Thiếu trầm trọng tư vấn dinh dưỡng

ANTĐ - “Hầu hết các bác sĩ dinh dưỡng đào tạo từ hơn 20 năm trước hiện không còn công tác, trong khi đó, công tác dinh dưỡng cộng đồng, vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng tại các cơ sở y tế và bệnh viện lại rất cấp thiết” – Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết. Trong khi đó, các nguồn thông tin về chuyên ngành này lại khá khan hiếm đối với thí sinh dự thi tuyển sinh năm nay. 

Nhiều trường học, bệnh viện rất thiếu cán bộ dinh dưỡng

Thiếu chất vì thiếu kiến thức

Hồ Thị Thanh Chang, một trong những sinh viên đầu tiên ngành cử nhân Dinh dưỡng ĐH Y Hà Nội bắt đầu đào tạo từ năm nay cho biết, lý do lựa chọn ngành này, đó chính là từ bữa ăn hàng ngày thiếu dinh dưỡng của gia đình cô và bà con hàng xóm. 

“Em học khối A nhưng thi thêm khối B. Dù trúng tuyển chuyên ngành ngân hàng-tài chính nhưng em vẫn quyết định theo ngành Dinh dưỡng. Điều này dĩ nhiên là bị gia đình phản ứng vì thông tin về ngành này quá ít nhưng em vẫn quyết tâm theo đuổi bởi một suy nghĩ, sau này công việc của mình sẽ giúp ích cho các gia đình cải thiện chế độ dinh dưỡng theo điều kiện của mình ngay trong bữa ăn hàng ngày” – Hồ Thị Thanh Chang chia sẻ. Khó khăn mà Chang cũng như các bạn cùng khóa gặp phải chính là vấn đề tìm hiểu thông tin đối với một ngành mới thành lập này. “Em đã hỏi ý kiến nhiều thầy cô nhưng các thầy cô đều không hề biết gì về ngành đào tạo dinh dưỡng. Tra cứu thông tin trên mạng thì cũng rất hiếm. Đây thực sự là thử thách với em khi lựa chọn ngành nghề tương lai mà chưa nắm được thông tin cần thiết, trong đó có cả vị trí làm việc sau này” – Trần Thị Thanh Tâm, sinh viên ngành Dinh dưỡng, ĐH Y Hà Nội cho biết.

Nơi nào cũng thiếu cán bộ dinh dưỡng

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội,  hiện tại, các bệnh viện đều cần cán bộ dinh dưỡng, trường học thiếu chuyên viên tư vấn dinh dưỡng, chính vì vậy vai trò của các cử nhân ngành dinh dưỡng rất quan trọng. “Tôi đặc biệt ấn tượng với chính sách của Nhật Bản về chế độ dinh dưỡng đã triển khai 70 năm nay, tập trung vào bữa ăn của học sinh từ mầm non đến hết phổ thông để cải tạo thể chất, đem đến mặt bằng sức khoẻ, thể lực của người dân Nhật Bản hiện nay. Việt Nam bây giờ mới đào tạo cử nhân dinh dưỡng là muộn nhưng vẫn phải bắt đầu. Đây là sứ mệnh kéo dài hàng chục năm thậm chí cả trăm năm để cải thiện tầm vóc thanh niên Việt Nam” – ông Nguyễn Đức Hinh nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho rằng chế độ nuôi dưỡng tốt sẽ tăng khả năng học tập, trí thông minh cho học sinh và thành tích trong mọi lĩnh vực sẽ theo đó mà tăng lên. “Thiếu rất nhiều cán bộ dinh dưỡng tại các bệnh viện, trường học, cơ quan nghiên cứu để xây dựng thực đơn, chế độ ăn, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm. Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, các cơ sở đều phải cử cán bộ tham gia các khóa học ngắn hạn” – bà Nguyễn Thị Lâm khẳng định.

Thực tế tại một số bệnh viện cho thấy, những hoạt động dinh dưỡng do các khoa và trung tâm dinh dưỡng quản lý và triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực trong hỗ trợ điều trị, gắn kết chặt chẽ với hoạt động của các khoa lâm sàng và trở thành bộ phận cần thiết của quá trình điều trị bệnh. Bên cạnh đó, công tác dinh dưỡng cộng đồng đã được triển khai có hiệu quả, tỷ lệ suy dinh dưỡng trong phạm vi toàn quốc đã giảm rõ rệt, dưới 20%, là mức giảm ấn tượng so với các nước trong khu vực, GS Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.