Thương nhớ Cô Tô

(ANTĐ) - Cô Tô trong trí nhớ của tôi, qua những bài học thuở nhỏ là một huyện đảo của tỉnh Quảng Ninh, là nơi duy nhất được đặt tượng Bác khi người còn sống. Rồi qua năm tháng, như một nàng công chúa được đánh thức, Cô Tô choàng tỉnh, trở thành đảo du lịch.

Thương nhớ Cô Tô

(ANTĐ) - Cô Tô trong trí nhớ của tôi, qua những bài học thuở nhỏ là một huyện đảo của tỉnh Quảng Ninh, là nơi duy nhất được đặt tượng Bác khi người còn sống. Rồi qua năm tháng, như một nàng công chúa được đánh thức, Cô Tô choàng tỉnh, trở thành đảo du lịch.

Hoàng hôn trên biển Cô Tô
Hoàng hôn trên biển Cô Tô

Đảo giữa muôn trùng sóng

Thuyền tròng trành rồi cũng cập vào cầu cảng. Gió Nam những ngày cuối năm làm biển động, khiến hành khách miên man những cơn say. Say sóng mệt lắm, nhưng mà để đến được với nơi núi non trùng điệp, biển xanh và êm đềm, được tận hưởng thú du lịch mạo hiểm thì bấy nhiêu có là xá gì. Cô Tô quyến rũ đến mê hồn...

Mặt trời sắp lặn sau những dãy núi đá, lang thang trong những khu rừng chiều đông, gió lạnh thổi ù ù bên tai nhưng không cảm thấy rét. Đảo là thế, khi trời lạnh thì ấm hơn đất liền, còn khi trời nóng, tất nhiên là mát hơn rồi. Sóng nhè nhẹ vỗ vào bờ cát. Biển ở đây thật lạ, đơn sơ như chưa từng có dấu ấn của con người.

Khi khỏa chân vào lòng biển, cát trắng mịn, đặc trưng của biển miền Trung nhưng lại là một điều hiếm thấy của biển miền Bắc. Và cứ ngỡ như ai đó dày công lát biển, những khối đá lớn phẳng lỳ, nằm e ngại dưới tầng cát mỏng, như một bức tranh bằng đá vậy.

Cô Tô không chỉ có biển mà còn có cả rừng. Những khu rừng nhỏ, đầy hoa sim hoa mua không lối mòn. Mỗi người đến, tự tìm cho mình những con đường đi khác nhau, và thế là rừng vẫn nguyên sinh như thuở nó vốn có. ở Cô Tô, các công ty ngọc trai đã bắt đầu triển khai những bãi nuôi trai vì các vùng nước xung quanh đã bắt đầu có dấu hiệu của sự xuống cấp về môi trường, chỉ có vùng nước này vẫn nguyên sự thuần khiết.

Câu mực đêm

Cô Tô là một điểm du lịch hoang sơ chưa được chú ý khai thác, đó cũng là một lợi thế nhưng đồng thời cũng là hạn chế của vùng đất này. Chưa có điện lưới Quốc gia, điện của đảo chỉ cho phép từ 5h chiều đến 11h đêm, thôi thì cũng đủ để người dân biết đến sự văn minh, các phương tiện truyền thông đại chúng.

Khách sạn cũng không có, chỉ duy nhất có nhà khách ủy ban, với quạt điện là chủ yếu và có hẳn một bếp ăn tập thể, nên đến Cô Tô, tận hưởng không khí thiên nhiên là chính, còn là một nơi an dưỡng thì chưa đủ tiêu chuẩn. Dân Cô Tô sống bằng nghề chài lưới, cũng có một số gia đình làm nghề kinh doanh một số loại hình dịch vụ giải trí như trong đất liền. Nhiều năm trở lại đây, Cô Tô gắn với nghề mực và sứa.

Mực Cô Tô nhỏ con, nhưng đậm, chủ yếu do dân trên đảo câu và tự chế biến. Người Cô Tô chỉ ăn mực Cô Tô, đừng “mơ” lập lờ đánh hàng nơi khác trộn lẫn, họ nhận ra ngay. Mực Cô Tô, con nhỏ nhưng cũng đến 280.000-300.000 đồng/kg. ấy thế nên vào mùa mực, từng đoàn thuyền câu mực đốt đèn chăng lưới, sáng rực lên như một quầng lửa vây quanh đảo. Cuộc sống còn nhiều khốn khó, mực trước nhiều, nhưng giờ nhà nhà câu, người người câu nên cũng cạn dần.

Tháng giêng là mực mai, tháng 8 đến hết năm, vào những đêm trăng sáng là mực lá, còn mực ống thì chỉ “có mặt” vào tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Anh Vương Ngọc Thủy, thế hệ đầu tiên ra đảo những năm 1979, một tay sát mực nhất đảo kể: Cách đây chỉ độ vài năm thôi, anh cùng bố ngồi trên một chiếc mửng nhỏ, đi quanh đảo, bằng kinh nghiệm mà phát hiện ra tổ mực, chỉ ngồi mà giật không cũng được hàng chục cân, giờ có đốt đèn cả đêm may ra được vài cân tươi...

