- Công bố quyết định trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2016
- "Chồng tôi xứng đáng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh!"
- Đừng để nghệ sĩ bị tổn thương
Nhóm Nhân sỹ Hà Đông trao trả 7 đạo sắc phong cho làng Gòi Thượng, Hà Nam
Nạn ăn cắp cổ vật đã khiến các ngôi làng bị mất đi tài sản chung của cộng đồng. Với tình yêu dành cho văn hóa dân tộc, nhóm Nhân sỹ Hà Đông quyết đưa vật vốn thuộc về làng quê trở về trong không gian của những ngôi nhà thờ họ, những đình làng hàng trăm năm tuổi.
Việc làm mang nhiều ý nghĩa
Không giàu có nhưng nhóm Nhân sỹ Hà Đông từng mua lại những sắc phong với giá 600 triệu đồng. Nghe tưởng như mâu thuẫn nhưng kỳ thực, nhóm Nhân sỹ Hà Đông trong dự án này đóng vai trò là người kết nối các doanh nghiệp, những người có tài chính và có tâm với văn hóa dân tộc. Nhớ lại thời gian đầu bắt tay vào thực hiện dự án, nghệ sỹ múa rối Chu Lượng, thành viên của nhóm Nhân sỹ Hà Đông tiết lộ, nhiều người đã nghĩ tới việc bỏ tiền ra mua sắc phong để đầu tư kiếm lời sau này.
Nhưng khi chơi với các anh em nghệ sỹ, họ đã được biết tới ý nghĩa của món đồ cổ có niên đại hàng trăm năm. Đó là vật ghi lại lịch sử, nguồn gốc của làng bằng cách phong thần cho các thần linh hoặc những bậc hiển thánh (thành hoàng làng), là tài sản chung của cả cộng đồng làng xã nên thường được cất giữ tại các đình, đền, miếu mạo. Hoặc còn có loại thứ hai là phong cấp, thưởng chức tước cho các công thần và được xem là vật gia bảo, thường được cất giữ cẩn thận tại các gia đình hoặc nhà thờ họ.
Do vậy, việc đưa sắc phong trở lại với nơi vốn thuộc về nó mang nhiều ý nghĩa, để con cháu của dòng họ, của làng hiểu được nguồn gốc, xuất xứ, từ đó tiếp bước truyền thống làng quê vươn lên trong cuộc sống. Trong quá trình mua lại sắc phong và trả lại cho làng, nhóm Nhân sỹ Hà Đông đã được nghe nhiều câu chuyện xúc động về nỗi mong ngóng và canh cánh trong lòng của các cụ ông, cụ bà khi trong dòng họ hay làng bị mất sắc phong.
Cụ thể, như lần về làng Hậu Xá (Phương Tú, Ứng Hòa, Hà Nội) trao trả sắc phong, nhóm đã được nghe cụ thủ từ đình làng Đặng Văn Thao kể lại: “Kể từ ngày đình mất sắc phong, nhân dân đã tìm kiếm khắp nơi mà vô vọng. Từ khi nhóm nhân sỹ thông báo về sự tồn tại của 4 đạo sắc phong, chúng tôi như trút bỏ được tâm tư dằn vặt bấy lâu nay. Từ nay, đình làng đã có hồn, văn hóa địa phương đã có xác tín về nguồn cội”.
Khơi gợi vẻ đẹp của đời sống
Đặc biệt, lần trao trả sắc phong cho dân làng Gòi Thượng, xã An Nội, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, các thành viên của nhóm đã được thấy những giọt nước mắt của các cụ khi chứng kiến báu vật trở về với làng. 7 đạo sắc phong đã bị lấy cắp hơn 10 năm trước và người dân ở đây không biết làm thế nào để tìm lại. Một phần là vì người dân đều nghèo, không có điều kiện vật chất để cử người đi mua lại. Phần khác thì họ không có manh mối và các đạo sắc phong lại được viết bằng chữ Hán Nôm khiến cho cái khó càng thêm chồng chất.
Vì thế, khi hay tin, có một nhóm các văn nghệ sỹ sẽ đưa 7 đạo sắc phong về làng, người dân làng Gòi Thượng vui mừng khôn xiết. Ngày diễn ra lễ trao tặng, từ sớm, dân làng đã khăn áo chỉnh tề để đón. Nhiều người dân đi làm ăn xa cũng đã trở về để tham dự sự kiện này. Dù mới tổ chức được hai buổi trao tặng cho các làng nhưng nhóm Nhân sỹ Hà Đông xác định, dự án sẽ thực hiện trong nhiều năm với tham vọng trao trả hàng trăm đạo sắc phong bị đánh cắp.
Nhưng sức người có hạn, một mình nhóm Nhân sỹ Hà Đông không đủ tiền bạc và sức lực để đi đến tận cùng, vì thế, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã dựa vào mạng xã hội facebook để kêu gọi người đang giữ sắc phong nên trao tặng hoặc trước đây mua bao nhiêu thì để lại giá ấy cho dân làng. Từ lời kêu gọi ấy và tầm ảnh hưởng của một nhà thơ có tên tuổi, một số người buôn bán, sưu tập đã tình nguyện trao trả. Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu cũng vào cuộc dịch “công đức”. Tới nay, nhóm đã sưu tầm được 60 đạo sắc và đang bận rộn với việc dịch để tìm về gốc tích của những di sản văn hóa dân tộc.
Dù tiêu tốn nhiều thời gian và vật chất nhưng với 7 thành viên của nhóm Nhân sỹ Hà Đông, niềm vui đưa các đạo sắc phong trở về làng đã giúp họ gắng sức hơn trong quá trình sưu tầm, tìm kiếm. Các thành viên cho rằng, việc làm này trước hết mang lại giá trị cho chính đời sống của họ, giúp họ đón vào lòng mình năng lượng lớn lao của văn hóa, thu nạp được những bài học giáo dục con cái, sau đó mới đến sức lan tỏa, mong muốn đóng góp một phần vào đời sống của người Việt được xây đắp từ bao đời nay.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định: “Nhiều khi chúng ta bi quan, tưởng rằng đời sống hiện đại chỉ xoay quanh mỗi tiền bạc, tội ác, tham vọng, vô cảm nhưng nếu biết khơi gợi, vẻ đẹp đời sống vẫn trỗi dậy, lan tỏa”.