Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh lấy người bệnh làm trung tâm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Bộ này xây dựng theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm"...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày tờ trình trước Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày tờ trình trước Quốc hội

Đầu giờ làm việc chiều nay, 25-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Bộ trưởng Y tế cho biết, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.

Mặt khác, thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua cho thấy đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: vấn đề điều động nhân lực; vấn đề cấp giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; vấn đề khám bệnh, chữa bệnh từ xa; vấn đề kê đơn, cấp phát thuốc cho người bệnh…

“Do đó, để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý thì việc xây dựng dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là rất cần thiết” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương và 106 điều, thêm 3 chương (chương VI, X, XI) so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Ông Long nhấn mạnh, dự án Luật này được Bộ Y tế xây dựng theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm".

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) so với Luật hiện hành là:

- Không cấp mới giấy phép hành nghề cho đối tượng là y sỹ từ ngày 1/1/2025 nhưng vẫn cho phép những y sỹ đã được cấp chứng chỉ hành nghề theo Luật năm 2009 tiếp tục hành nghề trọn đời; Lực lượng vũ trang tiếp tục được tuyển dụng, sử dụng y sỹ để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ của lực lượng vũ trang và của người dân tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

- Quy định giấy phép hành nghề có giá trị thời hạn là 05 năm với điều kiện gia hạn là phải cập nhật kiến thức y khoa,cùng với việc phải có đủ sức khỏe và không thuộc trường hợp bị cấm hành nghề.

- Đổi mới về phân cấp chuyên môn, theo đó hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tổ chức thành 3 cấp theo chuyên môn: Cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; Cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; Cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu.

- Thực hiện việc phân cấp về cấp giấy phép hoạt động cho các Bộ chủ quản, Sở Y tế các địa phương; thực hiện phân cấp thẩm quyền phê duyệt bổ sung danh mục kỹ thuật, cho phép áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới...

Đặc biệt, về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã thay đổi từ cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các nhóm yếu tố chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định sang cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các yếu tố phát sinh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.

Quy định như trên nhằm khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đầu tư để nâng cao khả năng cung cấp cũng như chất lượng của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói, đồng thời nhấn mạnh: Việc xây dựng, quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

Thẩm tra tờ trình nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Ủy ban Xã hội nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Tuy vậy. Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo luật tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW, đặc biệt là các nội dung về giá dịch vụ y tế, về xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, về đào tạo và đãi ngộ cán bộ y tế và cần bảo đảm các chính sách này có tính khả thi.

Vào chiều mai, 26-5, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật kể trên.