và người chưa thành niên cần ra đời càng sớm càng tốt. 

- Giải pháp nào để giải quyết vấn đề trẻ vị thành niên phạm tội hiện nay?

- Thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên là giải pháp đầu tiên. Mặt khác, cần quan tâm đến vấn đề gia đình. Chúng tôi nhận được nhiều ý kiến cử tri thắc mắc về vấn đề gia đình, trẻ em và cho rằng vấn đề này nên để một Bộ quản lý, chứ không cắt khúc như hiện nay. Do vậy, phải kết hợp giữa giáo dục, chăm sóc trẻ em với gia đình và bằng chính những kiến thức, kỹ năng giáo dục, nuôi dạy con cái của gia đình. Những người làm cha, mẹ, những nam, nữ thanh niên chuẩn bị bước vào tuổi hôn nhân, đều phải được trang bị kiến thức trong lĩnh vực này. Đối với nhà trường, phải coi trọng giáo dục kỹ năng sống và có chính sách thỏa đáng để giáo dục kỹ năng sống cho các em. Các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội cũng cần quan tâm sâu hơn đến giáo dục trẻ em hư, nhất là tại cộng đồng dân cư.