Thu hút các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam quay phim nhưng phải đảm bảo an ninh, chính trị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các ĐBQH cho rằng, việc thu hút các đoàn làm phim quốc tế đến Việt Nam quay phim rất cần khuyến khích, ủng hộ song vẫn vẫn đảm bảo những vấn đề về an ninh, chính trị...
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo trước phiên thảo luận
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo trước phiên thảo luận

Chiều 25-5, Quốc hội thảo luận Luật Điện ảnh (sửa đổi). Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về việc phân loại phim, theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, phân loại phim theo độ tuổi người xem được nhiều quốc gia áp dụng.

Dự thảo Luật đã được chỉnh lý, quy định về hiển thị phân loại phim. Theo đó, chia làm 6 loại phim, gồm: loại P (phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi), phim 18+, phim 16+, phim 13+, phim loại K (được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ), phim loại C (phim không được phép phổ biến).

Tiêu chí phân loại phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.

Trong quá trình tiếp thu ý kiến đại biểu, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đa số ý kiến đồng tình với phương án tự phân loại đối với phim phổ biến trên không gian mạng. Một số ý kiến đề nghị phải cấp phép phân loại phim phổ biến trên không gian mạng. Có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm của chủ thể phổ biến phim, tăng cường công cụ kiểm soát đối với trẻ em. Có ý kiến đề nghị phân loại đối với phim có yếu tố về chính trị, quốc phòng, an ninh...

Về vấn đề này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, phương án giao chủ thể phổ biến phim thực hiện tự phân loại đối với phim phổ biến trên không gian mạng đã được Chính phủ cân nhắc, đánh giá tác động, phù hợp với thực tế nước ta hiện nay. Đây là xu hướng chung trên thế giới, được đa số ĐBQH đồng tình.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu lực, khả thi của phương án tự phân loại đối với phim phổ biến trên không gian mạng, dự thảo Luật được thiết kế lại, quy định cụ thể, chặt chẽ về các chủ thể được phép phổ biến phim.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh thảo luận tại Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh thảo luận tại Quốc hội

Một nội dung khác được nhiều ĐBQH quan tâm khi thảo luận ở hội trước là việc Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần có chính sách ưu đãi để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều đoàn làm phim quốc tế.

Các ĐBQH cũng quan tâm đến quy định cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Trong đó, nhiều ĐBQH ủng hộ phương án Luật cần phải quy định yêu cầu các đoàn làm phim nước ngoài cung cấp kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt để bảo đảm chặt chẽ và thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Long cho rằng, việc thu hút các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam quay phim hoặc hợp tác sản xuất phim là rất cần thiết, điều này sẽ tạo điều kiện cho giới chuyên môn được tiếp cận nhiều hơn với môi trường làm việc phim chuyên nghiệp. Qua đó, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, chuyển tải được những giá trị nhân văn cao đẹp, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên kịch bản tóm tắt chưa thể hiện hết nội dung phim. Việc thẩm định kịch bản phim với nội dung đầy đủ mới đảm bảo các yêu cầu chính trị, quốc phòng và an ninh. Đây cũng là kinh nghiệm của một số quốc gia trong thẩm định kịch bản phim. Do đó, nữ ĐB cho rằng, cùng với việc thu hút các đoàn làm phim quốc tế thì vẫn đảm bảo những vấn đề về an ninh, chính trị. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho ý kiến về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển Điện ảnh.