Anh Thủy tiếng là sát mực nhưng lại không kiên trì, chỉ là theo mùa vụ vì anh cũng có cửa hàng tạp hóa nằm ngay sát biển. Anh câu cho thỏa cái lòng đam mê của mình. Anh bảo, ở đảo này có duy nhất một người nặng lòng với mực. Ngày nào cũng một mình một thuyền, cứ tối xuống, thảnh thơi, lấy chân đạp mái chèo đi vòng quanh đảo, thả câu. Đi hết đêm, khi mặt trời lên mới gác thuyền, cũng kiếm được đôi ba cân.

Mực cạn, chỉ có theo mùa, lại xoay sang sứa. Cái loài nhuyễn thể ấy, nó mà “cù” ai thì người đấy chỉ có “gẩy đàn” từ ngày này sang tháng khác, có khi còn nguy đến cả tính mạng ấy chứ. Thôi thì kiếp mưu sinh cũng chẳng khác được, đánh bắt sứa cũng trở thành một nghề ở đảo. Sứa ở Cô Tô cũng khá nhiều vì trước nay chả ai để ý đến loại nhuyễn thể này. Chế biến sứa cũng hết sức đơn giản, đặc biệt nhất là nộm sứa và lẩu sứa.

Nộm thì dễ rồi, chần sứa với nước chè xanh và lá ổi đun sôi, sứa trắng và trong muốt biến thành màu vàng như nghệ, trộn lẫn với lạc, tai lợn, rau thơm mà chỉ ở nơi ấy mới có, ăn giòn giòn là lạ, khác hẳn với cái món sứa ăn cùng cùi dừa, đậu phụ vẫn bán nơi phố phường tấp nập. Sau món nộm sứa nhớ đời nơi ấy, về Hà Nội, cũng muốn tìm lại hương vị ấy và tìm thấy trong một quán ăn trên đường Ngọc Khánh, thấy cứ ngường ngượng sao đó, thể như gái quê mà phải ăn mặc theo kiểu thành thị quá, lạt vị lắm.

Còn lẩu mới thật sự thú vị, riêng có của sứa. Ăn lẩu sứa ở Cô Tô đừng mong có lẩu điện hay lẩu từ, lẩu cồn. Một bếp than hừng hực cháy, toàn là kíp lê, thứ vốn thừa mứa ở Quảng Ninh, trên đó là một nồi nước chân giò hầm, không phải xương ống như các bà các chị Hà Nội vẫn quen làm cho nồi lẩu nhà mình.

Múc nước canh ra một cái thau nhỏ, đặt giữa bàn, cho một gắp sứa vào bát, thảy lên một nhúm rau thơm, chan cái nước nóng hôi hổi ấy vào, đếm đến 3 là có thể cho vào miệng, ăn đến đâu, mát ruột đến đấy và rất lành. Khi thau nhỏ đã nguội, lại được thay một thau khác, vẫn nóng như thế. Lẩu sứa xem ra ăn khá vất vả nên chắc phải quý nhau lắm người ta mới mời nhau món này...

Tiềm ẩn du lịch

Rất nhiều công ty du lịch đã đến đây khảo sát để thành lập điểm đến. Nhưng cái khó của Cô Tô là đất đảo gần như là những khu vực quân sự, đụng vào chỗ nào cũng không làm được. Trong khi đó, những người đi kinh tế mới, được Nhà nước cấp đất, sau thấy vất vả quá không ở, bỏ lại nhà cửa ruộng vườn nhưng đến khi huyện cần đất để xây dựng cơ sở hạ tầng cho sự phát triển thì dân lại sang, lại ở, lại giữ đất, thành thử chưa có phương cách nào để thu hồi.

Lại thêm tàu ra đảo cũng chưa thuận tiện, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến, chỉ các ngày thứ 3, 5, 7 hàng tuần, có hai chuyến tàu ra, các ngày còn lại trong tuần có 2 chuyến tàu về. Tàu cũng chưa được đầu tư cơ bản, chủ yếu vẫn cho dân đi, nên cũng phải mất hơn 3 giờ đồng hồ mới đến được đảo. Nhưng rồi về lâu về dài cũng phải có quy hoạch cho vùng đất này, bởi nó chứa đựng khả năng lớn về sự phát triển du lịch.

Cô Tô có thể tăng cường quảng bá, lập trang web, đào tạo nhân sự làm du lịch, xây dựng thị trấn Cô Tô thành một trung tâm du lịch, chú trọng khai thác các loại hình lặn biển ngắm san hô, lướt ván trên sóng biển, chèo xuồng kayak, du thám trong rừng (trekking)... Và giữ cho những bãi biển, những cánh rừng nguyên sinh, những khu vực bảo tồn san hô được nguyên vẹn để tham quan, tắm biển bởi đó là một viên ngọc tinh khiết của vùng Đông Bắc.

Yên Hưng