Tính lại cho hợp lý

ANTĐ - Mức viện phí hiện nay đã được ban hành từ hơn 10 năm trước nên không còn phù hợp, cần phải thay đổi, nhưng do đề xuất khung giá quá cao so với điều kiện kinh tế địa phương và khung giá đề xuất còn nhiều điểm bất cập nên một số tỉnh, thành chưa thể áp giá viện phí mới.

Tỉnh Sơn La là một trong những địa phương đề xuất khung giá viện phí thuộc diện cao nhất (113% so với khung giá do liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành, cao hơn cả mức giá mà nhiều bệnh viện hạng đặc biệt ở Hà Nội và TP HCM đề xuất). Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Sơn La đã có ý kiến không thống nhất nên đề xuất khung giá viện phí của Sơn La không sửa đổi kịp để trình lên HĐND tỉnh trong kỳ họp sắp diễn ra. BHXH ở nhiều địa phương khác như Lào Cai, Sóc Trăng, Đắk Lắk… cũng đang đề nghị xem xét lại giá viện phí mà Sở Y tế đề xuất (ở mức cao nhất của khung) bởi mức này là không phù hợp. HĐND tỉnh Lào Cai đã ngừng thông qua đề xuất viện phí mới với mức thu từ 80-100% so với khung quy định của thông tư liên bộ Y tế - Tài chính, tỉnh đã giao các ngành chức năng tính toán lại viện phí trong vòng một tháng tới.

Điều đáng nói là nhiều địa phương đề xuất mức thu viện phí cao đều là các địa phương còn có điều kiện kinh tế khó khăn, đời sống người dân còn chật vật (như Lào Cai, Đắk Lắk, Sóc Trăng… đề nghị áp dụng đủ 100% giá viện phí được liên bộ ban hành). Trong khi đó, Hà Nội chỉ áp mức viện phí bằng 73-86% khung do liên bộ ban hành.

Một số địa phương như Nam Định, Bắc Ninh, Bình Định, Thanh Hóa… đã phải hạ giá viện phí so với mức đề xuất ban đầu. Theo đó, tỉnh Bắc Ninh cũng từng đề xuất áp giá viện phí ở mức 100% nhưng sau đó đã hạ xuống còn 84% (so với khung giá được liên bộ ban hành). Tỉnh Bình Định đã hạ giá viện phí 2 lần, từ mức đề xuất ban đầu là 91% hiện xuống 54%.

Ngày 12-7, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản khẩn gửi các tỉnh đã thông qua viện phí mới đề nghị xây dựng lại cơ cấu viện phí cho đúng thực tế đời sống của nhân dân. Theo thống kê của Bộ Y tế, tính chung trên toàn quốc, tỷ lệ dân có bảo hiểm y tế (BHYT) mới chỉ ở mức 63%. Theo tính toán mới nhất của cơ quan bảo hiểm, nếu áp mức phí mới như đề xuất của địa phương, dự kiến tổng chi phí khám chữa bệnh cho nhóm bệnh nhân bảo hiểm sẽ tăng 30%, tức khoảng 10.000 tỷ đồng/năm. Trong đó, số 37% người dân chưa có BHYT sẽ phải chi thêm khoảng 5.000 tỷ đồng cho khám chữa bệnh. Một con số không hề nhỏ trong tình hình khó khăn hiện nay. 

Nghịch lý từ khung giá viện phí mới sẽ khiến nhiều người dân không dám... ốm để phải đi viện, bởi hiện nay tỷ lệ bao phủ BHYT còn hạn chế dù Bộ Y tế đang ráo riết phối hợp cùng BHXH Việt Nam nhanh chóng mở rộng độ bao phủ của BHYT và thực hiện nhiều biện pháp để tiến tới hoàn thiện lộ trình BHYT toàn dân. Điều đáng chú ý là những đối tượng chưa tham gia BHYT phần lớn là những đối tượng có điều kiện kinh tế khó khăn (người nghèo, người già…) ở các địa phương nghèo. Việc các địa phương muốn thu viện phí với giá cao sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới đối tượng chưa có BHYT  nhiều người dân sẽ không có khả năng chi trả, ảnh hưởng lớn tới khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của họ. Đây là mối lo lắng có thực và đang hiện hữu. 

Việc tăng viện phí là cần nhưng phải có lộ trình, tăng trọng điểm một số dịch vụ chứ không nên tăng đồng loạt tại thời điểm kinh tế còn khó khăn vì nó sẽ tạo một áp lực, gánh nặng cho người bệnh, đặc biệt với những người bệnh nghèo không có BHYT. Cùng với việc hỗ trợ người nghèo mua BHYT, Nhà nước cần tính đến cơ chế cho bệnh viện được giữ bao nhiêu phần trăm viện phí để lo cho bệnh nhân nghèo.