Tố Như chiêm bao được hái sen Tây hồ

(ANTĐ) - Kể từ khi rời Thủ đô Thăng Long, sau bao năm tháng lận đận, bởi “Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên”(Khí phách và miếng cơm tấm áo cùng  bị giằng xé) Nguyễn Du đành vào Phú Xuân (1803) làm quan cho triều đình nhà Nguyễn và vua Gia Long với tâm trạng “cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần đến đâu?” Tuy vậy, nỗi lòng thương nhớ đất cố đô không bao giờ nguôi ngoai trong lòng nhà thơ. Có nhiều duyên cớ trong niềm lưu luyến cảnh cũ người xưa, mà nhớ Tây Hồ những buổi đi hái sen cùng các bạn gái có lẽ là sâu nặng dạt dào hơn chăng? Cảm xúc canh cánh kéo tận vào những giấc chiêm bao đầy mộng mị. 

Tố Như chiêm bao được hái sen Tây hồ

(ANTĐ) - Kể từ khi rời Thủ đô Thăng Long, sau bao năm tháng lận đận, bởi “Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên”(Khí phách và miếng cơm tấm áo cùng  bị giằng xé) Nguyễn Du đành vào Phú Xuân (1803) làm quan cho triều đình nhà Nguyễn và vua Gia Long với tâm trạng “cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần đến đâu?” Tuy vậy, nỗi lòng thương nhớ đất cố đô không bao giờ nguôi ngoai trong lòng nhà thơ. Có nhiều duyên cớ trong niềm lưu luyến cảnh cũ người xưa, mà nhớ Tây Hồ những buổi đi hái sen cùng các bạn gái có lẽ là sâu nặng dạt dào hơn chăng? Cảm xúc canh cánh kéo tận vào những giấc chiêm bao đầy mộng mị. 

Chùm thơ 5 bài ngũ ngôn tứ tuyệt liên hoàn viết bằng chữ Hán: “Mộng đắc thái liên (Chiêm bao được hái sen, Mơ được hái sen)(1) của Tố Như được viết vào năm 1805 tại Phú Xuân được tuyển trong “Nam Trung tạp ngâm”.

Vốn sinh ra (1766 - 1820) và lớn lên trong dinh thự của đại gia đình Tể tướng Nguyễn Nghiễm tại phường Bích Câu, Kinh đô Thăng Long thời vua Lê, chúa Trịnh. Nhà thơ tương lai từng ngày cắp sách đến trường giùi mài kinh sử, từng kết thân bạn bè lứa tuổi niên thiếu trên miền đất văn hoá truyền thống ngàn năm hội tụ. Biết bao kỉ niệm êm đềm nên thơ thuở mộng mơ không thể mờ phai trong tâm khảm; tại thành Phú Xuân xa xôi, vắng lặng, có lẽ những đêm dài không ngủ trọn giấc, nhà thơ lại mơ tưởng về chốn Thăng Long ngày nào, bỗng nhớ tình, nhớ cảnh, nhớ người trong nỗi buồn mông lung, man mác, rồi vùng dậy viết thơ:(2)                               

“Sáng nay đi hái sen,

Bèn hẹn với cô gái láng giềng phía đông.

Chẳng biết có đến hay không,

Cách hoa nghe tiếng nói cười”.

(Đào Duy Anh dịch nghĩa)

“Kim thần khứ thái liên

Nãi ước đông lân nữ .

Bất tri lai bất tri,       

Cách hoa văn tiếu ngữ.”    

Mơ về buổi hái sen cùng cô láng giềng xinh xắn năm nào, từ quá khứ quay về hiện tại, nhà thơ dường như đang đối thoại cùng bạn gái hái hoa chốn Tây Hồ: Cách hoa nghe tiếng nói cười của bạn bè cùng trang lứa; phải chăng nơi đây chàng trai họ Nguyễn từng mở rộng tâm hồn sẵn sàng đón gió yêu thương giữa bát ngát mây trời:

“Hái, hái sen Hồ Tây.

Hoa và gương đều để trên thuyền.

Hoa để tặng người mình sợ,

Gương để tặng người mình thương”.

Quả là nên thơ, nên họa, nhất là với con người đa cảm, đa tình như Tố Như. Chùm thơ tuy đã cách xa chúng ta hơn hai trăm năm, song đọc lại vẫn thấy hình tượng thơ ngời sáng, sinh động, bay bổng như đang diễn ra hôm nào giữa đôi thanh niên nam nữ đất Thăng Long ở thế kỉ XXI này...

Sáng nay đi hái sen...

Cách hoa nghe tiếng cười.

Hồn nhiên như trong mộng, cảnh vật hoà lẫn tiếng cười đầy thi vị. Dù cho nhà thơ đang trú tại đất sông Hương núi Ngự trữ tình đến mấy, song lòng vẫn buồn nhớ về một quá khứ vàng son êm đềm đã mất, như muốn gửi gắm tới ai đó nỗi niềm nhớ thương trẻ trung đôi lứa chốn Tây Hồ bãng lãng mây khói tự thuở nào!                            

Buộc chặt quần cánh bướm

Hái sen chèo thuyền con.

Nước hồ sao mà đầy ắp? 

Trong nước có bóng người.

Vừa hiện thực, vừa lãng mạn, từ hình ảnh có thực ngày nào, rồi liên tưởng xa xa, nhớ về người cùng đi hái sen, cùng biết yêu hoa sen, song cứ mãi băn khoăn chẳng hiểu ai đó có giữ mãi được tình yêu không? Mông lung, man mác, nhà thơ tự trải lòng mình thao thức hiển hiện trong giấc Chiêm bao được hái sen: 

Cùng biết yêu hoa sen ,   

Trong cọng có tơ thật, 

Có ai yêu cọng sen ?

Vấn vương không thể dứt.

Rồi lại bâng quơ nghĩ ngợi miên man đặt câu hỏi vấn vương, mà biết trước là không lời giải đáp:                   

Lá sen sao xanh xanh!

Hoa sen sao đầy đặn,

Hái sen chớ tổn thương đến ngó,

Mà sang năm khôn sinh lại được.

Giữa bầu trời cao rộng, sóng nước mênh mông “Lá sen sao xanh xanh. Hoa sen sao đầy đặn” đan xen hòa quyện men say tình người lay động hồn thơ trẻ lai láng hương sen thơm ngào ngạt. Đấy là phong cảnh Tây Hồ một thuở nào; và đấy cũng là nỗi buồn lưu luyến muốn hướng về cố đô với bao trìu mến của tấm lòng nhà thơ. Giấc chiêm bao từ mảnh đất mới Phú Xuân, nhớ về chốn cũ Thăng Long, quên sao được bao tháng ngày vui vẻ, rộn ràng của tuổi trẻ đang ùa về chiếm lĩnh trái tim đầy tiếc nuối những gì đã qua. Cuộc sống nên thơ một thời của Tố Như - con người tài hoa tột bậc - đã để lại cho đời sau một bức tranh thuỷ mặc Tây Hồ xa xưa, mà vẫn gần gũi...

Vẫn có điều khác mà giống thời hiện đại, nhà thơ-chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ thiết tha thốt lên:   

...Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long!  

 PGS-TS Nguyễn Trường Lịch

(1+2): Chùm thơ nhan đề Mộng đắc thái liên (Chiêm bao được hái sen) gồm 5 bài đều do Đào Duy Anh dịch nghĩa - dẫn từ cuốn “Nguyễn Du - Thơ chữ Hán”, Nxb. Văn học - tr145/391