Tin chấn động: “Beethoven Nhật Bản” giả điếc và đạo nhạc

ANTĐ - Cả nước Nhật đang bàng hoàng vì sự thật phũ phàng vừa được phanh phui về nhà soạn nhạc nổi tiếng, được mệnh danh là “Beethoven Nhật Bản” thực ra không hề điếc, mà còn thuê người viết nhạc suốt 18 năm qua.

Nhà soạn nhạc Nhật Bản Mamoru Samuragoti, người cách đây 15 năm tuyên bố hoàn toàn bị mất thính giác và được mệnh danh là "Beethoven hiện đại" thực ra không hề gặp bất kỳ vấn đề gì trong khi trò chuyện hàng ngày.

Điều này đã được tiết lộ tại Tokyo trong cuộc họp báo ngày 06-02 bởi người viết nhạc mướn tên là Takashi Niigaki, lần đầu tiên xuất hiện. Theo Niigaki, ông cảm thấy mình là đồng lõa vụ lừa đảo mà ông đã bắt đầu có quan hệ đối tác 18 năm trước và dần dần trở thành người viết nhạc thuê.

Trong cuộc họp báo kéo dài hơn một giờ và được phát sóng trực tiếp trên truyền hình, giáo viên âm nhạc bán thời gian Takashi Niigaki cho biết trong 18 năm qua, ông đã chấp bút cho những giai điệu của Samuragochi.

Tin chấn động: “Beethoven Nhật Bản” giả điếc và đạo nhạc  ảnh 1

“Beethoven Nhật Bản” Mamoru Samuragoti (trái) và người viết thuê Takashi Niigaki

Ông thú nhận: “Tôi là một đồng lõa của Samuragochi vì tôi sáng tác theo yêu cầu của ông ta, mặc dù tôi biết Samuragochi đang lừa dối mọi người”. Niigaki nói với phóng viên rằng ông chỉ được trả 7 triệu yên (khoảng 68.000 USD) trong gần hai thập kỷ viết nhạc thuê cho Samuragochi, trong đó ông đã sáng tác hơn 20 phân khúc.

Ngày 05-02, “Beethoven Nhật Bản” đã đưa ra lời thú nhận đầy tai tiếng là trong hơn một thập kỷ qua, có một người khác sáng tác nhạc thay ông ta. Vụ bê bối đã gây chấn động Nhật Bản vì tác phẩm của Samuragoti được sử dụng rộng rãi trong các chương trình truyền hình, phim dài tập, trò chơi máy tính và thể thao.

Trong số các tác phẩm được viết bởi tác giả, có bản Symphony 91 nổi tiếng "Hiroshima" bán được hơn 180.000 bản, và bản "Requiem" cho piano tưởng nhớ các nạn nhân trận động đất và sóng thần năm 2011.