Xem kịch nói “Nhà có 5 anh em trai”:

Tình yêu và lòng bao dung

ANTĐ - Lối dựng vở mang màu sắc hiện đại, đi sâu khai thác cái tôi của 5 người đàn ông trong một gia đình, đạo diễn Anh Tú đã thành công khi chuyển tải nguyên vẹn chất hiện thực nghiệt ngã của cuộc sống được dồn nén trong giọng văn rất bình thản của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ở truyện ngắn “Không có vua”. Vở kịch nói “Nhà có 5 anh em trai” do Đoàn Kịch 1-Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng vừa ra mắt ấn tượng.

Yếu tố hài kịch đã dẫn dắt khán giả đi tới các xung đột kịch

Tuy là một vở kịch tâm lý xã hội nhưng “Nhà có 5 anh em” lại được đưa đẩy và dẫn dắt xuyên suốt bằng tiếng cười. Nhiều chi tiết đời thường được đặt đúng chỗ và đúng thời điểm đã khiến khán giả cười ngả cười nghiêng. Có thể thấy yếu tố hài kịch đã được đạo diễn Anh Tú sử dụng một cách triệt để và thật sự đã mang lại sự thành công cho vở diễn. Người xem được dẫn dắt đến với các tình huống xung đột một cách nhẹ nhàng và cuốn hút. Đặc biệt, khán giả cảm nhận được sự gần gũi từ vở diễn, mọi sự việc diễn ra như tự nhiên vốn có.

Yếu tố thời sự được tìm thấy trong vở kịch cũng đã khiến vở diễn mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Và trong ngôi nhà bé như cái bao diêm rất đặc trưng cho không gian sống của người thành phố ấy, cuộc sống của 5 anh em trai sẽ lặng lẽ trôi đi nếu không có sự xuất hiện của Xuân-vợ mới cưới của anh cả Sỹ. Cô về làm dâu trong gia đình đã mang lại sự tươi mới nhưng cũng không ít phiền phức và rắc rối. 5 người đàn ông là 5 khao khát hạnh phúc nhưng mới chỉ người anh cả là có gia đình riêng. Nhưng bi kịch lại đến từ việc nhà chật mà các phòng chỉ ngăn cách với nhau bằng các tấm vách. Bao hờn ghen, đố kỵ, ẩn ức riêng tư đã trỗi dậy trong các thành viên. Từ đó, nảy sinh nhiều tình huống dở khóc dở cười như anh em đánh nhau, em chồng tán tỉnh chị dâu…

Đỉnh điểm nhất của vở kịch được thể hiện tại những cảnh cuối khi anh em nghi kỵ lẫn nhau và có nguy cơ “huynh đệ tương tàn”. Và cũng ở những cảnh cuối này, tình yêu và lòng bao dung, độ lượng được thể hiện rõ nét nhất. Người tưởng như gánh nợ cho gia đình-Phúc khoèo lại trở thành người hùng khi lao vào hứng nhát dao oan nghiệt trong cuộc xô xát giữa Sỹ và Tình. Và chỉ đến lúc đấy, những mâu thuẫn, những xung đột mới lắng xuống. Cuộc sống lại lặng lẽ trôi đi khi mỗi người tự tìm cho mình bến đỗ cuộc đời và chuyển ra khỏi ngôi nhà bao diêm. Tính nhân văn của vở diễn cũng nhờ đó mà đi vào lòng công chúng một cách nhẹ nhàng khi khán giả nhận ra triết lý: Chỉ có tình yêu và lòng bao dung mới hóa giải được lòng ghen ghét và đố kỵ.

Giá như
Các diễn viên của Đoàn kịch 1 đã chuyển tải tròn vai ý đồ của đạo diễn. Tuy nhiên, vở diễn cũng đã bộc lộ những phần khiếm khuyết khi quá nhấn mạnh đến âm thanh được phát ra từ “căn phòng hạnh phúc”. Giá như liều lượng của âm thanh giảm bớt đi độ nóng và độ trần trụi, có lẽ vở kịch sẽ khiến khán giả đón nhận chi tiết vốn được coi là tế nhị một cách nghệ thuật hơn. Nhưng dù sao, đây có thể coi là vở kịch mà đạo diễn Anh Tú đã thành công trên con đường chinh phục nghệ thuật.