Kỷ niệm 11 năm ngày mất của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn

Tình yêu vô hạn trên cõi đời này

ANTĐ - Là kẻ hậu sinh, ngoại đạo với nghệ thuật, nông cạn trước cuộc đời, trước thân phận nên tôi không dám nói hiểu sâu bản chất của mỗi con người như Trịnh Công Sơn. Nhưng cũng vì là một con người, có một thân phận, một trái tim; Trịnh Công Sơn chắc chắn cũng cho phép tôi vay mượn, nương tựa vào niềm yêu, nỗi đau “vô hạn” của ông để góp phần làm cho tình yêu thêm “vô hạn” trên cõi đời này.

Người xưa thường lấy khẩu khí những lời văn chương để soi chiếu vào đời tác giả như một sự tiên tri, ứng vận. Đó gọi là sái. Đám trẻ đi học viết câu đối. Từ câu đối mà thày đồ biết ai làm quan, đứa nào làm giặc, đứa nào nặng lòng hoa liễu… Ngay cụ Nguyễn Du xưa cũng viết trong “Độc tiểu thanh ký” rằng “Văn chương vô mệnh lụy phần dư” tức là văn chương không phải là số mệnh, không làm nên số mệnh nhưng cũng có thể làm liên lụy đến đời người như cái mệnh vậy. Từ đấy mà tôi ngờ rằng Trịnh Công Sơn cũng gặp sái trong tác phẩm của mình.

Hình như cái thời son trẻ sung sức và tràn trề nhựa sống nhất của mình, Trịnh Công Sơn đã viết “Nối vòng tay lớn” với những lời: “rừng núi dang tay nối dài biển xa” hay  “mặt đất bao la, anh em ta về; gặp nhau mừng như bão táp quay cuồng…”. Âm nhạc và ngôn ý của ông trong sáng, hào hứng, làm bật lên cái tinh thần mãnh liệt không vướng bận. Tôi cho rằng lúc ấy, ông không có ý tuyên xưng mình, không triết nghĩa. Thế nhưng những lời ca ý nhạc ấy chính là con người thật nhất của ông khi mở cửa vào cõi đời này. Đó là một con người có trái tim cuồng nhiệt nhưng nhân hậu và bác ái vô cùng. Một con người có đôi mắt chạy theo tần sóng không biên giới của một con tim lớn.

Song cũng như chính ông viết “thân phận thì hữu hạn” nên mỗi thân phận chỉ là hạt bụi hóa kiếp. Sự nghiệt ngã, quay quắt của đời, nỗi trầm luân của kiếp người không thể bỏ quên trái tim cuồng vọng với tình yêu. Và ngay cả trong tình yêu cũng là những cây thập giá. Vậy nên trái tim ông đã bị những đinh dài nhọn sắc của tình yêu đâm xuyên vào thập giá đau thương. Thế là tình yêu bay xa “như cánh vạc”, nỗi nhớ thương gào lên như biển. Có lẽ phần dài lâu nhất trong đời Trịnh Công Sơn chính là nỗi nhớ tiếc và dằn vặt về tình yêu. 

Tình yêu lại cứu chuộc ông như những ngày tháng “vui chơi trong cuộc đời này”  bỗng nhiên chấm dứt bởi vì “anh nằm xuống” khi “vườn cỏ còn xanh”, khi “mặt trời vừa lên”, khi “bạn bè còn đó”... Có phải là lời tuyệt mệnh đau thương nhưng lộng lẫy ấy Trịnh Công Sơn đã viết cho chính mình khi ông còn mênh mông sức mạnh?

Lại ngẫm: Người xưa có kiểu hay lấy những lời nửa thực nửa hư, thậm chí dân giã bình thường đến khó ngờ của những bậc thánh nhân làm lời tiên tri cho thế cuộc, nhân sinh hay vũ trụ. Những lời đó thường gọi là Sấm. Lời sấm truyền dân gian xem như lời thánh. Cái nét văn hóa dân gian huyền bí ấy có lần tôi được nghe người ta ví von cho nhạc Trịnh Công Sơn. Tất nhiên đó là câu chuyện cường điệu chốn dân gian để tỏ cái lòng ngưỡng vọng, thương yêu tiếc nuối và kính trọng với ông, với thơ ca, âm nhạc của ông. 

Nhưng cũng ở đấy người đời thấp thoáng thấy cái bóng xa xa của nhân tình, một cái “tà áo của tình yêu” trong thời cuộc mới, cho các thế hệ trẻ và cho chúng ta hôm nay). Đó không phải là lời thánh, là tư tưởng triết học mà là “kiến thức” và “tầm nhìn” của một trái tim lớn không ngừng son sắt với tình yêu, với hòa bình, phải chăng đó là “sấm” của Trịnh Công Sơn?

Nếu ai tin vậy thì sẽ là câu chuyện của tình yêu đôi lứa trong tình yêu cộng đồng, tình yêu của người với người và tình yêu của nhân loại với vạn vật. Đó là hòa bình.