Nghệ sỹ Bùi Bạch Liên bên cây Hạ Uy Cầm
Du nhập vào Việt Nam từ những năm 30 của thế kỷ trước, những năm 1945 - 1960 được coi là thời kỳ vàng son của cây đàn Guitar Hawaii, đặc biệt là tại Hà Nội - nơi sản sinh ra những nghệ sỹ xuất chúng đã đưa tiếng đàn Hạ Uy Cầm trở thành huyền thoại như Đoàn Chuẩn, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Thiện Tơ, Hoàng Giác… Giữa những tên tuổi đó, nhà giáo, nghệ sỹ Bùi Bạch Liên được biết đến như nữ nghệ sỹ duy nhất còn lưu giữ “tiếng đàn lạ” tại đất Hà thành. Một ngày mùa thu, chúng tôi tìm đến gặp bà tại nhà riêng trên phố Phan Văn Trường. Bà hiện không đi đâu được bởi căn bệnh ở chân hành hạ, nhưng đôi mắt của bà vẫn ánh lên sự tinh tường và niềm vui không che giấu khi nhắc đến tiếng đàn Guitar Hawaii - tình yêu của bà trong hơn 50 năm qua. Có lẽ, những người trót yêu Hạ Uy Cầm đều đồng ý rằng, sức mê hoặc của cây đàn nằm ở chỗ bản nhạc đã chấm dứt song dư âm của nó vẫn vương vấn, đọng lại mãi đâu đây.
Ký ức về cây đàn Hạ Uy Cầm cũng là ký ức về Thủ đô Hà Nội, nơi nghệ sỹ Bùi Bạch Liên sinh thành. Thuở ấy, khi là nữ sinh trường Trưng Vương, buổi chiều rong ruổi đạp xe qua số nhà 31 Cửa Nam của nhạc sỹ Hoàng Vân, bà nghe được tiếng đàn rất lạ. Âm thanh nghe như tiếng đàn guitar nhưng réo rắt, luyến láy như vĩ cầm của Hạ Uy Cầm đã thu hút và thôi thúc bà theo học. Tuy nhiên, vì quan điểm của hai cụ thân sinh lúc bấy giờ là “xướng ca vô loài”, một phần cũng không có tiền để đi học đàn nên bà tạm gác lại ước mơ để theo học ngành sư phạm. Mãi đến năm 1963, khi là giáo viên chuyên ngành toán lý của một trường phổ thông ở khu Hai Bà Trưng, Hà Nội, bà mới theo học đàn ở nhà nhạc sỹ Đoàn Chuẩn. Suốt giai đoạn kháng chiến 1965-1966, khi đi sơ tán ở Văn Điển, mỗi chủ nhật hàng tuần, bà lại miệt mài đạp xe về ngôi nhà số 9 Cao Bá Quát để học. Mỗi buổi học chỉ kéo dài nửa giờ, nhưng bà thường đến từ sớm để được nghe tiếng đàn của thầy. Lúc bấy giờ, theo học thầy Đoàn Chuẩn không chỉ có một mình bà là nữ, nhưng nhờ sự kiên trì và nỗ lực khổ luyện, bà là cô học trò được thầy yêu quý và cho đi biểu diễn. Cũng chính vì vậy, mãi sau này, dù đã từng chơi qua nhiều ca khúc nổi tiếng, những nhạc phẩm của cố nhạc sỹ Đoàn Chuẩn - người thầy và cũng là người nghệ sỹ bà hết lòng kính trọng vẫn là những bản nhạc bà tâm đắc nhất.
Có lẽ, tiếng đàn hay đến vậy nên cũng phải chọn không gian xứng đáng để thưởng thức. Từng đứng trên nhiều sân khấu lớn nhỏ trong và ngoài nước, nhưng với riêng nghệ sỹ Bùi Bạch Liên, chỉ có 2 nơi tại Hà Nội mà khi biểu diễn để lại cho bà nhiều ấn tượng và xúc cảm. Một là căn phòng nhỏ ở số nhà 51 Trần Hưng Đạo của nghệ sỹ Khắc Huề, vốn là địa chỉ mà những người yêu nhạc trữ tình ở Hà Nội ai cũng biết. Đối với nghệ sỹ Bùi Bạch Liên, nơi này mang dáng dấp của thời xưa, ấm cúng như một khán phòng nhỏ. Bà bộc bạch: “Người nghe nhạc đến không nhai kẹo cao su, không hút thuốc lá, chỉ có âm nhạc. Âm nhạc giúp người nghệ sỹ và khán giả được chia sẻ, cùng tìm tiếng nói chung”.
Không gian thứ hai đó chính là Hoàng thành Thăng Long - nơi bà vừa hoàn thành buổi biểu diễn đáng nhớ nhất của mình. Đứng giữa nơi hồn dân tộc hội tụ, khi giá trị nghệ thuật và tâm linh hòa quyện, bà cảm thấy tiếng đàn thăng hoa và chạm đến trái tim của những người yêu nhạc. Khi sức lực và sự dẻo dai của đôi tay không còn như trước, nghệ sỹ Bùi Bạch Liên không chắc có còn được đứng trên sân khấu, đưa tiếng đàn Hạ Uy Cầm đến cho mọi người nữa hay không. “Nhiệt huyết trong tôi vẫn còn nhưng sức khỏe không cho phép, tôi sợ làm tổn thương tiếng đàn. Giờ tôi chỉ mong muốn được ngồi thưởng thức những người khác chơi cây đàn này, tặng hoa và dành tặng họ những cái ôm thắm thiết”.